CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:52

Cần sửa đổi chính sách khoán bảo vệ rừng để đồng bào thoát nghèo và làm giàu từ rừng

Theo đại biểu Triệu Thị Huyền, giảm nghèo và chăm lo cho người nghèo là vấn đề quan trọng có ý nghĩa chính trị, xã hội nhân văn sâu sắc, thể hiện tính ưu việt của chế độ Xã hội chủ nghĩa và luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Kết quả xóa đói giảm nghèo là một trong những thành tựu nổi bật của thời kỳ đổi mới, góp phần tích cực phát triển kinh tế, đảm bảo tiến bộ xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của đất nước được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Cần sửa đổi chính sách khoán bảo vệ rừng để đồng bào thoát nghèo và làm giàu từ rừng - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Triệu Thị Huyền (đoàn Yên Bái).

Cũng theo bà Huyền, thời gian qua các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có Yên Bái đã có nhiều nỗ lực thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác giảm nghèo vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là giảm nghèo nhanh nhưng chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo vẫn nằm trong nhóm cao nhất cả nước. Một bộ phận đã thoát nghèo nhưng ở những nơi thường xuyên chịu tác động của thiên tai nên nguy cơ cao tái nghèo. Tỷ lệ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số cao.

Dẫn báo cáo của Chính phủ, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm 14,7% dân số cả nước. Tuy nhiên tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số chiếm 57,1% số hộ nghèo của cả nước.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng trên là do khu vực miền núi phía Bắc địa hình miền núi chia cắt mạnh, lại chịu nhiều tác động thiên tai. Hơn nữa hạ tầng kinh tế xã hội thiếu đồng bộ, giao thông đi lại khó khăn diện tích đất hạn chế, thiếu tư liệu sản xuất, tình độ dân trí không đồng đều, chất lượng nhân lực thấp. Một số nơi đồng bào vẫn giữ thói quen canh tác lạc hậu thiếu kiến thức về khoa học kỹ thuật, một số thể chế chính sách phát triển kinh tế xã hội liên quan đến khu vực này còn bất cập, thiếu đồng bộ, nguồn lực đầu tư hạn hẹp chưa đáp ứng được yêu cầu.

"Từ thực tế trên, tôi thống nhất cao việc Quốc hội phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 theo nội dung tờ trình của Chính phủ", bà Huyền nhấn mạnh.

Đồng thời, bà Huyền cũng đưa ra một số kiến nghị với Chính phủ một số giải pháp thực hiện Chương trình trên cả nước nói chung và cho khu vực miền núi phía Bắc nói riêng.

Theo đó, sau khi được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đề nghị Chính phủ và các bộ ngành khẩn trương xây dựng ban hành các văn bản hướng dẫn về nội dung, đối tượng, về nguyên tắc hỗ trợ, các tiêu chí, định mức phân bổ nguồn lực để các địa phương chủ động triển khai thực hiện Chương trình này cùng với 2 Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng lồng ghép tích hợp cả 3 Chương trình. Từ đó, nhằm  huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực theo các mục tiêu và yêu cầu đã đặt ra.

Trong việc thiết kế các chính sách giảm nghèo cần cân đối hợp lý giữa các chính sách hỗ trợ có điều kiện và chính sách cho không, giữa hỗ trợ trực tiếp và hỗ trợ gián tiếp, mở rộng đối tượng thụ hưởng đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo nhằm đảm bảo thoát nghèo bền vững.

Khu vực miền núi phía Bắc nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống là địa bàn có tỷ lệ che phủ rừng cao hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước. Với nhiều khu rừng đặc dụng, rừng tự nhiên nhưng  tỷ lệ hộ nghèo ở đây cũng cao nhất cả nước. Lý do là thu nhập chủ yếu của một bộ phận người dân ở đây dựa vào khoán bảo vệ rừng. Trong khi đó, chính sách khoán bảo vệ rừng có định mức khoán là 400 nghìn đồng/ha/năm và có thể tăng lên không quá 2 lần, hạn mức khoán tối đa là 30ha/hộ/năm. Như vậy, với mức khoán này, thu nhập bình quân của 1 hộ 4 người khoảng 250 - 500 nghìn đồng/tháng, thấp hơn chuẩn nghèo thu nhập giai đoạn 2021-2025. "Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ rà soát điều chỉnh chính sách khoán bảo vệ rừng tại nghị định 75 năm 2015 cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Đồng thời sửa đổi chính sách cho thuê dịch vụ môi trường rừng theo hướng thông thoáng hơn, giúp người dân dễ dàng tiếp cận để phát triển kinh tế dưới tán rừng tự nhiên, rừng phòng hộ. Qua đó, để đồng bào yên tâm phấn đấu thoát nghèo và vươn lên làm giàu từ rừng", bà Huyền nêu.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh