CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:25

Cần nâng cao số lượng và chất lượng ngành Công tác xã hội giai đoạn 2021 - 2030

Ngành LĐ-TB&XH đi đầu trong công tác xây dựng mạng lưới CTXH

Bà Phạm Thị Hải Hà cho biết: Quyền được đảm bảo an sinh xã hội của công dân đã được ghi nhận tại Điều 34 của Hiến pháp năm 2013. Đặc biệt, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành đã rất quan tâm đến lĩnh vực này, bởi vì an sinh xã hội là một trụ cột để đảm bảo an ninh - chính trị và góp phần cho công tác nâng cao tốt hơn đời sống người dân. Kể từ khi Đề án phát triển nghề công tác xã hội được phê duyệt, mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH đã được hình thành nhiều nhất ở ngành LĐ-TB&XH, tiếp theo là ở các ngành Y tế, Giáo dục, các hội, đoàn thể chính trị - xã hội… Các tỉnh, thành phố từng bước tiếp tục phát triển các cơ sở có cung cấp dịch vụ CTXH đối với người già, người tâm thần, bảo vệ trẻ em, trợ giúp người khuyết tật phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng trên cơ sở bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ và kiện toàn cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở.

Đội ngũ công chức, viên chức, nhân viên và cộng tác viên làm công tác xã hội hiện có khoảng 235 nghìn người, trong đó có 35.000 công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội công lập và ngoài công lập, gần 100 nghìn người làm việc tại các hội, đoàn thể các cấp; trên 100 nghìn cộng tác viên giảm nghèo, phòng chống tệ nạn xã hội, bảo vệ trẻ em và phát triển cộng đồng… trợ giúp các đối tượng yếu thế ở các cơ sở và cộng đồng, góp phần trợ giúp cho người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận, thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, học nghề, tìm việc làm...

Cần nâng cao số lượng và chất lượng ngành Công tác xã hội giai đoạn 2021 - 2030 - Ảnh 1.

Ngành CTXH góp phần giải quyết các vấn đề lao động, việc làm và các vấn đề an sinh xã hội…

Tuy nhiên theo Phó Cục trưởng, hiện nay các dịch vụ CTXH vẫn còn chưa đa dạng, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Cơ sở vật chất còn thiếu. Đặc biệt, đội ngũ các bộ, nhân viên ngành CTXH còn mỏng, đa số được đào tạo từ ngành nghề khác hoặc một số không được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, chưa dựa vào cộng đồng."CTXH không chỉ tạo ra sự phát triển bền vững mà còn góp phần đáng kể cho việc giảm tải ngân sách nhà nước trong giải quyết các vấn đề lao động, việc làm và các vấn đề an sinh xã hội khác", Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội khẳng định.

Cần nâng cao số lượng và chất lượng nhân lực ngành CTXH

Theo bà Nguyễn Ngọc Quỳnh - Đại diện Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA), hiện nay ở nông thôn giới trẻ ngày càng giảm, người cao tuổi (NCT) chiếm số đông dẫn đến tình trạng già hóa dân số. Năm 2019, số NCT có nhu cầu chăm sóc (cả sức khỏe và hỗ trợ trong sinh hoạt) là 4 triệu người. Dự báo đến năm 2035 sẽ lên đến 10 triệu người.

Để giải quyết vấn đề này cần có chiến lược phát triển nguồn nhân lực phù hợp cho xã hội già hóa bao gồm cán bộ CTXH và người chăm sóc có quy chuẩn về chất lượng, cũng như quy định tiêu chuẩn và gắn trách nhiệm cụ thể trong giám sát chất lượng dịch vụ.Cần hiểu đúng về vấn đề chăm sóc xã hội; cần có định hướng chiến lược xây dựng hệ thống dịch vụ chăm sóc xã hội, xác định rõ vai trò của nhà nước trong việc xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống điều phối phối hợp và quy định, giám sát chất lượng dịch vụ. Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Y tế nên phối hợp nghiên cứu và đề xuất xây dựng hệ thống chăm sóc dài hạn bao gồm cả chăm sóc y tế và chăm sóc xã hội.

Cần nâng cao số lượng và chất lượng ngành Công tác xã hội giai đoạn 2021 - 2030 - Ảnh 2.

Ngành LĐ-TB&XH đi đầu trong công tác xây dựng mạng lưới CTXH.

Ông Bùi Tiến Dũng, Chuyên gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, ngành Giáo dục có sự tham gia từ sớm trong việc phê chuẩn mã ngành đào tạo CTXH năm 2004. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng phê duyệt đề án phát triển nghề CTXH. Gần đây nhất thông tư 33/2019 đã được phê duyệt trong việc quy định nhiệm vụ của nhân viên CTXH trong trường học. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có văn bản chính thức được phê duyệt về vị trí hay mã số nghề nghiệp của nhân viên CTXH trong lĩnh vực giáo dục từ đó hạn chế việc phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.

Ông Dũng dẫn chứng: Hiện nay vẫn còn một số cán bộ lớn tuổi hay cán bộ lãnh đạo lại chưa có bằng cấp đúng chuyên môn và điều này cũng ảnh hưởng tới hiệu quả các hoạt động CTXH. Bên cạnh đó, việc tuyển dụng vào các vị trí nhân viên CTXH vẫn chấp nhận những bằng cấp ngành gần CTXH trong khi ở các nước phát triển CTXH vị trí nhân viên CTXH làm việc trực tiếp với đối tượng đều yêu cầu bằng Thạc sĩ CTXH hoặc đảm bảo số giờ được kiểm huấn tại cơ sở. Không những vậy mà một số cán bộ không có bằng chuyên môn nhưng lại cung cấp dịch vụ trực tiếp, ngược lại một số cán bộ có bằng chuyên môn CTXH nhưng lại phải làm trái ngành.

"Để phát triển ngành CTXH cần phải nâng cao năng lực và chất lượng nguồn nhân lực CTXH để họ có thể đảm bảo các công việc, nhiệm vụ một cách chuyên nghiệp hơn. Tiếp tục hoàn thiện các chương trình đào tạo ngắn hạn và dài hạn về CTXH. Tập trung triển khai các chương trình đào tạo chuyên sâu về CTXH với thời lượng hợp lý. Bên cạnh đó, đào tạo càn gắn lý thuyết với thực hành, tăng cường các hoạt động thực hành, trải nghiệm thực tế…", ông Dũng gợi ý.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực CTXH, để phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021 - 2030 cần phải nâng cao số lượng và chất lượng nhân lực ngành CTXH. Để thực hiện được mục tiêu này cần chú trọng vào công tác tuyển sinh, đào tạo sinh viên ngành CTXH trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên cả nước.Đồng thời, trong công tác tuyển dụng nguồn nhân lực phải ưu tiên những người được đào tạo bài bản có trình độ đại học, cao đẳng về CTXH. Tránh tình trạng những người có năng lực chuyên môn thực sự lại không được tuyển dụng, gây lãng phí.

XUÂN TRƯỜNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh