Cần Thơ: Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” nét đẹp truyền thống của dân tộc
- Người có công
- 10:50 - 01/05/2023
Nhà nước, xã hội cùng chăm sóc người có công với cách mạng
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và có nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi, chăm lo đời sống tinh thần, vật chất đối Người có công với cách mạng. Phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng phát triển sâu rộng, được đông đảo các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng và trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa của dân tộc Việt Nam nói chung, của thành phố Cần Thơ nói riêng.
Bên cạnh chế độ trợ cấp ưu đãi của Nhà nước, việc chăm lo đời sống, sức khỏe được thường xuyên quan tâm. Thành phố Cần Thơ vừa có kế hoạch hỗ trợ thoát nghèo đối với hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công với cách mạng có cuộc sống bằng hoặc cao hơn mặt bằng chung của tỉnh.
Theo bà Trần Thị Xuân Mai – GĐ Sở LĐ-TB&XH TP.Cần Thơ, Cần Thơ có trên 38.432 gia đình chính sách, 186 gia đình cán bộ lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa, 861 bà mẹ được nhà nước phong, truy tặng danh hiệu vinh dự “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” (trong đó còn sống là 29 bà), 52 gia đình anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lao động trong kháng chiến, 2.739 thương bệnh binh, 1.088 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, 6.840 liệt sĩ, 7.950 người hoạt động kháng chiến, 1.250 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, 4.861 nhân dân có công giúp đỡ cách mạng được tặng thưởng huân, huy chương kháng chiến; 179 người hưởng trợ cấp hàng tháng.
Ngoài ra còn có hơn 12.096 tham gia người kháng chiến ở chiến trường trợ cấp một lần theo Quyết định 290/2005/QĐ-TTg, Quyết định 62/QĐ-TTg …Hiện có 5.576 đối tượng người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi thường xuyên với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng.
Việc xã hội hóa công tác chính sách xã hội được Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố quan tâm chỉ đạo, phong trào rộng khắp. Thực hiện Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Cần Thơ đã hỗ trợ cho 1.409 căn với tổng kinh phí là 40 tỷ 860 trệu đồng ( trong đó xây dựng được 634 căn và sữa chữa 775 căn). Ngoài ra thành phố Cần Thơ còn vận động từ nguồn vận động xã hội hóa của các công ty doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố Cần Thơ để xây dựng và sửa chữa , bà Xuân Mai cho biết thêm.
Đối với việc thực hiện Đề án 150 xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin chủ yếu bằng phương pháp thực chứng và phương pháp giám định ADN. Trong quá trình thực hiện, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đồng nghiệp của Ban Chính sách – Bộ chỉ huy quân sự thành phố. Qua phối hợp, năm 2013 - 2020, bằng phương pháp thực chứng, Phòng đã xây dựng kế hoạch thực hiện và kết quả đã bổ sung, đính chính bia mộ còn thiếu thông tin cho 180 trường hợp, trong đó giải quyết di chuyển hài cốt liệt sĩ về nguyên quán 35 trường hợp; bằng phương pháp giám định ADN là 12 trường hợp.
Chăm lo sức khỏe cho người có công
Phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng đã không ngừng phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã đạt được những thành tựu to lớn, phát huy được sức mạnh của toàn xã hội tham gia, với phương châm Nhà nước, xã hội cùng chăm sóc người có công với cách mạng.
Bên cạnh chế độ trợ cấp ưu đãi của Nhà nước, việc chăm lo đời sống, sức khỏe được thường xuyên quan tâm, toàn thành phố đã có 14.675 lượt đối tượng người có công với cách mạng được cấp thẻ bảo hiểm y tế, các đối tượng này được khám và điều trị bệnh tại các cơ sở y tế nhà nước gần nhất. Chăm sóc tốt người có công với cách mạng; đưa 2.750 lượt người đi điều dưỡng tập trung, cấp chế độ điều dưỡng tại gia đình cho 14.500 lượt người, hàng năm đã xét chọn các gia đình người có công đi nghỉ dưỡng kết hợp với tham quan ở thành phố Đà Lạt, Nha Trang.
Đặc biệt đã tổ chức nhiều chuyến tham quan tại thủ đô Hà Nội và viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều khu di tích, lịch sử cách mạng tại thủ đô Hà Nội. 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị, cá nhân nhận phụng dưỡng đến cuối đời, với mức trợ cấp thêm là 1.000.000 đồng/người/tháng và chăm sóc các mẹ khi ốm đau, thăm viếng vào các ngày lễ, tết… có 284 đại biểu là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng dự Hội nghị “Biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc hàng năm.
Thực hiện chủ trương của thành phố hằng năm đã tổ chức triển khai nhiều giải pháp và chỉ tiêu vận động “Quỹ đền ơn đáp nghĩa” nhằm nêu cao quan điểm “không bỏ sót Người có công” để đảm báo công bằng xã hội và sự trong sáng của việc đền ơn đáp nghĩa. Cùng với việc thực hiện chế độ ưu đãi, các các ngành, các cấp đẩy mạnh các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc thương binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng. Từ năm 2012 đến nay toàn thành phố đã vận động trên 120 tỷ đồng. Thực hiện chủ trương của thành phố hằng năm đã tổ chức triển khai nhiều giải pháp và chỉ tiêu vận động “Quỹ đền ơn đáp nghĩa” nhằm nêu cao quan điểm “không bỏ sót Người có công” để đảm báo công bằng xã hội và sự trong sáng của việc đền ơn đáp nghĩa.
Có thể nói, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã từng bước huy động sức mạnh tổng hợp của toàn thành phố, đa dạng về hình thức, thiết thực và sâu sắc về nội dung, trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc, đi sâu vào tâm trí của mỗi người dân. Với kết quả thực hiện được đã tạo điều kiện cho các hộ chính sách vươn lên thoát khỏi đói nghèo, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.
Kết thúc giai đoạn 05 năm (giai đoạn 2018-2022) phong trào xây dựng xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã được giữ vững, 100% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh liệt sĩ và người có công với cách mạng.
Thời gian tới, Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ đã ban hành Chỉ thị số 14-CT/TU về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác chăm sóc người có công với cách mạng trên địa bàn thành phố đã xác định: chăm sóc người có công với cách mạng là lĩnh vực quan trọng, không chỉ là vấn đề đạo lý, truyền thống mà còn là vấn đề chính trị, tư tưởng, tình cảm, vấn đề xã hội nhân văn cao quý có ý nghĩa lâu dài. Để thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc người có công, đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”.