Cơ chế, chính sách về nghề công tác xã hội cần được tiếp tục bổ sung, hoàn thiện
- Giáo dục nghề nghiệp
- 03:48 - 14/03/2018
Chủ tich Hiệp hội GDNN và Nghề CTXH Việt Nam báo cáo về kết quả hoat động của Hiệp hội trong thời gian qua
Báo cáo với Phó Chủ tịch nước về một số kết quả hoạt động chủ yếu của Hiệp hội, bà Nguyễn Thị Hằng- Chủ tịch Hiệp hội cho biết, trong những năm qua với vai trò tư vấn, phản biện và giám định xã hội, Hiệp hội đã tham gia xây dựng, nâng cao chất lượng hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách, chương trình, đề án phát triển GDNN, lao động, việc làm, an sinh xã hội, công tác xã hội, bảo trợ xã hội, bảo hiểm xã hội, xuất khẩu lao động ….Nhìn chung Hiệp hội đã triển khai nhiều hoạt động đa dạng, thiết thực,góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực hiện nhiệm vụ công tác của Ngành. Tuy nhiên hoạt động của Hiệp hội cũng còn một số khó khăn và hạn chế như: cơ sở vật chất và kinh phí tự lo; phát triển Hội viên mới chưa kịp thời.
Cũng tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Hằng- Chủ tịch Hiệp hội cũng kiến nghị với Phó chủ tịch nước, các cơ quan của Văn phòng Chủ tịch nước, Quốc hội và Chính phủ một số vấn đề như cần sớm nghiên cứu, ban hành Luật về Hội, tạo hành lang pháp lý để hoạt động của các Hội đi vào nề nếp, tuân thủ quy định của pháp luật....Theo bà Nguyễn Thị Hằng, Nghề làm đẹp có bề dày lịch sử phát triển, là một nghề phổ biến và hết sức quan trọng. Xã hội càng phát triển nhu cầu làm đẹp càng tăng và vì thế nhu cầu nhân lực nghề làm đẹp tăng đột biến. Theo thống kê sơ bộ, hiện cả nước có trên 2 triệu người làm trong lĩnh vực dịch vụ này, hiện đang có xu hướng phát triển nóng kể cả tốt và chưa tốt. Phần lớn người lao động làm theo kinh nghiệm, học theo kiểu truyền nghề với cơ sở vật chất và thiết bị lạc hậu. Ngày nay với sự phát triển vượt bậc của khoa học, công nghệ làm đẹp đã có những bước tiến rất xa, do vậy nghề làm đẹp không chỉ đòi hỏi về kỹ năng chuyên môn mà cần có kiến thức về các lĩnh vực liên quan như y tế, dược phẩm, mỹ phẩm, điện và hóa chất... "Cần quan tâm khẳng định vai trò nghề làm đẹp trong xã hội phát triển, cần ban hành luật pháp, xây dựng và quy định về chứng chỉ hành nghề"-bà Nguyễn Thị Hằng nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại buổi tiếp
Ghi nhận những thành tích của Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá: Hiệp hội là tổ chức có vai trò rất quan trọng trong việc tập hợp các lực lượng xã hội, góp sức thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, thực thi pháp luật và chính sách trong lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội. Trong thời gian qua, hoạt động của Hiệp hội đạt được nhiều kết quả toàn diện trên các lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, nghề công tác xã hội, hợp tác quốc tế, phát triển tổ chức, hội viên… Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh: Giáo dục nghề nghiệp giữ vị trí quan trọng trong đào tạo, cung ứng nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề, Hiệp hội cần tập hợp trí tuệ, nghiên cứu, tham gia xây dựng, phản biện chính sách, vận động hội viên tập trung nâng cao chất lượng đào tạo; thực hiện cơ chế tự chủ và trách nhiệm giải trình… Lĩnh vực công tác xã hội có vai trò lớn trong thực hiện bình đẳng, tiến bộ xã hội và phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới công tác xã hội, đặt ngang tầm với phát triển kinh tế. Hiện nay, môi trường kinh tế - xã hội thay đổi, quá trình hội nhập quốc tế ngày càng đa dạng, phức tạp, sâu rộng; trong khi đó khuôn khổ pháp lý cũng như các văn bản quy phạm pháp luật về công tác xã hội chưa hoàn chỉnh, đồng bộ. Phó Chủ tịch nước cho rằng, đứng trước những thách thức, khó khăn hiện nay, Hiệp hội cần có nhận thức và cách tiếp cận mới. Luật pháp, cơ chế, chính sách về nghề công tác xã hội cần được tiếp tục bổ sung, hoàn thiện.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao tăng Kỷ niệm Chương cho các thành viên của Hiệp hội
Khẳng định Đảng, Nhà nước sẽ tác động thúc đẩy việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động của Hiệp hội như: Pháp luật về Hội, Luật về nghề công tác xã hội…, Phó Chủ tịch nước đề nghị, thời gian tới, Hiệp hội cần tiếp tục tham gia xây dựng, tư vấn, phản biện về chủ trương, pháp luật, chính xác trong lĩnh vực lao động, việc làm, người có công, giáo dục nghề nghiệp, an sinh xã hội, xuất khẩu lao động… nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội; phát huy tốt trí tuệ, tư duy sáng tạo, kinh nghiệm thực tiễn và sự tham gia của đông đảo hội viên. Phó Chủ tịch nước mong muốn, Hiệp hội tích cực cập nhật nhu cầu xã hội để đối tượng đào tạo có việc làm ổn định, thu nhập cao, khuyến khích tăng cường hợp tác quốc tế, mở rộng cơ hội học hỏi kinh nghiệm về đào tạo nghề.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chụp ảnh lưu niệm với Hiệp hội GDNN và CTXH Việt Nam