Cần Thơ - Thành phố trẻ đầy năng động
- Huyệt vị
- 13:56 - 28/04/2015
Trải qua 40 năm đất nước hòa bình, độc lập, trong đó có 30 năm đổi mới, cơ cấu xã hội và lao động của TP Cần Thơ đã có bước phát triển quan trọng. Kinh tế tăng trưởng với tốc độ khá cao và liên tục trong nhiều năm liền, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 1976 - 2015 là 11,23%. Từ 75% lao động nông nghiệp khi còn là tỉnh Hậu Giang, đến năm 2014, lao động nông nghiệp của TP Cần Thơ giảm còn 40,3%. Hàng trăm ngàn lao động làm nông nghiệp đã chuyển sang lao động công nghiệp cùng với đà phát triển công nghiệp của thành phố. Cùng với các tỉnh thành trên cả nước, TP.Cần Thơ có nhiều đóng góp quan trọng vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bước đầu hội nhập với khu vực và thế giới.
Ông Trần Thanh Mẫn – Bí thư Thành ủy Cần Thơ.
Năm 2014, thu nhập bình quân đầu người của TP Cần Thơ đạt 3.298 USD/người/năm, tăng 7 lần so với năm 2004. Kết quả này đánh dấu sự phát triển không ngừng của thành phố, góp phần cải thiện mức sống, nâng cao thu nhập của người dân địa phương.
Sau ngày hòa bình, cùng với cả nước, TP Cần Thơ tiến lên chặng đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Những thế hệ đi trước với vai trò người mở đường đã làm nên những thành tựu ban đầu để thế hệ trẻ có điều kiện phát huy và tiếp bước xây dựng thành phố trẻ năng động.
* Thưa ông, đâu là những cột mốc đáng ghi nhận của Cần Thơ sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương?
- Năm 2004, Tp.Cần Thơ chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đây không chỉ là vinh dự, mà còn là những cơ hội, thách thức lớn đối với chính quyền và người dân thành phố. Thành ủy Caần Thơ đã chỉ đạo các cấp, các ngành chung tay xây dựng thành phố với nhiều diện mạo mới. Bên cạnh việc cải tạo nâng cấp, chỉnh trang đô thị, nhiều khu đô thị mới, khu tái định cư, khu thương mại, dịch vụ ở các quận, huyện, nhất là ở Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy đã được đầu tư theo hướng hiện đại. Những công trình giao thông được Trung ương và thành phố cùng phối hợp đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng, bước đầu tạo sự kết nối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế. Hoạt động đối ngoại và kinh tế đối ngoại chuyển biến tích cực, quan hệ quốc tế được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh.
Mối quan hệ tác động qua lại giữa TP. Cần Thơ và các tỉnh trong vùng ngày càng phát triển. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân đạt được những thành tựu lớn. Hệ thống kết cấu hạ tầng xã hội đã và đang được đầu tư theo hướng đạt chuẩn. Chính quyền TP. Cần Thơ còn chú trọng thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo giải quyết việc làm, chăm sóc người có công, đặc biệt là vận động xã hội tham gia hỗ trợ cho hộ chính sách, đồng bào dân tộc, người nghèo bằng các hoạt động thiết thực: Xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, khám, chữa bệnh miễn phí,… Thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng cải thiện và nâng cao, ước GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 79,26 triệu đồng/người/năm, so với 377 đồng vào năm 1976; quốc phòng - an ninh được giữ vững, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống.
* Các chính sách an sinh xã hội trong thời kỳ mới được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Những năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, việc thực hiện các chính sách về lao động, việc làm và đảm bảo an sinh xã hội luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm giải quyết có hiệu quả. Triển khai thực hiện, công tác xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ quan trọng mà các cấp, các ngành ở các địa phương đặc biệt quan tâm và nỗ lực thực hiện. Với riêng Cần Thơ, từ tổng số lao động tham gia nền kinh tế quốc dân từ khoảng 240.300 lao động đã lên 668.000 lao động vào năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 65%, đặc biệt, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp chiếm 61,47% tổng số lao động, tỷ lệ lao động nông nghiệp cũng giảm còn 38,53% tổng số lao động.
Đến nay, Cần Thơ đã cơ bản giải quyết cho các gia đình gặp khó khăn về nhà ở đối với diện chính sách, người có công, hộ nghèo và cận nghèo; đặc biệt, trên địa bàn thành phố không có hộ đói, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 1,84% vào cuối năm 2015.
Ông Trần Thanh Mẫn tặng quà cho anh Đặng Ngọc Thể - con liệt sĩ ở phường An Bình (quận Ninh Kiều).
Bên cạnh đó, TP. Cần Thơ sẽ tiếp tục chăm lo phát triển con người một cách toàn diện, không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao; mở rộng, nâng cấp mạng lưới y tế, tập trung đầu tư xây dựng một số cơ sở y tế chuyên sâu, kỹ thuật cao phục vụ việc khám, chữa bệnh cho nhân dân Cần Thơ nói riêng và vùng lân cận nói chung. Địa phương cũng chăm lo phát triển, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, tạo lập môi trường văn hóa - xã hội lành mạnh, xây dựng con người Cần Thơ “trí tuệ - năng động - nhân ái - hào hiệp - thanh lịch”. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo và giải quyết việc làm.
* Thưa ông, TP.Cần Thơ cần làm gì trong thời gian tới để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế?
Sau đổi mới, bức tranh công nghiệp Cần Thơ đã dàn bừng sáng với những nỗ lực miệt mài của các doanh nghiệp (DN) tại địa phương, góp phần đưa thành phố lên vị trí thứ 2 về giá trị sản xuất công nghiệp toàn vùng và đóng góp 16% giá trị cho ngành công nghiệp ĐBSCL. Mặc dù còn thiếu các DN sản xuất công nghiệp quy mô lớn, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn hạn chế, chưa thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài công nghệ cao, song ngành công nghiệp của TP. Cần Thơ đang dần lớn mạnh với một số ngành mũi nhọn như: Cơ khí, chế biến nông- thủy sản... Năm 2014, giá trị sản xuất công nghiệp của địa phương đạt 93.362 tỉ đồng, tăng 10,67% so với năm 2013; công nghiệp ngoài quốc doanh (DN tư nhân và khối FDI) chiếm 90,94% (khoảng 84.909 tỉ đồng) tổng giá trị sản xuất công nghiệp, khối DN nhà nước thực hiện 8.453 tỉ đồng.
Để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì việc cải thiện môi trường kinh doanh, bình đẳng là điều mà chính quyền TP. Cần Thơ đang nỗ lực xây dựng, giúp DN phát triển vững chắc. Với chủ trương thu hút đầu tư vào các KCN tập trung, TP. Cần Thơ đã có những chính sách mở để vừa tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, vừa đảm bảo quyền lợi cho người dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, hạ tầng cơ sở của thành phố cũng đang được hoàn thiện và thông thoáng hơn trong tương lai gần, là động lực thúc đẩy công nghiệp địa phương phát triển lên tầm cao mới.
Cùng với việc đẩy mạnh phát triển về chế biến nông sản, tạo những sản phẩm giá trị gia tăng cao, TP. Cần Thơ sẽ tập trung phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, chế tạo, sinh học, vật liệu mới để phát triển theo chiều sâu, bởi chỉ có công nghệ cao mới tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng cao, giúp Cần Thơ vững bước trên con đường công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế.
* Trân trọng cảm ơn ông!