Chấm dứt ngay tình trạng điểm chuẩn tuyển sinh vào lớp 10 "nhảy múa"
- Giáo dục nghề nghiệp
- 02:12 - 04/07/2018
Ngay sau khi Hà Nội công bố điểm chuẩn vào lớp 10 trường công, với số lượng thí sinh tăng vọt, cuộc chiến tìm một chỗ vào lớp 10 với các thí sinh và phụ huynh thủ đô vẫn đang rất cam go.
Theo báo vietnamplus.vn: Nhiều ngày qua, Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Tạ Quang Bửu (Hai Bà Trưng, Hà Nội), một trường ngoài công lập ở Hà Nội điểm chuẩn thay đổi từng giờ. Thông báo nhận hồ sơ từ tối ngày 29/6, mức điểm chuẩn được trường ấn định là 46 điểm. Tuy nhiên, đến chiều ngày 30/6, điểm chuẩn đã được nâng lên là 49 điểm, số hồ sơ cũng được hạn chế còn 30 hồ sơ. Ngày 1/7, điểm chuẩn của trường đã lên 50,5 điểm và chỉ còn chỗ cho 10 hồ sơ nữa, gây tâm lý bức xúc, mệt mỏi cho phụ huynh và học sinh.
Thông tin từ báo dantri.com.vn: Một phụ huynh cho biết, con mình được 50 điểm, đang vui mừng vì thừa điểm vào trường nhưng sáng 1/7 đến nộp hồ sơ, mẹ con chị tá hỏa khi biết điểm chuẩn vừa mới bị đẩy lên mức 50,5. Thiếu 0,5 điểm coi như không đủ điều kiện nộp hồ sơ tuyển sinh.
“Có lẽ chưa bao giờ việc tuyển sinh vào lớp 10 lại gian nan như năm nay, như chơi trò chứng khoán, chậm một chút là khớp lệnh, tăng điểm, con trượt mất rồi,” một phụ huynh ngao ngán nói.
Báo vov.vn đưa tin: Trước đó, trường THCS và THPT Lương Thế Vinh cũng yêu cầu từ ngày 26/6, mỗi học sinh khi làm thủ tục nộp hồ sơ phải nộp các khoản đóng góp tổng cộng là hơn 6 triệu đồng. Nếu sau khi biết điểm chuẩn vào các trường công lập, học sinh rút hồ sơ, khoản tiền này sẽ không được hoàn lại mà nộp về quỹ khuyến học của trường.
Theo Báo laodong.vn: Chứng kiến những “chiêu trò” tuyển sinh của một số trường ngoài công lập năm nay, GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng không thể có chuyện trường ngoài công lập được tự chủ về tài chính, về tuyển sinh là muốn làm gì thì làm, mỗi nơi đặt ra một luật riêng, một sân chơi riêng làm khó phụ huynh như thế.
“Không thể để những biểu hiện phi giáo dục tồn tại trong môi trường giáo dục được. Đồng ý việc đóng các khoản phí ghi danh, hay giữ chỗ, tăng điểm chuẩn chóng mặt ở các trường ngoài công lập là quyền của nhà trường, hay thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh, nhưng đã là môi trường giáo dục thì cần thực hiện một cách nhân văn. Tâm lý phụ huynh đã lo lắng, đã khổ, không nên lợi dụng nỗi lo của họ để kinh doanh”, GS Phạm Tất Dong chia sẻ.
Ông cũng cho rằng ngoài việc tạo điều kiện cho các trường ngoài công lập hoạt động, Nhà nước cũng cần có cơ chế giám sát chặt chẽ việc tuyển sinh ở các trường ngoài công lập, nhằm đảm bảo tính công khai và minh bạch.