Hôm nay (27/7), Quốc hội thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
- Tây Y
- 15:48 - 27/07/2021
Trước đó, ngày 23/7, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nhiệm kỳ 2016 - 2021 Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết, về tên gọi, Chương trình được đổi tên thành "Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025".
Với đối tượng, địa bàn là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên phạm vi toàn quốc, chú trọng địa bàn còn nhiều khó khăn.
Cho biết cụ thể, Bộ trưởng nêu, Chương trình được kết cấu lại với 6 dự án (11 tiểu dự án). Trong đó, chuyển các nội dung về đào tạo nghề chất lượng cao, phát triển hệ thống bảo trợ xã hội, cai nghiện ma túy thuộc các dự án 2 về "Phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp và việc làm bền vững" và dự án 3 về "Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội" vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Bổ sung các tiểu dự án mới để giải quyết các chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản còn cao của các hộ nghèo ở giai đoạn trước hoặc chưa bố trí đủ nguồn lực thực hiện, gồm: Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo và Cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo và vùng nghèo, vùng khó khăn.
"Chương trình thực hiện trên phạm vi cả nước. Tập trung đầu tư cho các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; khuyến khích các địa phương vận dụng các cơ chế, chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội đặc thù áp dụng cho các đối tượng trên địa bàn bằng nguồn lực của địa phương và huy động hợp pháp khác", Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH nêu.
Với mục tiêu tổng quát, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, Chương trình thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Cùng với đó, chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; đa dạng hóa sinh kế, phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, thu nhập tốt cho người nghèo, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 cơ bản tán thành với đánh giá về hiệu quả kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững của Chương trình.