Tôn vinh giá trị cao quý của nghề Công tác xã hội
- Dược liệu
- 13:48 - 25/03/2018
Chương trình được Trường ĐH Khoa học (ĐH Huế) đăng cai tổ chức, thu hút đông đảo các tổ chức, đơn vị, cơ sở đào tạo, trung tâm trong lĩnh vực nghề Công tác xã hội trong nước và nước ngoài tham dự.
Chương trình kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam lần thứ II năm 2018 diễn ra với các sự kiện quan trọng như: Hội thảo khoa học quốc tế về “Định hướng phát triển nghề Công tác xã hội ở Việt Nam: Vai trò của pháp luật - đào tạo - thực tiễn”; lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam; chương trình, hoạt động tham quan các di tích lịch sử - văn hóa Huế; hội trại, teambuilding và thi nhảy dân vũ, Flashmop sinh viên; diễu hành chào mừng trên các tuyến đường phố chính của Cố đô Huế…
Mỗi sự kiện trong chuỗi hoạt động lễ kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam lần thứ II đều có những nét đặc thù, ghi đậm những dấu ấn hoạt động nghề Công tác xã hội trong thời gian qua. Đồng thời, tạo sức lan tỏa, ảnh hưởng đối với cộng đồng xã hội và bè bạn quốc tế.
Trường ĐH Khoa học (ĐH Huế) cũng cho biết, nằm trong chương trình Kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam (25/3), Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế) chủ trì, phối hợp với Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề "Định hướng phát triển nghề công tác xã hội ở Việt Nam: vai trò của pháp luật – đào tạo - thực tiễn".
Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, nhà giáo dục, nhà thực hành công tác xã hội trong nước, quốc tế chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi các giải pháp và sáng kiến nhằm xây dựng một "tam giác" vững chắc để thúc đẩy Nghề Công tác xã hội phù hợp với bối cảnh Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế.
Để có thể giảm thiểu đến mức cao nhất những rủi ro, mất mát, thiệt thòi và để tăng cường sự nhận thức, hiểu biết; các cộng đồng dân cư ở miền Trung rất cần có một đội ngũ Công tác xã hội có năng lực chuyên môn, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp để tư vấn cho người dân trong việc kiểm tra, giám sát các chính sách xã hội; định hướng đúng các hành vi xã hội cũng như tư vấn cho cộng đồng tự vượt lên chính mình để xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống trong phát triển bền vững.
Viêc tổ chức Lễ Kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam lần thứ II với nhiều hoạt động sẽ góp phần giúp cho các nhà lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học, giáo dục, cộng đồng của địa phương và cả nước cũng như bạn bè quốc tế có quyết tâm cao hơn, các giải pháp hữu hiệu hơn trong việc đáp ứng yêu cầu cấp bách nói trên.
Sau 8 năm triển khai thực hiện Đề án phát triển nghề Công tác xã hội giai đoạn 2010-2020, đến nay, nghề Công tác xã hội Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Các bộ, ngành đã chủ động xây dựng, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định về chức danh, mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức Công tác xã hội; tiêu chuẩn chăm sóc đối tượng tại các cơ sở bảo trợ xã hội; tiêu chuẩn cộng tác viên Công tác xã hội cấp xã; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của trung tâm Công tác xã hội; quy định về chế độ tiền lương đối với đội ngũ viên chức Công tác xã hội; phụ cấp ưu đãi đối với công chức, viên chức, người lao động làm việc tại cơ sở trợ giúp xã hội;
Hình thành hệ thống dịch vụ Công tác xã hội và đội ngũ cộng tác viên và nhân viên Công tác xã hội. Sự phát triển nghề Công tác xã hội góp phần trợ giúp cho người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận, thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, học nghề, tìm việc làm để ổn định cuộc sống.
Trong công tác đào tạo, hiện nay, cả nước có khoảng 55 trường đại học, cao đẳng và 21 cơ sở dạy nghề có đào tạo chuyên ngành Công tác xã hội, thu hút được nhiều học sinh theo học.
Trong đó có 5 trường đã tiến hành đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ ngành Công tác xã hội. Đội ngũ giảng viên, cán bộ, nhân viên, cộng tác viên Công tác xã hội cũng phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành Công tác xã hội không ngừng nâng cao, đáp ứng yêu cầu hoạt động nghề và thúc đẩy sự phát triển của nghề Công tác xã hội phù hợp với các đặc điểm chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội của Việt Nam cho hiện tại và tương lai.