Lấp lánh tình người trong thế giới tâm thần
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 05:21 - 08/12/2016
Y tá, điều dưỡng Đỗ Thị Huyền quan tâm chăm chút cho đối tượng tâm thần từ những việc nhỏ nhất.
“Chuyện tình” giữa chốn tỉnh - mê
Khác với hình dung của chúng tôi về nơi những người tâm thần đang sống và điều trị, đối tượng tâm thần ở Trung tâm điều dưỡng người tâm thần Hải Phòng khá hiền lành và dễ gần. Gặp chúng tôi, họ chỉ cười một cách ngờ nghệch, ánh mắt vô hồn, thờ thẫn nhưng... rất thích nói chuyện và hát hò. Nguyễn Thị Phượng (36 tuổi) là một trong những bệnh nhân gắn bó lâu năm ở Trung tâm, mắc chứng tâm thần phân liệt nên 10 năm rồi, cuộc sống của Phượng gắn với Trung tâm và với từng viên thuốc điều trị. Lúc tỉnh, Phượng nói mình bị tâm thần vì học nhiều, từng học đến năm thứ 3 trường Trung cấp Y rồi phát bệnh đến giờ. “Nói thật với các chị, em rất mong khỏi bệnh, được hòa nhập cộng đồng, rồi còn lấy chồng, sinh con nữa chứ!”- Phượng thật thà tâm sự. Khi chúng tôi hỏi vui chuyện người yêu, không ngờ Phượng chạy luôn vào một phòng nam bên cạnh, dẫn ngay ra một anh và giới thiệu: “Đây, anh ấy là chồng sắp cưới của em!” khiến chúng tôi ngỡ ngàng. “Anh ấy để ý đến em ngay từ ngày đầu tiên em bước chân vào Trung tâm này. Khi người nhà em đến thăm, anh ấy cứ nói sẽ cưới em làm vợ đấy ạ!” - Phượng vừa nói, vừa cười bẽn lẽn.
Chúng tôi cứ nghĩ anh Trần Quốc Bình (58 tuổi) – người được Phượng dẫn ra sẽ phản ứng gay gắt, không ngờ anh chỉ cười hiền lành: “Đúng thế, khi nào khỏi bệnh, tôi sẽ cưới Phượng”. Y tá – điều dưỡng Đỗ Thị Huyền cho biết, đối tượng Phượng và Bình đều có thâm niên ở Trung tâm, mọi người vẫn thường trêu đùa họ là “cặp đôi” cho vui thôi, họ nhận thích nhau thế chứ lúc nhớ lúc quên. Chuyện của những người mắc chứng tâm thần là thế, họ nhớ đấy, nhưng lại quên ngay đấy...
Bà Trần Thị Hiền, Giám đốc Trung tâm điều dưỡng người tâm thần Hải Phòng cùng các bác sĩ, y tá, y sĩ hát với đối tượng tâm thần.
324 người tâm thần đang được quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng ở Trung tâm điều dưỡng người tâm thần Hải Phòng thì rất ít người bệnh thuyên giảm trở về sống cùng gia đình. Kể từ ngày vào đây, người nhà bệnh nhân coi như “số trời đã định”, phó thác tất cả cho cán bộ, nhân viên trung tâm. Cả trăm bệnh nhân được người nhà đưa đến vì hoàn cảnh riêng tư chỉ đáo qua thăm vài lần rồi thôi. Có nhiều bệnh nhân chưa một lần được gặp người thân kể từ ngày bỏ nhà đi lang thang cho đến khi đến ở trung tâm này, đến giờ nhiều người không còn khả năng nhớ đường về nhà. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, họ vẫn được chăm sóc tận tình bởi những cán bộ, y bác sỹ, điều dưỡng nơi đây.
Sẻ chia và chấp nhận: Điều kỳ diệu đối với người bệnh tâm thần
Giám đốc Trung tâm điều dưỡng người tâm thần Hải Phòng Trần Thị Hiền khẳng định với chúng tôi về liệu pháp hiệu quả nhất trong điều trị và chăm sóc người bệnh tâm thần chính là sự sẻ chia và chấp nhận người bệnh của mình. Bà Hiền cho biết: Đối với bệnh nhân tâm thần phân liệt mãn tính do phải uống thuốc duy trì hàng ngày kéo dài, đồng thời khi dùng thuốc chuyên khoa tâm thần một số thuốc xuất hiện các tác động phụ như: Run chân tay, táo bón, quáng gà, gây trở cho sinh hoạt, từ đó người bệnh tìm mọi cách chống đối không uống thuốc. Cùng với đó là những đợt cấp tính tái phát các biểu hiện của bệnh rất đa dạng và phức tạp, mỗi người bệnh có những dấu hiện khác nhau như: Đập phá, la hét, hát hò, cười nói, chửi bới vô cớ, tấn công lại người chăm sóc và những người xung quanh. Có bệnh nhân lại lo sợ người khác hại mình, lại có bệnh nhân lầm lì, không hoạt động, không ngủ hoặc từ chối ăn uống, vì vậy công tác chăm sóc, điều trị gặp nhiều khó khăn. Song bộ phận chuyên môn y tế đã luôn chú ý bám sát, theo dõi diễn biến bệnh lý hàng ngày của từng người bệnh để có phác đồ điều trị hợp lý cho từng người bệnh. Do vậy đã hạn chế bệnh nhân có diễn biến tái phát, thời gian tái phát ngắn, bệnh nhân sa sút giảm, số bệnh nhân ổn định tăng, thời gian ổn định kéo dài, đối với những bệnh nhân sa sút nặng được tập trung chăm sóc điều trị tại phòng bệnh.
Giờ uống thuốc buổi chiều cho đối tượng tâm thần.
Theo nữ Giám đốc Trung tâm đã có nhiều năm gắn bó với người bệnh tâm thần, phác đồ điều trị hiệu quả nhất dành cho người bệnh tâm thần chính là kết hợp giữa y tế và công tác xã hội (CTXH). “Khi cán bộ, y bác sĩ được học về CTXH, khi chữa trị, chăm sóc cho bệnh nhân tôi thấy kết quả phục hồi của bệnh nhân rất tốt. Ngay cả việc các đoàn từ thiện đến với Trung tâm cũng vậy, khi họ đến, bệnh nhân được thoải mái tâm lý, được chia sẻ, vỗ về, hòa nhập với cộng đồng... Chính vì vậy, tư tưởng bệnh nhân thoải mái, anh em cán bộ với người bệnh trong Trung tâm như người một nhà, và tuyệt đối không có tình trạng bỏ trốn...”- Bà Trần Thị Hiền chia sẻ.
Bà Trần Thị Hiền cũng cho biết thêm, bà là một trong những học viên tham gia khóa học đầu tiên về mô hình kết hợp với trung tâm CTXH do Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức. Khi chưa tham gia khóa học, bà Hiền cũng như nhiều cán bộ, y bác sĩ của Trung tâm điều trị cho người bệnh tâm thần chủ yếu áp dụng theo kinh nghiệm, chuyên môn của ngành y tế, khám và điều trị và các kinh nghiệm chăm sóc bệnh nhân. Nhưng sau khi được học về CTXH, bà Hiền thấy hiệu quả nhất là kỹ năng quan sát bệnh nhân, sự chia sẻ và chấp nhận bệnh nhân. “Việc chấp nhận bệnh nhân là điều quan trọng không chỉ với tôi mà với tất cả cán bộ y bác sĩ ở đây, chấp nhận họ là người bệnh như vậy để điều trị bằng thuốc men, sự quan tâm, chăm sóc. Mình chia sẻ thì bệnh nhân mới cởi mở, chia sẻ những bức bối trong lòng họ... Sau đó, nhiều y bác sĩ, nhân viên của Trung tâm được tôi cử đi học về CTXH. Phải khẳng định, tác dụng của hai chuyên môn này rất hiệu quả, nghề CTXH còn có tác dụng giáo dục chính các y bác sĩ, thay đổi nhận thức, không chỉ chuyên môn chăm sóc đối tượng. Trong đề án vị trí việc làm của Trung tâm, chúng tôi cũng ấn định tuyển công chức, viên chức về nghề CTXH”. – Bà Hiền nhấn mạnh.
Những thầy thuốc của tâm hồn
Hơn 14 năm gắn bó với Trung tâm điều dưỡng người tâm thần Hải Phòng, Y tá - điều dưỡng Đỗ Thị Huyền cho biết, ngoài công việc là điều dưỡng, chị đã dành thời gian đi học nghề nghề CTXH. Theo chị Huyền, lý do chị đi học thêm CTXH vì ở trung tâm chủ yếu là đối tượng tâm thần đặc biệt. Các đối tượng có nhiều dạng bệnh, tâm thần, nhiều hành vi rối loạn khác nhau nên đối với mỗi đối tượng phải có sự chăm sóc, động viên khác nhau. Vì vậy, để chăm sóc đối tượng tâm thần cần phải có nhiều kiến thức, ngoài điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân ra còn phải học chuyên khoa về tâm thần để biết được đặc điểm của bệnh nhân tâm thần. Qua tìm hiểu, thấy ngành CTXH là một ngành còn mới, nhưng rất có ích cho việc chăm sóc các đối tượng tâm thần nên chị có nguyện vọng đi học.
Y tá, điều dưỡng Đỗ Thị Huyền quan tâm chăm chút cho đối tượng tâm thần từ những việc nhỏ nhất.
“Những năm trước khi chưa biết và chưa đi học nghề CTXH, nhiều khi bị đối tượng lên cơn kích động tấn công lại, lúc đó mình phải nhờ đến sự giúp đỡ của đồng nghiệp để giữ cho đối tượng uống thuốc và tiêm làm giảm cơn kích động. Sau khi học xong lớp nghề CTXH về Trung tâm, khi tiếp xúc với đối tượng, quan sát được đối tượng bắt đầu có những biểu hiện gì để có phương pháp điều trị và trợ giúp kịp thời”, chị Huyền chia sẻ.
Chị Huyền cho biết: “Các đối tượng tâm thần trong trung tâm đa số bị bệnh tâm thần nên cũng chịu sự thiệt thòi, nhiều đối tượng không có người thân chăm sóc, đi lang thang hoặc có người thân nhưng do đối tượng bị bệnh mãn tính kéo dài nên sự quan tâm, chăm sóc của gia đình đối với đối tượng bị hạn chế khiến cho đối tượng thấy tủi thân. Bên cạnh đó có nhiều bệnh nhân vì nghĩ mình sống chỉ là gánh nặng cho gia đình và để giải thoát cho người thân, vợ, chồng nên thường xuyên có ý định tự tử và viết thư tuyệt mệnh để lại. Khi biết chuyện, các cán bộ, bác sĩ, y tá thường xuyên gần gũi, động viên và đối tượng đã thay đổi, sống vui vẻ và dễ dàng chia sẻ những tâm tư với cán bộ, bác sĩ, y tá”.
Bữa ăn của các đối tượng tâm thần được chăm lo đầy đủ về dinh dưỡng.
Mười mấy năm chăm sóc, gần gũi, chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho đối tượng tâm thần, chị Huyền cũng như các đồng nghiệp khác trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, chứng kiến niềm vui nỗi buồn và bệnh tình khi tăng, lúc giảm của từng đối tượng, rồi cả những ánh mắt, hành động dữ dằn mỗi khi đối tượng bị cơn kích động đuổi đánh lại chính những người chăm lo hằng ngày cho mình, nhưng khi những căng thẳng qua đi, sau đó lại là khuôn mặt hiền khô, những lời xin lỗi ngượng ngạo, nụ cười của người mắc lỗi… Tuy những lời nói không thoát ý, nhưng lúc ấy, cán bộ, bác sĩ, y tá, y sĩ đều hiểu rất rõ từng đối tượng đang suy nghĩ gì, bởi chính bản thân họ cũng không thể kiểm soát được hành vi của mình nên đã gây ra chuyện. Khi đó, bằng tất cả tình thương như đối với chính người thân của mình, những thầy thuốc tâm hồn lại đóng rất nhiều vai để dỗ dành, xoa dịu, chữa lành mọi vết thương cho họ. Nhìn thấy nụ cười tươi trở lại trên khuôn mặt đối tượng, đó chính là sự báo đáp, những món quà quí giá dành cho các cán bộ, bác sỹ, y tá nơi đây.
“Ở trung tâm, số đối tượng đông hơn công việc lại rất nhiều, nhưng nhân viên lại ít nên việc chăm sóc cho đối tượng còn hạn chế. Đồng thời nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ tốt cho bệnh nhân. Bên cạnh đó trung tâm cần có thêm phòng để phục hồi chức năng, sinh hoạt, vẽ tranh. Đối tượng đông, thiếu giường, nhiều khi hai đối tượng nàm chung một giường 1,2m, đó là những đối tượng đã ổn định thì có thể nằm được, còn với đối tượng nặng đêm đang ngủ lại bị lên cơn, như vậy cần có phòng riêng cho đối tượng nặng để không ảnh hưởng sang những đối tượng khác”, chị Huyền chia sẻ.
Khi đối tượng tâm thần bỏ bữa, y sĩ Trần Công Minh phải dỗ dành, bón từng thìa cơm.
Là một trong những nhân viên trẻ của Trung tâm, y sĩ Trần Công Minh (quê Thái Bình) cho biết, có chứng kiến và tiếp xúc với đối tượng bị tâm thần và người nhà của đối tượng mới có thể cảm thông, và hơn hết là động lực thôi thúc anh gắn bó với Trung tâm. “Vì thời gian ở trung tâm nhiều hơn ở nhà, hơn nữa ngày đêm cùng ăn, cùng ngủ với đối tượng, hiểu và nắm rõ mọi bệnh tật, tính nết của từng người bệnh. Từ đó chúng tôi càng thêm thấu hiểu và dành nhiều thời gian để động viên, chia sẻ với đối tượng. Có nhiều trường hợp khi đối tượng lên cơn kích động hoặc tấn công lại cán bộ, y bác sỹ. Khi đó, chúng tôi phải sử dụng về chuyên môn y tế, chăm sóc về tâm thần để làm dịu cơn kích động của đối tượng và bằng cả tình thương để đối tượng tạm quên đi những đau đớn”, Y sĩ Trần Công Minh tâm sự.
Dường như, bên cạnh những phác đồ điều trị, những viên thuốc, đối tượng tâm thần nơi đây đang được chăm sóc bằng cả tình yêu thương, sự sẻ chia, thân tình, gắn bó của các y, bác sĩ vừa có chuyên môn ngành y, vừa có nghề CTXH ở nơi này!