Cần Thơ: Nỗ lực điều trị, chăm sóc bệnh nhân tâm thần
- Dược liệu
- 15:07 - 10/12/2016
Diễn biến phức tạp
Theo số liệu khảo sát những năm gần đây của Bệnh viện Tâm thần TP.Cần Thơ, số lượng bệnh nhân tăng cao, với nhiều diễn biến phức tạp của bệnh lý. Đáng lưu ý nhất là bệnh hoang tưởng, một dạng đặc biệt nghiêm trọng và khó điều trị của bệnh tâm thần.
Trước diễn biến này, ngoài việc thường xuyên quan tâm thực hiện tốt các mặt công tác chuyên môn, các hoạt động giáo dục truyền thông về sức khỏe tâm thần, về bệnh tâm thần, những biểu hiện ban đầu của người bệnh luôn được theo dõi thường xuyên. Các cơ quan ban ngành phối hợp với tuyến y tế cơ sở, các địa phương trong thành phố thực hiện nhiều chương trình cụ thể để nâng cao nhận thức cho người dân về căn bệnh này, hạn chế tình trạng chỉ khi bệnh nặng, các gia đình mới đưa người bệnh đi điều trị…
Bác sĩ Võ Cánh Sinh, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP.Cần Thơ cho biết, những người bị bệnh hoang tưởng thường có triệu chứng: Rối loạn giấc ngủ như mất ngủ, khó ngủ… dẫn đến rối loạn về hành vi, rối loạn về cảm xúc, cười một mình, tự trò chuyện một mình. Người bệnh lo lắng, chờ đợi một cái gì bất thường sẽ đến với mình, một mối nguy hiểm đang đe doạ tính mạng và cuộc đời họ, mà họ không tự giải thích được.
Cũng theo các bác sĩ của Bệnh viện Tâm thần TP.Cần Thơ, có nhiều nguyên nhân gây ra chứng trầm cảm như: Di truyền, ảnh hưởng các bệnh thực tổn, mất cân bằng tâm lý, nghiện rượu… Theo đó, những người chịu nhiều áp lực, căng thẳng thời gian dài, mất mát người thân, hôn nhân không hạnh phúc, sau bệnh tật (chấn thương sọ não, tai biến), nghiện rượu thời gian dài đều có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm. Trầm cảm xảy ra ở mọi đối tượng, mọi độ tuổi, nhiều nhất từ 20 đến 50 tuổi.
Qua khảo sát cộng đồng, hiện nay người bệnh tâm thần chưa được quan tâm đúng mức. Trước đây, bệnh tâm thần được đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia, cấp kinh phí cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở và mạng lưới cộng tác viên hỗ trợ người bệnh tâm thần điều trị tại cộng đồng. Theo đó, cộng tác viên kịp thời phát hiện các trường hợp người mới phát bệnh để quản lý điều trị cũng như nhắc nhở người thân chăm sóc, hướng dẫn người bệnh tuân thủ điều trị để có thể chung sống, hòa nhập tốt với cộng đồng. Nhưng những năm gần đây, do kinh phí chương trình phòng, chống bệnh tâm thần còn hạn chế, nên gặp không ít khó khăn trong công tác khám, chữa bệnh và điều trị lâu dài…
Giáo dục truyền thông về sức khỏe tâm thần
Thực tế đáng lo ngại hiện nay, sự quan tâm của xã hội đối với căn bệnh này chưa nhiều, thậm chí một số trường hợp không biết về bệnh này dù đang mắc bệnh.
"Hiện nay, nhận thức và sự quan tâm của xã hội dành cho bệnh trầm cảm chưa cao. Trầm cảm không chỉ ảnh hưởng sức khỏe bệnh nhân mà còn trực tiếp ảnh hưởng kinh tế gia đình và xã hội do gánh nặng chi phí điều trị và giảm năng lực lao động. Để đánh thức sự quan tâm của xã hội, trước tiên, cần đẩy mạnh nhiều hình thức truyền thông để nâng cao nhận thức, thu hút sự quan tâm của tất cả cộng đồng đối với bệnh này". BS Võ Cánh Sinh, chia sẻ.
Vì vậy, giáo dục truyền thông đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc giáo dục, tuyên truyền phát hiện và chữa bệnh, xã hội cần phải có nhìn nhận tác hại bệnh tâm thần đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống người bệnh, để cộng đồng quan tâm hơn, giúp nhóm người bệnh này tái hòa nhập cộng đồng.
BS Thiều Quang Hùng, Bệnh viện Tâm thần TP.Cần Thơ cảnh báo, điều trị trầm cảm phải mất nhiều thời gian, khoảng 6-9 tháng, nếu tình trạng nặng hơn như: Có hành vi hoặc ý nghĩ tự sát, bỏ ăn, phải nhập viện điều trị. Do đó, mỗi người cần chú ý, đánh giá tình trạng sức khỏe, tinh thần, nhận ra các dấu hiệu trầm cảm để sớm điều trị. Bên cạnh đó, gia đình khi phát hiện người thân có các biểu hiện bệnh trầm cảm, cần đưa đến bác sĩ chuyên khoa hoặc bệnh viện tâm thần để được chẩn đoán, điều trị ngay. Đồng thời phải hết sức quan tâm, chăm sóc và chia sẻ ưu phiền, lo lắng với người bệnh.
Ngoài việc hỗ trợ chăm sóc của các cơ quan ban ngành TP.Cần Thơ, người bệnh tâm thần cần sự quan tâm, chung tay của toàn xã hội, cộng đồng. Đặc biệt từ gia đình người bệnh. Hơn ai hết, người tâm thần cần được yêu thương, điều trị tích cực để có điều kiện tái hòa nhập cộng đồng.