THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 11:19

Cần thiết ra đời Luật nghề Công tác xã hội

Quang cảnh Hội thảo

 

Tham dự có đại diện các Bộ, ban, ngành, lãnh đạo một số Sở LĐ-TB&XH cùng một số trường đại học có đào tạo ngành Công tác xã hội, một số bệnh viện có khoa CTXH và các tổ chức quốc tế.

Cần luật khung để bao phủ các vấn đề then chốt của nghề CTXH

Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Văn Hồi đánh giá cao vai trò, trách nhiệm của Tổ nghiên cứu xây dựng Luật nghề CTXH đã khẩn trương nghiên cứu xây dựng Đề cương chi tiết của Luật, đồng thời cũng ghi nhận sự hỗ trợ hợp tác của các tổ chức quốc tế về chuyên môn, kỹ thuật và rà soát đánh giá thực trạng hệ thống pháp luật liên quan đến CTXH.

Đồng thời, Cục trưởng cũng cho rằng, trên cơ sở thực tiễn ở Việt Nam và kinh nghiệm của các nước trên thế giới, ở nước ta cần thiết phải có một Luật khung để điều chỉnh về nghề CTXH và Luật chuyên ngành quy định nhiệm vụ, vai trò, trách nhiệm hoặc thẩm quyền của cán bộ, nhân viên CTXH trong các luật cụ thể... Trong đó, Luật khung về nghề CTXH cần quy định cụ thể về khung pháp lý chuẩn hóa nghề CTXH; có những quy định liên quan đến vị trí, chức năng nhiệm vụ và hoạt động của các Trung tâm CTXH, trình tự thủ tục cung cấp dịch vụ CTXH và những quy định về thẩm quyền của cán bộ, nhân viên CTXH trong việc giải quyết các vụ việc.

Đây là những yếu tố quy định khung đối với nghề CTXH, thể hiện vai trò, nhiệm vụ của CTXH trong việc giải quyết những vấn đề của xã hội. Việc xây dựng Luật Nghề CTXH là chính sách lớn, nhưng bảo đảm không gia tăng về ngân sách và biên chế”, ông Nguyễn Văn Hồi khẳng định, đồng thời cho biết các ý kiến của các chuyên gia sẽ góp phần tích cực vào công việc nghiên cứu hoàn thiện Đề cương chi tiết Luật nghề CTXH, nhất là việc thống nhất sự cần thiết phải ban hành Luật, tên gọi của Luật và các nội dung mà Đề cương chi tiết Luật đưa ra.

Báo cáo đánh giá tác động của Luật Nghề CTXH, ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ- TB&XH) đưa ra 4 nhóm chính sách mà Luật Nghề CTXH cần thể hiện, là chính sách về đội ngũ cán bộ người làm CTXH chuyên nghiệp; Các lĩnh vực, hình thức, nội dung hoạt động CTXH; Việc thiết lập, phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ CTXH và chính sách về nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động CTXH. Trong mỗi nhóm chính sách cần phải đánh giá tác động của chính sách và cụ thể hóa vào điều luật.

 

Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) phát biểu tại Hội thảo

 

Phát biểu tại Hội thảo, ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị Tổ nghiên cứu xây dựng Luật, Cục Bảo trợ xã hội, trong Đề cương chi tiết Luật cần làm rõ các nội dung như: Khái niệm CTXH; Bổ sung các chính sách của Nhà nước đối với nghề CTXH như bố trí nguồn lực, đào tạo nhân lực và hoạt động xã hội hóa; Chính sách phát triển hệ thống dịch vụ CTXH; Quyền của người được hưởng dịch vụ; Sự thống nhất giữa các Luật khác (Luật NKT, Luật Người cao tuổi, Luật Bình đẳng giới…)

Quy định chi tiết, đưa vào các luật chuyên ngành

Theo bà Vũ Thị Lệ Thanh, Cán bộ Tổ chức UNICEF tại Việt Nam, Kinh nghiệm quốc tế về khung pháp lý nghề CTXH cho thấy, Luật khung CTXH được ban hành ở một số quốc gia nhằm tạo một hành lang pháp lý cho thực hành CTXH để bảo vệ người dân. “Trong Dự thảo Đề cương chi tiết Luật Nghề CTXH, có một số nội dung chi tiết nên đưa vào các luật chuyên ngành, ví dụ quy định “quy trình và tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ”.

Bên cạnh đó, Dự thảo quy định rất chi tiết hoạt động cho ngành LĐ-TB&XH nhưng lại quy định tóm tắt cho các ngành khác, đồng thời thiếu quy định về hình thức hành nghề CTXH, điều này phải tính đến khi soạn thảo, để khi Luật ban hành, dễ triển khai trong thực tiễn”, bà Thanh góp ý.

Cùng với đó, bà Thanh cũng chỉ ra, dự thảo đang thiếu định nghĩa và nhiệm vụ cho các chức danh khác nhau của nhân viên CTXH. Thiếu quy định về hỗ trợ, giám sát trong thực hành CTXH. Thiếu các điều khoản quy định hình phạt và khiển trách các hành vi vi phạm Luật…

 

Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội góp ý tại hội thảo

 

Bày tỏ sự đồng thuận, ông Đặng Hữu Bình – Giám đốc Trung tâm CTXH tỉnh Quảng Ninh là người có kinh nghiệm làm CTXH từ cơ sở, dẫn chứng, việc thực hành nghề CTXH ở Việt Nam hiện nay cũng đang bộc lộ những tồn tại bất cập. Đơn cử như dù chúng ta đã có văn bản quy định, hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ của các cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội, nhưng chưa có các văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở pháp lý để thực hiện một số chức năng, nhiệm vụ của các Trung tâm này.

Bên cạnh đó, việc kết nối với cơ quan chức năng và các đoàn thể cũng rất khó khăn và thiếu cơ sở pháp lý, vì hiện nay chưa có văn bản nào quy định các cơ quan chức năng, các đoàn thể phải phối hợp với các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH để thực hiện các biện pháp hữu hiệu trong các trường hợp can thiệp, hỗ trợ khẩn cấp. Trong khi đó, cán bộ CTXH ngoài hỗ trợ về tư vấn tâm lý, ổn định tinh thần và kết nối với các cơ quan chức năng thì cũng chưa có cơ sở pháp lý để có thể đưa ra quyết định cụ thể việc cung cấp dịch vụ nào phù hợp và có hiệu quả cho đối tượng.

Khẳng định sự cần thiết ban hành Luật nghề CTXH, các đại biểu tại hội thảo nêu, sự hiểu biết của các cấp các ngành về nghề CTXH còn rất hạn chế; việc hỗ trợ nhân viên CTXH thực hành trên thực tế còn yếu, do đó khi chưa được luật hóa, họ khó khăn trong việc hỗ trợ người dân. Vị trí việc làm của nhân viên xã hội cũng rất khiêm tốn. Ví như ngành giáo dục, rất hiểu, rất cần, nhưng để bố trí việc làm cho nhân viên CTXH trong nhà trường thì không được, vì chưa có khung pháp lý quy định.

Theo đó, các đại biểu tại Hội thảo đều cho rằng, cần thiết ban hành Luật nghề CTXH, vì đến nay, cùng với sự phát triển nhanh của nền kinh tế, Việt Nam đang phải đối mặt với các thách thức phức tạp do hàng loạt vấn đề xã hội ngày càng gia tăng như: lạm dụng trẻ em, người già neo đơn, nạn nghiện hút, mại dâm, bạo lực gia đình, thất nghiệp, di cư… Trong bối cảnh đó, phát triển một hệ thống CTXH hỗ trợ giải quyết các vấn đề xã hội là hết sức cần thiết. 

 

Dự thảo đề cương chi tiết Luật nghề Công tác xã hội gồm 7 chương 94 điều.
Luật này quy định về người hành nghề CTXH; quy định về chuẩn thực hành CTXH, đạo đức nghề CTXH; việc cấp, thu hồi giấy phép hành nghề CTXH; việc thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH; quy trình và tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ CTXH; hiệp hội nghề CTXH và hiệp hội đào tạo CTXH; quản lý nhà nước lĩnh vực thực hành CTXH.

Ngoài ra, Dự thảo Đề cương cũng dành Chương 2 quy định về người hành nghề CTXH như: Điều kiện tiêu chuẩn của người hành nghề CTXH (tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp công tác xã hội; Đào tạo cấp chứng chỉ hành nghề công tác xã hội); thẩm quyền, hồ sơ, thủ tục cấp, cấp lại và thu hồi chứng chỉ hành nghề CTXH; quyền và nghĩa vụ của người hành nghề CTXH... Chương 3 quy định về cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH...

Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia có làm CTXH trong các lĩnh vực an sinh xã hội, y tế, giáo dục, tư pháp, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các lĩnh vực liên quan khác. 

PHƯỢNG HỒNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh