CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:16

Sắc màu tuồng Thổ Hà

Ấn tượng

“Diễn tuồng đã khó, hóa trang nhân vật tuồng trong các tích cổ còn khó hơn, cả làng Thổ Hà giờ chỉ còn độ 5 người biết hóa trang, nghệ sĩ phải biết vận dụng ưu điểm của khuôn mặt để thể hiện được hình tượng và tính cách nhân vật mà các diễn viên hóa thân”-ông Phạm Tiến Tuấn, Chủ nhiệm CLB tuồng Thổ Hà cho biết.

Đa số các vở tuồng được công diễn dịp lễ hội xuân và ngày làng vào đám. Để vở diễn thành công, khâu trang điểm, trang phục đặc biệt quan trọng, nhưng trong số hàng chục người trong CLB tuồng của làng chỉ còn vài người thạo cách trang điểm.

 tuồng Thổ Hà

Theo ông Tuấn, người diễn viên, ngoài khả năng ca xướng, vũ đạo, diễn xuất, còn phải biết vẽ mặt mình, khi thủ bất cứ vai nào. Nhờ những gương mặt được hoá trang, khán giả biết ngay tâm lý, tính cách, giai cấp xã hội của nhân vật khi vừa thấy diễn viên bước ra sân khấu.

Hóa trang cũng là cách gây ấn tượng nhất để người xem nhớ đến nhân vật, ngoài ra trang phục, màu sắc, hình thể và biểu cảm là những yếu tố cơ bản để` khán giả nhận biết về một nhân vật, từ đây khán giả có thể phân biệt được vai diễn là trung hay nịnh, văn hay võ, hiền lành hay độc ác, điềm tĩnh hay nóng tính...

Những ai được xem “diễn viên” tuồng của làng Thổ Hà biểu diễn đều ấn tượng lạ lùng với những ông tướng mặt đỏ như gấc, râu dài tới ngực, áo quần lộng lẫy sắc màu. tuồng Thổ Hà

 Nghệ thuật hóa trang mặt tuồng có những quy ước chặt chẽ, sao cho thể hiện được tính cách, đức tính nhân vật. Trong đó, cái khó nhất trong trang điểm tuồng là cách thể hiện trên đôi mắt.

Diễn viên hoá trang theo một số mẫu chung, vai “trung” mặt đỏ, râu dài; vai nịnh mặt rằn, râu ngắn; mặt trắng là người có diện mạo đẹp, tính cách trầm tĩnh; mặt đỏ là người trí dũng, chững chạc; mặt tròng xéo đen là tướng phản; hai bên thái dương có vết đỏ là người nóng nảy; mặt lưỡi cày là người đoản hậu, nhát gan... tuồng Thổ Hà

Trăn trở nối nghiệp

Một thực tế đáng suy nghĩ là làng Thổ Hà còn hàng chục người biết diễn tuồng nhưng thực chất chỉ còn chưa đến 10 người thường xuyên tham gia CLB.

Bởi ngoài việc phải tự túc kinh phí hoạt động, theo "nghiệp tuồng" họ còn tốn khá nhiều thời gian nên không ít người phải đành lòng xa rời nó. Có một lý do nữa khiến những vai diễn tuồng từng đạt tới "độ chín" ngại "động chạm" bởi vấn đề tâm linh.

Theo ông Trịnh Quang Liêm, vài năm trước, làng có bốn kép đen khá giỏi đã qua đời một cách bí ẩn. Người ta đồn đoán rằng, các diễn viễn này thường đóng vai những ông tướng lừng danh trong lịch sử nên đã phạm húy(?).

Mặc dù vậy, vẫn còn một số người không nỡ để nghệ thuật truyền thống của làng bị chìm vào quên lãng nên vững lòng bám trụ, trong đó ngoài ông Nguyễn Công Sơn còn có các ông Phạm Tiến Tuấn, Trịnh Đăng Thời, Trịnh Đăng Đàm...

 tuồng Thổ HàẢnh bài viết: Những nghệ sỹ tuồng làng Thổ Hà.

Hơn 20 năm diễn tuồng, được mời công diễn ở nhiều nơi như Bắc Ninh, Hà Nội..., đã giúp ông Sơn nhận ra tuồng là môn nghệ thuật "không hề đơn giản" bởi nó không chỉ kén người diễn mà còn kén cả người xem.

Trong tuồng, nam diễn viên gọi là "kép", gồm có: Kép văn, kép võ, kép rừng, kép đen, kép trắng, kép anh, kép em, kép trạng nguyên, kép nghèo (hàn sĩ, hàn nho...). Nói về độ khó của tuồng, ông Sơn cho hay: "Hầu hết các tích tuồng đều xoay quanh các đề tài, nhân vật trong lịch sử Việt Nam, Trung Quốc. Ngôn ngữ hát tuồng đa phần là Hán-Việt hoặc những từ ngữ triết lý, bác học, văn chương theo lối ẩn dụ.

Các điệu cơ bản của tuồng như ngâm, vịnh, thán oán, nam thương, xuân nữ, bạch, xướng, nam bình, khách... đều dùng thể thơ thất ngôn, ngũ ngôn, lục bát và phú khá chặt chẽ...”

Hiện nay người yêu tuồng ở Thổ Hà vẫn trăn trở về số phận của môn nghệ thuật truyền thống này khi chưa tìm được lớp kế nghiệp. Điều mà họ mong muốn hiện nay là các cấp chính quyền địa phương sớm có cơ chế đầu tư để khôi phục, mở rộng mô hình CLB hát tuồng, trong đó chú trọng việc truyền dạy cho lớp trẻ. 

Kim Sa

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh