Cần Thơ phát động Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2023
- Tây Y
- 14:45 - 25/04/2023
Phát biểu tại buổi lễ, bà Trần Thị Xuân Mai - GĐ Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ cho biết, trong năm 2022 có 83/10.300 doanh nghiệp báo cáo tình hình tai nạn lao động theo quy định tại Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ.
Qua tổng hợp báo cáo của 83 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố; năm 2022, đã xảy ra 75 vụ tai nạn lao động (tăng 44 vụ so với năm 2021), số vụ tai nạn lao động chết người: 04 vụ; số người chết: 04 người; số người bị thương nặng: 02 người. Các ngành sản xuất kinh doanh xảy ra tai nạn lao động nhiều nhất là ngành chế biến thủy sản chiếm 52% tổng số vụ tai nạn lao động; ngành may mặc, giày da chiếm 29,3% tổng số vụ tai nạn lao động. Thiệt hại về vật chất do tai nạn lao động xảy ra năm 2022 như: chi phí thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết, người bị thương trên 1,544 tỷ đồng (tăng hơn 1,432 tỷ đồng so với năm 2021); không có thiệt hại về tài sản; tổng số ngày nghỉ do tai nạn lao động là 711 ngày (tăng 459 ngày so với năm 2021).
Theo bà Xuân Mai, thời gian tới, để chủ động phòng ngừa, hạn chế tai nạn lao động , Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức, người sử dụng lao động, người lao động quan tâm triển khai, thực hiện các nội dung chủ yếu của Kế hoạch số 60/KH-UBND ngày 21/3/2023 của UBND thành phố Tổ chức Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2023, cụ thể:
Thứ nhất, Sở, ngành, địa phương triển khai đến các doanh nghiệp, đơn vị thuộc ngành, lĩnh vực quản lý, chủ động kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động; phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp hoạt động các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng như: xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may, khai thác khoáng sản, đặc biệt là các công trình xây dựng trọng điểm, tiếp giáp với khu dân cư, đông người qua lại, thiết bị nâng, thang máy…
Thứ hai, Sở Y tế tăng cường triển khai hướng dẫn và đôn đốc việc thống kê tai nạn lao động tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo khoản 4 Điều 36 Luật An toàn, vệ sinh lao động và Điều 25 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ, gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp báo cáo về UBND thành phố, Bộ LĐTBXH theo quy định.
Thứ ba, Ủy ban nhân dân quận, huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương: Thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định an toàn, vệ sinh lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng, chú ý việc xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn tại doanh nghiệp; thực hiện báo cáo tai nạn lao động theo Luật An toàn, vệ sinh lao động; Tăng cường công tác phòng ngừa tai nạn lao động, tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động phù hợp từng lĩnh vực, ngành nghề, ưu tiên tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động; Tổ chức điều tra tai nạn lao động đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động; Hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã thống kê, báo cáo tai nạn lao động đối với người làm việc không theo hợp đồng lao động; lập biên bản ghi nhận tai nạn lao động đối với người làm việc không theo hợp đồng lao động.
Thứ tư, các doanh nghiệp tăng cường triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động, chú trọng tự kiểm tra, chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm, có hại tại doanh nghiệp, phòng ngừa tai nạn lao động do ngã cao, điện giật, vật rơi, đổ sập; tổ chức huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người lao động.
Và cuối cùng Liên đoàn Lao động thành phố, Hội Nông dân thành phố, Thành Đoàn Cần Thơ và các hội nghề nghiệp tăng cường tuyên truyền, vận động người lao động, hội viên chấp hành tốt các nội quy, quy trình làm việc an toàn; sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động nhằm hạn chế mức thấp nhất tai nạn lao động, đảm bảo an toàn, sức khỏe và tính mạng cho người lao động.
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ phát động, ông Nguyễn Thực Hiện, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ cho biết mặc dù các cấp, các ngành và xã hội có quan tâm về công tác an toàn vệ sinh lao động, hỗ trợ công nhân nhưng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố chưa thật sự thực hiện nghiêm các nội quy, quy trình, giải pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc. Những thách thức và nguy cơ trong công tác an toàn, vệ sinh lao động vẫn đang gia tăng một cách hiện hữu.
Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ đề nghị các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và người lao động trên địa bàn thành phố đẩy mạnh các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong đánh giá, kiểm soát các các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc; tăng cường tự đánh giá các nguy cơ, rủi ro đối với từng loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động để phòng ngừa, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và xây dựng văn hóa an toàn tại nơi làm việc.
Sau lễ phát động, Ban tổ chức đã trao 300 phần quà gồm như yếu phẩm và 500.000 tiền mặt; trao 12 mái ấm công đoàn mỗi mái ấm 50 triệu đồng; 16 suất quà cho công nhân bị tai nạn lao động và 30 suất học bổng cho người lao động và con em người lao động có hoàn cảnh khó khăn.