CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 04:13

Chăm lo đời sống người có công: Trách nhiệm và đạo lý

 

Nhiều chính sách ưu đãi

Văn bản pháp luật đầu tiên về ưu đãi người có công với cách mạng là Sắc lệnh số 20/SL do Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ký ngày 16/2/1947, sau đó được bổ sung bằng Sắc lệnh số 242/SL ngày 12/10/1948, quy định tiêu chuẩn xác nhận thương binh, truy tặng “tử sỹ”, thực hiện chế độ “lương hưu thương tật” đối với thương binh, chế độ “tiền tuất” đối với gia đình liệt sỹ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lấy ngày 27/7 hàng năm là “Ngày thương binh toàn quốc” và kêu gọi các tầng lớp nhân dân phát huy tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sỹ về vật chất cũng như về tinh thần một cách chân thành và cảm động.

 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm hỏi, tặng quà các thương binh.


Vấn đề ưu đãi người và gia đình có công với cách mạng đã trở thành nguyên tắc Hiến định và được ghi nhận trang trọng ở Chương V, Điều 67 của Hiến pháp năm 1992: “Thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Thương binh được tạo điều kiện phục hồi chức năng lao động, có việc làm phù hợp với sức khoẻ và đời sống ổn định. Những người và gia đình có công với nước được khen thưởng, chăm sóc”. Nguyên tắc này đã được thể chế trong Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sỹ và gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng (gọi tắt là Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng) do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 10/9/1994 và được quy định cụ thể tại Nghị định số 28/CP ngày 29/4/1995 của Chính phủ.

Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng đã đi vào cuộc sống và đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Hiện cả nước có khoảng trên 8,8 triệu người có công, chiếm khoảng 10% dân số. Hơn 1,4 triệu người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng. Trong đó, có gần 1,2 triệu liệt sĩ, hơn 118 nghìn bà mẹ được Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, gần 800 nghìn thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; hơn 1.300 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến. Hơn 312 nghìn người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Gần 1,9 triệu người có công giúp đỡ cách mạng và hơn 4 triệu người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc được tặng Huân, Huy chương kháng chiến. Ngoài ra người có công với cách mạng còn được hưởng các chính sách ưu đãi về bảo hiểm y tế, điều dưỡng phục hồi sức khỏe; ưu đãi trong giáo dục, đào tạo, vay vốn sản xuất; hỗ trợ cải thiện nhà ở... Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.

Ngày 14/6/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 24/2016/QĐ - TTg về việc trợ cấp một lần đối với người có thành tích tham gia kháng chiến được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ... Theo đó, có khoảng hơn 1,4 triệu người được hưởng chế độ này. Dù kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng mỗi năm Nhà nước vẫn dành hàng chục ngàn tỷ đồng chăm lo đời sống cho người có công. Riêng năm 2016, Nhà nước dành hơn 30.000 tỷ đồng chi cho hoạt động chăm sóc người có công.

Chung tay chăm sóc người có công

Cùng với chính sách ưu đãi của Nhà nước, hoạt động xã hội hóa chăm lo người có công được các địa phương đẩy mạnh. Theo Bộ LĐ-TB&XH, có 5 chương trình lớn huy động nguồn lực xã hội hóa, gồm: Nhà tình nghĩa, quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, sổ tiết kiệm tình nghĩa, chăm sóc thương binh nặng, chăm sóc người thân liệt sỹ, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng. Trong 3 năm 2013 - 2015, cả nước đã đóng góp gần 1.219 tỷ đồng xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; để xây mới và sửa chữa 59.294 căn nhà và tặng 33.090 sổ tiết kiệm cho người có công và gia đình. Thực hiện Quyết định số 22/2013 của Thủ tướng Chính phủ về “Hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở”, Chính phủ đã cấp cho các địa phương 2.451 tỷ đồng để hỗ trợ cho 80.000 hộ gia đình người có công có khó khăn về nhà ở xây mới, sửa chữa nhà ở...

 

Các thương binh tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Duy Tiên, Hà Nam.


Phó Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) Nguyễn Duy Kiên cho biết, việc chăm lo Tết cho gia đình chính sách, người có công luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Nhiều địa phương, các cơ quan, tổ chức trong cả nước đã nỗ lực chăm lo Tết cho gia đình chính sách, người có công để người dân đón Tết đầy đủ sung túc hơn. Nhân dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã ký Quyết định về việc tặng quà cho các đối tượng người có công với cách mạng. Theo Quyết định, quà dịp Tết cho người có công ở 2 mức 400.000 đồng và 200.000 đồng/người với tổng kinh phí khoảng hơn 400 tỷ đồng và hơn 2 triệu đối tượng hưởng quà Tết. Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH đã triển khai các hoạt động thăm, tặng quà các gia đình chính sách, người có công tại một số địa phương.

Đồng thời, Bộ  đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức rà soát các gia đình chính sách người có công còn khó khăn trong cuộc sống trên địa bàn; đặc biệt là các vùng chịu ảnh hưởng của thiên tại lũ lụt, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, các gia đình đối tượng dân tộc thiểu số để có phương án hỗ trợ kịp thời. Tùy điều kiện của địa phương, trích ngân sách hỗ trợ, tổ chức thăm hỏi tặng quà đối tượng chính sách người có công, đảm bảo mọi người dân đều có Tết, mọi gia đình đều được đón Tết Đinh Dậu đầm ấm vui vẻ. Các địa phương đảm bảo tất cả các đối tượng chính sách đều có quà và được nhận quà trước Tết.

Bên cạnh việc chăm sóc, tri ân những người đang sống, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sĩ cũng được chú trọng. Cả nước hiện có 9.637 công trình ghi công liệt sĩ, bao gồm đài tưởng niệm, nhà bia ghi tên liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ. Nhiều công trình trở thành công trình văn hóa, có giá trị về mỹ thuật, giáo dục truyền thống như: Nghĩa trang Điện Biên Phủ, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9, Đền liệt sĩ Bến Dược, Khu tưởng niệm liệt sĩ thanh niên xung phong tại ngã ba Đồng Lộc; Truông Bồn, tỉnh Nghệ An... Đáng chú ý công tác tìm kiếm, quy tập, xác định hài cốt liệt sĩ đạt kết quả ngày càng nhiều hơn. Bằng phương pháp thực chứng, phương pháp giám định ADN đã quy tập, lấy mẫu hài cốt liệt sĩ, sinh phẩm thân nhân liệt sĩ, phân tích hàng chục nghìn trường hợp. Nhà nước đầu tư nâng cấp các trung tâm giám định ADN của các bộ, ngành nhằm đẩy nhanh việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ.

Chính sách đối với người có công không chỉ là công việc của Đảng, Nhà nước. Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, việc chăm lo chu đáo người có công còn là tình cảm, trách nhiệm của toàn xã hội nhằm ghi nhớ công ơn những người đã hy sinh xương máu cho độc lập tự do.

MINH CHÂU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh