Cần phát triển khuôn khổ pháp luật về công tác xã hội lên tầm cao mới
- Dược liệu
- 13:44 - 10/08/2018
Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội Tô Đức (bên trái) và Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội của Quốc hội Phạm Trọng Cường chủ trì Hội thảo
Nghề CTXH: hỗ trợ người dân giải quyết các vấn đề xã hội của mình, bảo đảm ASXH
Tham dự có đông đảo đại diện Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH một số tỉnh, thành phố; các cơ sở đào tạo, cùng các chuyên gia trong và ngoài nước.
Tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá cao vai trò, trách nhiệm của Tổ nghiên cứu xây dựng Luật CTXH đã khẩn trương nghiên cứu xây dựng Đề cương chi tiết của Luật, đồng thời cũng ghi nhận sự hỗ trợ hợp tác của các tổ chức quốc tế về chuyên môn, kỹ thuật và rà soát đánh giá thực trạng hệ thống pháp luật liên quan đến CTXH.
Phát biểu khai mạc, TS. Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho biết, thực hiện Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010- 2020, Bộ đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, trình ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định chức danh, mã số, tiêu chuẩn các chức danh nghề nghiệp viên chức công tác xã hội; tiêu chuẩn chăm sóc trợ giúp đối tượng tại các cơ sở bảo trợ xã hội; tiêu chuẩn cộng tác viên công tác xã hội cấp xã; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của trung tâm công tác xã hội; quản lý trường hợp.
Hiện nay, cả nước có khoảng 400 cơ sở trợ giúp xã hội có cung cấp dịch vụ công tác xã hội. Các cơ sở này cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho hàng ngàn lượt đối tượng, như: đối tượng xã hội cần sự bảo vệ khẩn cấp; người cao tuổi, người khuyết tật, người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí, người nhiễm HIV/AIDS, người nghèo, trẻ em, nạn nhân của phân biệt đối xử về giới; người nghiện ma túy, người bán dâm; người sau cai nghiện; cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em cần sự bảo vệ khẩn cấp và các đối tượng khác.
TS. Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội phát biểu khai mạc hội thảo
Tuy nhiên, khuôn khổ pháp lý về nghề công tác xã hội chưa được hoàn chỉnh, giá trị pháp lý thấp, được quy định tản mạn ở nhiều Nghị định, nhiều Luật chuyên ngành; nhiều nội dung về công tác xã hội chưa được quy định, cần thiết phải có Luật về nghề Công tác xã hội để bảo đảm tính thống nhất và tránh chồng chéo với các Luật liên quan.
“Nhiều quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực CTXH chưa được điều chỉnh, các văn bản quy phạm pháp luật về công tác xã hội còn quy định tản mạn, giá trị pháp lý thấp, pháp luật về công tác xã hội chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ công tác xã hội của nhân dân. Vì vậy, cần xây dựng, hoàn thiện, phát triển khuôn khổ pháp luật về công tác xã hội lên một tầm cao mới”, TS. Tô Đức khẳng định.
Đồng thời, TS. Tô Đức cũng cho biết thêm, vấn đề về mạng lưới, kiện toàn, thu gọn đầu mối, hợp nhất các cơ sở CTXH, cũng là một trong những nội dung đang đặt ra với rất nhiều thách thức. Làm sao để triển khai nghị quyết của Trung ương 6 phù hợp với điều kiện từng địa phương và từng lĩnh vực CTXH…
Toàn cảnh Hội thảo
Đưa ra đánh giá bao quát, TS. Nguyễn Hiệp Thương-Trưởng Khoa công tác xã hội, Đại học Sư phạm Hà Nội phân tích, CTXH là 1 nghề nghiệp mang tính chuyên môn, do đó phải đào tạo bài bản. Người làm nghề CTXH, một lúc phải làm rất ”vai”: làm việc với cá nhân, nhóm người, làm việc với cộng đồng... mỗi một ”vai” lại thể hiện tính chất công việc khác nhau khi thì như một nhà trị liệu, nhà điều hành, tổ chức hòa giải, người vận động.v.v… tùy vào bối cảnh làm việc.
”Rõ ràng để làm được các “nhà” như thế này, nếu không được đào tạo thì không thể làm được. Không có kiến thức của ngành trợ giúp thì không thể tròn vai được”, ông Thương nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hồng Ngọc, chuyên viên cao cấp Vụ Các vấn đề xã hội, Văn phòng Quốc hội cho rằng, người làm công tác xã hội phải được đào tạo bài bản và kiến thức và năng lực của họ phải được đánh giá. Mặc dù nhiều người đóng góp cho phúc lợi xã hội, song nếu không được giáo dục và đào tạo bài bản thì cũng sẽ không thể đạt được trình độ kiến thức và năng lực nhất định, và những tình nguyện viên trong cộng đồng không thể chịu trách nhiệm cho chất lượng công việc của họ như những người làm nghề chuyên nghiệp.
Phát triển CTXH là nhu cầu cấp thiết
Đến nay, các tỉnh, thành phố đã thành lập mạng lưới đội ngũ cán bộ nhân viên CTXH xã, phường. Tổng số đối tượng làm CTXH ở các ngành, hội, tổ chức là 200.000 người, lĩnh vực CTXH phát triển một cách cách mạnh mẽ. Ở nhiều địa phương, cán bộ đã xem CTXH không chỉ là nhiệm vụ của ngành Lao động - TB&XH mà còn ở các ngành, lĩnh vực khác như giáo dục, y tế, tư pháp...
Hội thảo nhận được nhiều tham luận, chia sẻ ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước
Theo đánh giá, CTXH đã có tác động rất lớn đối với người dân, nhóm đối tượng xã hội. Việc phát triển CTXH là nhu cầu cấp thiết, thiết yếu trong xã hội.
Trong công tác truyền thông, Bộ Lao động – TBXH đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị truyền thông để xây dựng chuyên trang, chuyên mục về nghề CTXH, thông qua đó giúp người dân hiểu hơn, nhận thức rõ hơn về nghề CTXH.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, quá trình chuyên nghiệp hóa nghề CTXH vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Về khuôn khổ pháp lý về CTXH bước đầu đã được xây dựng song mới dừng ở cấp độ nghị định. Nhiều quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động CTXH chưa được điều chỉnh. Nhiều bộ, ngành, tổ chức quốc tế cho rằng cần phát triển khuôn khổ pháp luật về CTXH lên một tầm cao mới thì mới có thể giải quyết được những vấn đề phát sinh trong xã hội.
Cùng với đó, việc tổ chức lại, củng cố, thu gọn bộ máy hệ thống trung tâm CTXH cũng đặt ra nhiều thách thức, một mặt, cần phát triển đội ngũ người làm CTXH, hành nghề CTXH chuyên nghiệp, mặt khác, phải tuân thủ quy định về viên chức. Tất cả những vấn đề này nếu ở tầm nghị định thì không giải quyết được mà chỉ có thể giải quyết ở tầm luật. Do vậy, cần phải có một luật riêng về CTXH để nhân viên CTXH có đủ chức trách, nhiệm vụ thực hiện hoạt động nghề nghiệp để có thể trình Bộ hồ sơ Luật CTXH ngay trong năm 2018.
Hội thảo nhận được nhiều tham luận, chia sẻ ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước
PGS.TS Trịnh Văn Tùng, Trưởng khoa Xã hội học, Đại học KHXH&NV cho biết, hầu hết các nước phát triển đưa quy định về thực hành CTXH vào các luật chuyên ngành, đặc biệt là lĩnh vực phúc lợi trẻ em, sức khỏe, giáo dục. Các quốc gia này có luật/ quy định về giáo dục, đào tạo nhân viên CTXH để đảm bảo người có đủ trình độ chuyên môn mới được hành nghề.
“Hầu hết các nước có các hội nghề CTXH- hoặc trực thuộc chính phủ, hoặc phi chính phủ- nhưng sứ mệnh và hoạt động tương đối giống nhau.
Do đó, theo các đại biểu, từ thực tiễn kết quả hoạt động của các mô hình, cũng như xu thế hội nhập quốc tế, rất cần một khuôn khổ pháp lý cho lĩnh vực CTXH.
Báo cáo đánh giá tác động Luật CTXH cho thấy, việc xây dựng luật nhằm mục tiêu góp phần đảm bảo thực hiện quyền cơ bản của công dân, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về an sinh xã hội; Thực hiện các biện pháp để đảm bảo chính sách trợ giúp vầ cứu trợ xã hội, qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của mọi thành viên trong xã hội, nhất là nhóm đối tượng yếu thế dễ bị tổn thương, những người già cả, neo đơi, tàn tật, mất sức lao động và trẻ mồ côi…
Chuyên nghiệp hóa hoạt động CTXH nhằm can thiệp kịp thời và hỗ trợ hiệu quả đối với cá nhân, nhóm, gia đình, cộng đồng, người dân gặp hoàn cảnh khó khăn hoặc có nhu cầu; Nâng cao chất lượng, hiệu quả và phát triển dịch vụ CTXH đáp ứng nhu cầu của người dân về chất lượng dịch vụ; Góp phần đảm bảo phát triển kinh tế đi đôi với công bằng xã hội trong quá trình CNH-HĐH và hội nhập quốc tế; Bảo đảm phát huy tiềm năng của cá nhân, gia đình, nhóm, cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn tự giải quyết vấn đề của mình và tự vươn lên trong cuộc sống; Xã hội hoá nghề CTXH nhằm tăng khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ CTXH.
Các đại biểu cùng chung nhận định, Công tác xã hội là nội dung có tính chủ chốt của an sinh xã hội và hệ thống phúc lợi xã hội, Đảng và Nhà nước ta coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững, ổn định chính trị - xã hội.
Do đó, Việt Nam cần sớm xây dựng và ban hành văn bản pháp lý phù hợp ở tầm luật, để điều chỉnh lĩnh vực mới và rất quan trọng này. Xây dựng Luật Công tác xã hội nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách về an sinh xã hội, trợ giúp cho những đối tượng yếu thế.