THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:36

Hà Nội: “Nóng” mùa tuyển sinh lớp 10

 

 Thí sinh dự thi vào lớp 10 năm 2017.

 

40% học sinh sẽ học ngoài công lập hoặc giáo dục nghề

Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, so với mùa tuyển sinh năm 2017, số thí sinh dự thi vào lớp 10 tại Hà Nội sẽ tăng hơn 24.000 học sinh vào năm 2018. Trong cuộc đua khốc liệt, gần 40% học sinh sẽ chỉ được học ngoài công lập hoặc giáo dục nghề, khiến các bậc phụ huynh khá lo lắng về việc tìm chỗ học cho con. Theo lãnh đạo sở GD&ĐT Hà Nội, dù có những đột biến về số thí sinh dự thi, nhưng phương thức tuyển sinh sẽ không thay đổi. 

Được biết, nguyên nhân học sinh tăng cao được xác định là do năm sinh (2003) được cho là năm dê vàng, năm đẹp nên tỉ lệ sinh tăng cao. Đây là một khó khăn không chỉ đối với học sinh khi phải cạnh tranh khốc liệt hơn trong kì thi tuyển, mà còn là khó khăn của ngành GD&ĐT Hà Nội, khi nhiều trường THPT công lập khó có khả năng đáp ứng số chỉ tiêu tăng thêm so với năm trước. Theo đó, với số học sinh  tốt nghiệp THCS tăng vọt, áp lực đối với các trường công lập sẽ lớn hơn nhiều. Trong khi đó, một số trường THPT công lập ở khu vực nội thành đã phải chấp nhận sĩ số 45 học sinh/lớp. Nếu năm tới phải nâng chỉ tiêu thì sĩ số học sinh/lớp này cũng không thể duy trì, do quỹ phòng học đã sử dụng tối đa.

Không muốn con bị thi trượt vào lớp 10, đồng nghĩa sẽ phải học trường dân lập, trường nghề, chị Trần Kim Trinh ở phố Nguyễn Trường Tộ, quận Ba Đình chia sẻ, gia đình không muốn con bị áp lực chuyện thi cử, đỗ vào trường điểm, chỉ mong con vào trường công lập bình thường cũng được, nhưng học lực của con lại chỉ trung bình khá trong khi năm nay lượng thí sinh tăng vọt. “Cũng chính vì sự lo lắng đó nên ngay từ bây giờ ngoài học trên trường, con còn đi học thêm và dành nhiều thời gian ôn luyện ở nhà. Dù không vào được đại học, nhưng nhất định con tôi phải có được tấm bằng cấp 3, đỡ uổng bao năm miệt mài sách vở”, chị Trinh tâm sự.

Cùng chung tâm trạng như chị Trinh, anh Ngô Bảo Phúc và nhiều phụ huynh khác ở quận Hai Bà Trưng có con đang học lớp 9 đều có mong muốn cho con được vào học trường công hết bậc THPT. Theo anh Phúc, hầu hết các gia đình đều làm công ăn lương, không có điều kiện để cho con theo học trường ngoài công lập vì học phí cao, còn gửi con vào các trung tâm giáo dục thường xuyên hay học nghề thì ngoài sự mong muốn. Vì vậy, ngay từ đầu năm học lớp 9, ngoài chương trình học ở trường, các phụ huynh đã phải cho con theo các lớp ôn luyện Toán, Văn, tuần 4 buổi và thuê cả gia sư giỏi về nhà kèm cặp.

 Vào lớp 10 THPT công lập không phải là hướng đi duy nhất

Bà Lê Thị Thúy Nga, Hiệu trưởng trường THCS Dịch Vọng (Cầu Giấy) chia sẻ nỗi lo, áp lực của giáo viên, học sinh chuẩn bị thi vào lớp 10. Theo bà Lê Thị Thúy Nga, khi tuyển đầu vào, trường công lập như THCS Dịch Vọng phải tuyển tất cả học sinh lớp 6 trên địa bàn, nghĩa là không được chọn đầu vào. Chính vì vậy, để nâng chất lượng học sinh, đảm bảo đỗ tỉ lệ cao vào các trường THPT công lập, giáo viên cực kỳ vất vả còn phụ huynh, học sinh đều khá căng thẳng.

 

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, số thí sinh dự thi vào lớp 10 năm nay sẽ tăng hơn 24.000 học sinh so với năm 2017.

 

Trong khi những trường top trung bình, top trên đang chạy đua để nâng cao chất lượng học sinh, nâng cao tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường THPT có điểm đầu vào cao, một số trường top dưới lại khá thoải mái.

Ông Trần Văn Đạo, Hiệu trưởng trường THCS Đại Cường (Ứng Hòa, Hà Nội) cho biết, học sinh, giáo viên ở đây không phải căng thẳng lo tỷ lệ "chọi" vào lớp 10 năm nay. Như năm trước, điểm chuẩn trường THPT chỉ lấy 22 điểm, thấp nhất Hà Nội, do đó, học sinh không phải lo lắng. Cũng chung nỗi niềm, Hiệu trưởng trường THCS Lê Lợi (Hoàn Kiếm, Hà Nội) Nguyễn Thị Vân Hồng cho biết, học sinh ở trường, đa số hết cấp hai là nghỉ học hoặc đi học nghề do đó, không có tình trạng căng thẳng học để thi vào lớp 10. Bà Vân Hồng lý giải, đa số học sinh ở trường, con các gia đình nghèo, khó khăn buôn thúng bán mẹt, học sinh từ các trung tâm nên khi học xong THCS, có khoảng 50% học sinh có nguyện vọng đi học nghề.

Ông Kiều Văn Minh, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên (Sở GD&ĐT Hà Nội) chia sẻ với các bậc phụ huynh, việc lựa chọn vào lớp 10 THPT công lập không phải là hướng đi duy nhất. Hiện nay, Hà Nội có 29 trung tâm giáo dục thường xuyên kết hợp với dạy nghề. Nhiều trung tâm trong số này đang được học sinh lựa chọn, đặc biệt là huyện ngoại thành do mô hình hoạt động dạy và học ở đây phù hợp với yêu cầu, mục tiêu của học sinh và phụ huynh cũng như nhu cầu thị trường lao động. Học sinh cũng học 3 năm nhưng chỉ học 7 môn văn hóa thay vì 11 môn như ở trường THPT. Bên cạnh đó, các trung tâm này sẽ kết hợp việc dạy nghề cho học sinh với các trường Trung cấp chuyên nghiệp. Một lợi thế mà phụ huynh, học sinh nên cân nhắc là kết thúc 3 năm học, học sinh thi tốt nghiệp để lấy bằng tốt nghiệp THPT như theo học chương trình phổ thông bình thường đồng thời có thêm bằng kép học nghề. 

HOA HẠ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh