Cấp thiết đổi mới giáo dục nghề nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
- Giáo dục nghề nghiệp
- 16:34 - 24/01/2018
ảnh minh họa
Lao động trình độ thấp dễ bị loại
Theo nhận định của các chuyên gia, CMCN 4.0 sẽ khiến cho tầng lớp LĐ có trình độ và tay nghề thấp, ngay cả những LĐ có học vấn cao nhưng không có khả năng nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ khi tham gia thị trường LĐ cũng thất nghiệp. Công việc mới đòi hỏi người LĐ phải có trình độ học vấn cao và chuyên nghiệp để giải quyết các vấn đề phức tạp mang tính hệ thống, do đó LĐ trình độ thấp dễ bị loại. Robot và các CN hiện đại làm giảm thiểu ưu thế của các dịch vụ và hàng hóa dựa trên việc sử dụng nhiều lao động.
CMCN 4.0 ứng dụng phổ biến nhiều hơn công nghệ kỹ thuật số với hệ thống dữ liệu lớn kết nối hầu hết các giao dịch kinh tế, tài chính, thương mại, thông tin liên lạc, truyền thông, nhưng chứa đựng nhiều nguy cơ tiềm ẩn về an toàn, an ninh thông tin. Sự cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường đang theo xu hướng không chỉ là chất lượng và giá cả, mà điều quan trọng hơn là “chất sáng tạo” trong từng sản phẩm. Khi CMCN 4.0 phát triển, thì các chính phủ sẽ đối mặt với áp lực phải thay đổi cách làm việc của họ trong công tác quản lý công vụ và hoạch định chính sách. Mô hình các nhà máy trong tương lai, phần lớn người LĐ sẽ làm việc tại các văn phòng với sự hiện diện của các nhà thiết kế, kỹ sư, chuyên gia công nghệ thông tin, nhân viên Marketing... Người hưởng lợi là người cung ứng tư bản trí tuệ, người sáng tạo, người tiêu dùng sẽ được lợi nhiều nhất.
Trước cuộc CMCN 4.0 đang phát triển nhanh chóng, thì lĩnh vực GD NN phải nhanh chóng đổi mới mô hình, chương trình và phương thức ĐT, từ khâu tuyển sinh đến khâu đánh giá, kiểm định chất lượng, nhất là đánh giá sinh viên tốt nghiệp. GDNN phải đem lại cho người học những kỹ năng và kiến thức cơ bản cần thiết để người LĐ dễ chuyển đổi nghề nghiệp, phải có tư duy sáng tạo mang tính liên ngành, thích nghi với các thách thức và yêu cầu công việc thay đổi liên tục trong thị trường LĐ trong nước, khu vực và quốc tế, tránh nguy cơ bị mất việc làm. Trong thị trường LĐ hiện đại, các trường Nghề không thể dự đoán được kiến thức, kỹ năng nào đang và sẽ được thị trường LĐ. Các hoạt động ở các trường đang đối mặt với các yêu cầu hoàn toàn mới, đòi hỏi phải cải cách toàn bộ các hoạt động của nhà trường trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt. Mô hình GD mới phòng học ảo, thầy giáo ảo, thiết bị ảo, phòng thí nghiệm, thư viện ảo… dưới sự hỗ trợ của các thiết bị thông minh sẽ trở thành xu hướng chủ đạo trong hoạt động GD&ĐT trong thời gian tới.
Lĩnh vực giáo dục nghề cần nhanh chóng đổi mới
Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn về sự thiếu hụt LĐ có trình độ cao và kỹ năng chuyên nghiệp. Nhưng thừa nhiều LĐ chất lượng thấp. Với thị trường LĐ hiện đại mà hầu hết các công việc có khi chỉ tồn tại trong vòng 10 năm, 5 năm hay có khi còn ngắn hơn. Người LĐ muốn có vị trí việc làm tốt phải xác định đúng năng lực của bản thân; phải đổi mới cách học để học tập suốt đời để phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất thích nghi.
TS Nguyễn Đắc Hưng -Vụ trưởng Giáo dục & Đào tạo, Dạy nghề Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, nếu các quốc gia không có những hành động khôn ngoan, thì tác động của CMCN 4.0 sẽ biến nhân loại trở thành người máy, tước đoạt tình cảm và linh hồn của con người, làm mất đi nhân tính, tình cảm ngày càng giảm sút. Trước cuộc CMCN 4.0 đang phát triển nhanh chóng, thì lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN) phải nhanh chóng đổi mới mô hình, chương trình và phương thức đào tạo, từ khâu tuyển sinh đến khâu đánh giá, kiểm định chất lượng, nhất là đánh giá sinh viên tốt nghiệp. GDNN phải đem lại cho người học những kỹ năng và kiến thức cơ bản cần thiết để người LĐ dễ chuyển đổi nghề nghiệp, phải có tư duy sáng tạo mang tính liên ngành, thích nghi với các thách thức và yêu cầu công việc thay đổi liên tục trong thị trường LĐ trong nước, khu vực và quốc tế, tránh nguy cơ bị mất việc làm.
Cũng theo TS Nguyễn Đắc Hưng, xã hội Việt Nam đang có 6 biến động giá trị: Chuyển từ coi trọng giá trị tinh thần sang coi trọng giá trị vật chất; Chuyển từ coi trọng quyền lợi tập thể sang coi trọng quyền lợi cá nhân; Chuyển từ nặng cống hiến sang nặng hưởng thụ; Chuyển từ những mục tiêu lâu dài sang lối sống ngắn hạn; Chuyển từ thái độ chờ đợi phân phối sang chủ động tự đáp ứng nhu cầu; Chuyển từ chấp nhận bình đẳng, trọng nghèo sang chấp nhận phân hóa, trọng giàu. Những biến động về giá trị này có tác động mạnh mẽ đến quá trình giáo dục tạo nên hệ giá trị mới. Vì vậy, trước tác động của CMCN 4.0 cần phải quan tâm hơn đến giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh sinh viên.