CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:16

Giới trẻ với hồn Tết Việt

 

Trong khi một số bạn trẻ muốn gộp Tết Nguyên đán và Tết Dương lịch làm một để hợp với xu hướng toàn cầu, để có thời gian nghỉ dài đi chơi thì cũng không ít bạn muốn giữ lại Tết truyền thống, muốn được quây quần bên gia đình mỗi khi Tết đến, xuân về.

Năm nay, được nghỉ Tết 10 ngày, thay vì ở lại Hà Nội vui chơi hay đi du lịch cùng bạn bè, Nguyễn Minh Anh (sinh viên năm thứ 3, ĐH Hà Nội) về quê nội ở Cao Bằng để đón Tết. Mặc dù sinh và lớn lên ở Hà Nội nhưng số lần đón Giao thừa ở Thủ đô của Minh Anh chỉ đếm đầu ngón tay, bởi hầu như năm nào gia đình cô cũng thu xếp để về quê đón Tết cùng ông bà.

Các bạn trẻ mang Tết đến với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

 

Được về quê đi phiên chợ Tết cùng bà, rửa lá dong để gói bánh cùng mẹ và cùng bố dọn nhà tươm tất để đón Tết đã trở thành những công việc Minh Anh thuộc lòng. Cả nhà rộn ràng chuẩn bị đón Tết và rôm rả tiếng cười. “Cái cảm giác đại gia đình quây quần bên nồi bánh chưng kể những chuyện vui của cả một năm là niềm hạnh phúc mà những đứa trẻ thành phố rất khó có được. Ông sẽ động viên các con, các cháu sang năm mới việc gì cần phát huy, dự định nào sẽ phải thực hiện. Đồng thời ông khuyên con cháu không nên làm việc gì... Ngần ấy lý do thôi cũng đủ để chỉ cần nhắc đến Tết là cả nhà cuống lên thu xếp công việc để lo mua vé xe, chuẩn bị quà bánh, hành lý về quê đón Tết cùng ông bà”, Minh Anh hào hứng nói.

Đặc biệt, năm nay Minh Anh về quê đón Tết không chỉ như mọi năm. Cô sinh viên năm thứ 3 đã biết lo nghĩ cho những người xung quanh. Những gói hành lý về quê không chỉ là đồ dùng cá nhân, quà bánh cho người thân mà cô còn quyên góp quần áo, bánh kẹo, sách vở để mang về cho trẻ em nghèo ở quê. Những gói bánh kẹo đối với trẻ em vùng cao vẫn là niềm ao ước mỗi khi Tết đến....

Giới trẻ hào hứng về quê ăn Tết.

 

Dù rất bận rộn mỗi dịp Tết đến nhưng gia đình anh Nguyễn Đức Tuấn (huyện Gia Lâm, Hà Nội) vẫn luôn coi trọng việc giáo dục giá trị Tết truyền thống cho 2 con. Dù bận rộn, năm nào hai vợ chồng cũng gói bánh chưng, làm mứt, các loại bánh: Bánh gai, bánh rán,... Hai con háo hức thức dậy từ 5 giờ sáng rồi tự tay gói những cái bánh nhỏ xíu. Trong khi gói bánh, anh kể lại câu chuyện “Sự tích bánh chưng, bánh dầy” cho các cháu nghe để từ đó các cháu biết được truyền thống của dân tộc. Cuối cùng thì hai chị em cũng biết được cách gói bánh và háo hức ngồi canh lửa, chờ bánh chín. Truyền thống cuối năm cả nhà đi tảo mộ, chúc Tết ông bà, trao nhau những lời chúc tốt đẹp cho năm mới... vẫn được gia đình gìn giữ. Với họ, đó là bài học giáo dục có ý nghĩa, dạy cho con trẻ biết tri ân ông bà, tổ tiên, biết nhớ về cội nguồn.

Tết nào vui bằng Tết đoàn viên.

 

“Việc trao cho con cái cơ hội được tự tay giúp bố mẹ chuẩn bị Tết là cách để con trẻ có thể hiểu sâu sắc những giá trị truyền thống của Tết Việt Nam. Khi ông bà, bố mẹ cùng trải nghiệm với các con, con cái sẽ hiểu thêm tấm lòng của đấng sinh thành, tình cảm gia đình vì thế mà thêm đong đầy qua năm tháng - điều mà mỗi gia đình đều mong muốn”, anh Tuấn chia sẻ.

Những năm gần đây, để lưu giữ nét đẹp văn hóa cổ truyền, một số trung tâm văn hóa, các đoàn hội hoặc trường học tổ chức lễ hội bánh chưng. Tham gia lễ hội, được tự tay gói bánh chưng sao cho vuông vắn, khéo léo, các em học sinh, sinh viên tỏ ra rất hào hứng. Nhiều bạn trẻ thừa nhận, việc gói bánh chưng là một điều rất thiêng liêng, hạnh phúc đối với gia đình, cả năm mới có một lần. Những giây phút này không có nhiều, nên họ rất trân trọng, nâng niu những cảm xúc như thế.Còn nhớ cách đây vài năm, xuất hiện quan điểm cho rằng nên gộp Tết Nguyên đán với Tết Dương lịch, đã làm dấy lên sự tranh luận gay gắt, trong đó có cả giới trẻ. Khi đó, một bạn trẻ tung một video clip, trình bày rõ quan điểm phản đối việc gộp Tết cổ truyền với Tết Dương lịch. Clip này ngay lập tức đã thu hút một lượng lớn người xem và ý kiến hoàn toàn ủng hộ các quan điểm mà bạn trẻ này đưa ra. Một số ý kiến cho rằng, cần rút ngắn Tết Âm lịch lại để tránh lãng phí tiền của cũng như nhậu nhẹt bê tha...

Không ít bạn trẻ hóa thân thành ông Đồ giữ linh hồn Tết Việt.

 

Đổi mới chứ đừng để biến mất. Bởi Tết mang ý nghĩa quan trọng sâu sắc, chứ không phải là một kì nghỉ cuối năm. Không ít bạn trẻ đồng tình rằng, nhắc đến Tết là nhắc đến niềm vui hạnh phúc và bình an. Đôi khi nó là mốc thời gian cho chúng ta đánh dấu một sự khởi đầu mới. Và quan trọng hơn, Tết mang những giá trị truyền thống, những nét riêng biệt tạo nên bản sắc của dân tộc Việt Nam mà không bất kì một ngày lễ nào khác có thể thay thế được. Đừng để bản sắc dân tộc bị mai một bởi một lí do nào đó, hãy “hòa nhập chứ đừng hòa tan”.

Theo nhịp sống thời công nghệ, nhiều hình thức tiện lợi và hiện đại đã được đưa vào những ngày Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người trẻ hào hứng với quyết tâm “giữ lửa” cho Tết truyền thống, làm sống lại giá trị Tết xưa trong nhịp sống hối hả ngày nay. 

Cuộc sống bận rộn khiến cho phần lớn gia đình thành thị chuyển sang ăn Tết tiện lợi, hoặc đơn giản hơn và xem Tết là dịp đi du lịch nghỉ ngơi. Trước đây, thời gian chuẩn bị Tết thường kéo dài suốt nhiều tuần, từ đó không khí Tết được lan tỏa. Còn ngày nay, nửa ngày đi siêu thị cũng đủ cho một cái Tết. Song, cũng là bánh chưng xanh, dưa hành, mứt tết, câu đối đỏ, chậu mai vàng, cành đào...  nhưng xem ra hương vị Tết giảm đi rất nhiều.

Linh hồn của Tết nằm ở sự đoàn tụ ấm áp, gia đình cùng nhau chuẩn bị đón mùa xuân mới. Trẻ con, người lớn háo hức hòa mình vào những phiên chợ Tết rực rỡ sắc màu, rồi chung sức dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, bày biện mâm ngũ quả trong không khí sum vầy. Đặc biệt nhất và là điểm làm nên sự khác biệt giữa Tết xưa và Tết nay, đó là giây phút mọi người xắn tay vào chuẩn bị cho việc gói bánh chưng với rất nhiều công đoạn đòi hỏi sự tỉ mẩn: Rửa lá dong, chẻ lạt, vo gạo, làm nhân và cẩn thận gói từng tấm bánh thật vuông vức trước khi cho vào nồi. Bên ngọn lửa hồng, giữa tiếng củi nổ lép bép và nồi bánh sôi lục bục, những câu chuyện nở ran không dứt. Trẻ em cũng thức đêm để chờ giây phút vớt bánh nghi ngút khói, tận tay chạm vào chiếc bánh chưng con của riêng mình. Những tấm bánh đẹp nhất được đặt lên bàn thờ đã được bày biện mâm ngũ quả trang trọng, thể hiện sự thành tâm với tổ tiên - không khí Tết sao mà ấm áp!...     

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh