Chào đón 2020: Tái hiện nhiều không gian Tết Việt
- Văn hóa
- 20:26 - 27/12/2019
Tái hiện Tết Việt trong không gian phố cổ
Năm nay, Thủ đô Hà Nội kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội (1010-2020), nhóm văn hóa Đình làng Việt cho biết sẽ phối hợp với Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội tái hiện không gian Tết Việt giữa lòng phố cổ vào ngày 18/1/2020 (tức 24 tháng Chạp năm Kỷ Hợi). Theo đó, Nghi lễ quan trọng nhất của sự kiện sẽ là Lễ dựng nêu tại vườn hoa Hồ Hoàn Kiếm, trước cổng đền Ngọc Sơn. Cùng với đó là các hoạt động diễn xướng dân gian như múa sư tử - nghê thời Lý; múa, hát cửa đình; múa bồng; hát xoan… và những làn điệu âm nhạc dân gian đặc sắc của các vùng miền.
Tại không gian Đình Kim Ngân (42 Hàng Bạc) sẽ diễn ra các hoạt động lễ dâng thành hoàng, hát cửa đình - hát thờ thành hoàng; trưng bày tranh Kim Hoàng, tranh Đông Hồ; trưng bày đầu tượng sư tử - nghê, lấy mẫu từ đầu tượng sư tử - nghê thời Lý, chùa Bà Tấm, Gia Lâm (Hà Nội). Đặc biệt, các nghi lễ gói, luộc bánh chưng, nghi lễ cúng Tất niên của gia đình Hà Nội sẽ được thực hiện chi tiết tại Ngôi nhà di sản (87 Mã Mây). Du khách đến đây sẽ được cảm nhận không gian Tết của một gia đình Hà Nội xưa với mâm cỗ Tất niên, cảnh quây quần bên nồi bánh chưng, thưởng thức các món ăn đặc sản Tết của Hà Thành, chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật dân gian Hàng Trống, xin chữ...
Sở VHTT Hà Nội cho biết, từ nay đến Tết Dương lịch, Thành phố sẽ tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật Countdown đếm ngược theo hình thức xã hội hóa vào tối 31/12/2019 tại 2 địa điểm: Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Quảng trường Cách mạng Tháng Tám. Tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật tại khu vực Quảng trường Sân vận động Mỹ Đình, trung tâm quận Hà Đông, Tây Hồ, thị xã Sơn Tây. Tổ chức triển lãm tranh, ảnh có nội dung Chào Năm mới 2020 tại Nhà triển lãm 45 Tràng Tiền. Tổ chức chiếu phim lưu động phục vụ nhân dân tại các khu vực ngoại thành.
Trong dịp Tết Tết Dương lịch 2020, thành phố sẽ tổ chức trang trí tuyên truyền, cổ động trực quan chào mừng Tết Dương lịch 2020. Trong đó có tuyên truyền cổ động trực quan trên một số trục đường, tuyến phố chính và các khu vực trung tâm Thành phố. Bên cạnh đó, Thành phố cũng sẽ phát động các cơ quan, đơn vị, hộ gia đình, cá nhân tổ chức thực hiện vệ sinh, trang trí, làm đẹp các tòa nhà, cơ quan, công sở, hộ gia đình chào đón năm mới 2020 và Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Sở VHTT sẽ phối hợp với các Sở, ban, ngành Thành phố tổ chức chấm điểm về việc trang trí cây hoa, cây cảnh và tuyên truyền, trang trí trên địa bàn Thành phố chào đón năm mới 2020 và Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.
Trong dịp này, TP Hà Nội cũng sẽ tổ chức 51 điểm chợ hoa xuân nhằm trưng bày, giới thiệu cây cảnh, hoa, quả, các sản phẩm hàng hóa Tết, sản phẩm làng nghề truyền thống, đáp ứng nhu cầu mua sắm, tham quan giải trí của nhân dân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý. Theo đó, quận Hoàn Kiếm có một điểm tại phường Hàng Mã; quận Hai Bà Trưng có ba điểm tại chợ Mơ, Công viên Thống Nhất, Công viên Tuổi trẻ; quận Thanh Xuân có hai điểm tại Công viên hồ điều hòa Nhân Chính và ngõ 64 đường Kim Giang; quận Hoàng Mai có hai điểm gần hồ Đền Lừ và phố Hoàng Liệt... Các quận, huyện, thị xã còn lại do dễ bố trí diện tích nên tổ chức được nhiều điểm chợ hoa Xuân hơn. Có thể nói, chợ hoa Xuân gắn liền với nhiều người dân Thủ đô mỗi dịp Tết đến xuân về. Tết đến là thời điểm người dân dành nhiều thời gian để trang trí cho ngôi nhà với mong ước sẽ gặp nhiều may mắn trong năm mới. Chính vì vậy, Chợ hoa Tết truyền thống là nơi gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa và nét đẹp văn hóa trong đời sống nhân dân Hà Nội nói riêng. Góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân và giới thiệu nét đẹp văn hóa Tết Nguyên đán cổ truyền với du khách nước ngoài.
Tôn vinh Tết Việt gắn với làng nghề
Tại TP. Hồ Chí Minh, Lễ hội Tết Việt Canh Tý 2020 sẽ diễn ra từ ngày 9 – 29/1/2020 (nhằm ngày 15 tháng chạp đến mùng 5 Tết) tại Nhà văn hoá Thanh Niên thành phố Hồ Chí Minh với nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật, trò chơi dân gian, múa lân sư rồng. Ngoài ra còn có thêm nhiều hoạt động mới đặc sắc như: chương trình văn nghệ sĩ với gian hàng bán áo dài cũ gây quỹ chăm lo cho các em thiếu nhi cơ nhỡ vui xuân, trang trí cây mai vàng đại thụ, khu phố ẩm thực với những món ăn truyền thống Việt Nam…
Theo BTC, ngoài đường Mai vàng và phố ông đồ, Lễ hội Tết Việt Canh Tý 2020 sẽ có đột phá khi tái hiện 4 làng nghề truyền thống các vùng miền của Việt Nam gồm: làng gốm, làng mây, làng lụa và làng hương (nhang). Theo lý giải của BTC, việc lựa chọn 4 làng nghề cũng rất phù hợp không gian tết Việt, đều mang đặc trưng tiêu biểu và gắn liền với người dân Việt Nam từ rất lâu đời, với mục đích gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống. Sự đổi mới này cũng là tiền đề để những năm tiếp theo BTC sẽ giới thiệu thêm nhiều làng nghề, các nét đặc sắc văn hóa ở những vùng miền khác nhau. 4 làng nghề được chọn, nhưng hiện nay chưa được khai thác và truyền bá rộng rãi.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Duyên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông và giải trí AnnaQ (đơn vị đồng tổ chức) cho biết, khách tham dự sự kiện năm nay không chỉ có cơ hội chụp ảnh lưu giữ kỷ niệm tại các không gian làng nghề, mà còn biết được cách các nghệ nhân tạo ra các sản phẩm. Theo bà Duyên, các làng nghề sẽ được tái hiện để du khách đến với lễ hội có cơ hội chiêm ngưỡng và tự hào về những giá trị văn hóa truyền thống của người Việt Nam.
Ngay trong ngày khai mạc, các nghệ sĩ sẽ cùng nhau xuất hiện với tà áo dài để chụp hình quảng bá cho lễ hội. Ngay sau đó, sự kiện "Gắn kết yêu thương" dự kiến thu hút hơn 100 nghệ sĩ tham gia bán đồ cũ từ thiện. Toàn bộ số tiền thu được sẽ dành tặng 500 món quà đến trẻ em tại các trung tâm bảo trợ xã hội, mái ấm, nhà mở. Một trong những điểm mới khác tại lễ hội năm nay là minishow dành cho các ca sĩ đăng ký tham gia. BTC hy vọng sự kiện lần này sẽ góp phần nâng cao ý thức về nếp sống văn minh, giữ gìn vệ sinh, môi trường, an ninh, an toàn cho người dân và du khách.