Nâng cao chất lượng nhân lực và năng suất lao động
- Tây Y
- 04:01 - 06/04/2018
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Kunio Umeda
Tại buổi tiếp, hai bên đã cùng trao đổi, thảo luận về một số nội dung liên quan đến đàm phán về Hiệp định an sinh xã hội, xử lý bom mìn còn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin, dự án tăng cường kỹ năng giáo dục nghề nghiệp, chương trình EPA…
Phục vụ công tác chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao Việt Nam – Nhật Bản vào tháng 5 tới đây, Đại sứ Kunio Umeda cho biết, liên quan đến Hiệp định an sinh xã hội, phía Nhật Bản mong muốn hai bên sớm tổ chức các vòng đàm phán về vấn đề này. Hiện phía Tokyo đang xúc tiến đàm phán an sinh xã hội với nhiều quốc gia, trong đó rất quan tâm tới Việt Nam.
Liên quan đến vấn đề xử lý bom mìn, vật liệu nổ và trợ giúp nạn nhân chất độc hóa học, theo Đại sứ, từ năm 2002, Chính phủ Nhật Bản đã điều phối nhiều chương trình hợp tác xử lý bom mìn tại một số địa phương miền Nam Việt Nam. Hiện tại Nhật Bản đang có một đoàn công tác khảo sát tại Sân bay Biên Hòa (Đồng Nai).
“Nhật Bản đã thông qua một số tổ chức phi chính phủ hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Chúng tôi đã hỗ trợ máy móc, trang thiết bị cho Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và sẽ tiếp tục hỗ trợ cho hội tại TP HCM. Nhiều tổ chức, đơn vị của Nhật Bản cũng đã tham gia hỗ trợ các nạn nhân của Việt Nam” – Đại sứ Kunio Umeda nói.
Đối với dự án Tăng cường kỹ năng giáo dục nghề nghiệp, Đại sứ Nhật Bản cho biết: “Vấn đề nâng cao năng suất lao động được phía Nhật Bản hết sức ưu tiên. Chúng tôi cho rằng, với hệ thống các trường dạy nghề, trang thiết bị là quan trọng và cần thiết. Phía Nhật mong muốn tại Hội đàm cấp cao hai nước tới đây, Việt Nam sẽ có đề xuất chính thức với Nhật Bản và đạt được cam kết về dự án”.
Bên cạnh đó, Đại sứ Kunio Umeda cũng mong nhận sự quan tâm của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH đối với hệ thống cao đẳng nghề quốc lập của Nhật Bản (KOSEN). Tổ chức này dự kiến khai trương văn phòng đại diện tại Việt Nam trong năm nay và mong được Việt Nam ủng hộ.
Đối với Chương trình EPA (Chương trình đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang Nhật Bản làm việc trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế Việt- Nhật), Đại sứ đánh giá cao nỗ lực của phía Việt Nam, đặc biệt là Bộ LĐTB&XH, đồng thời cho biết, năm nay là năm đầu tiên các ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam tham gia kỳ thi đạt kết quả cao nhất, lên đến 97,3% (khóa I là 81%, khóa II là 83%). Tới đây, Nhật Bản sẽ tiếp tục quảng bá Chương trình này trên các phương tiện truyền thông đại chúng và mong nhận được sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa từ phía Bộ LĐ-TB&XH.
Trao đổi với Đại sứ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ sự cảm ơn đối với Đại sứ và khẳng định, những vấn đề Đại sứ nêu là rất thiết thực, được Chính phủ Việt Nam quan tâm và ủng hộ. Nhiều đề xuất của Đại sứ trước đó đã được Bộ cũng như Chính phủ tiếp thu, áp dụng. Về dự án Tăng cường kỹ năng giáo dục nghề nghiệp, bộ trưởng khẳng định, nâng cao chất lượng nhân lực và NSLĐ là quan tâm hàng đầu.
Bộ trưởng cũng cảm ơn Đại sứ và Chính phủ Nhật Bản đã thông quan Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) giúp Việt Nam xây dựng hai đề án là cải cách tiền lương và cải cách BHXH. Các đề án này đến nay cơ bản đã hoàn tất và sẽ trình cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến trong tháng 4/2018.
Về vấn đề an sinh xã hội, Bộ trưởng đánh giá cao Biên bản ghi nhớ được Thủ tướng hai nước ký năm 2017 đã tạo cơ hội tốt hơn và phát triển mạnh mẽ hơn về lao động – việc làm và an sinh xã hội.
“Các nghiệp đoàn Nhật Bản và doanh nghiệp Việt Nam đã có sự phối hợp tương đối ăn ý, nhịp nhàng. Nhiều nghiệp đoàn Nhật đã tham gia các chương trình an sinh xã hội, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng nhấn mạnh, Hiệp định an sinh xã hội đã được hai bên thảo luận và xuất phát từ yêu cầu của cả hai nước, và sẽ cố gắng thúc đẩy để có thể ký kết tại Hội đàm cấp cao dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới đây. Về nguyên tắc, Bộ trưởng ủng hộ và hai bên cần đàm phán sao cho hiệu quả, kiên trì, có gắng tìm những điểm tương đồng.
Bộ trưởng cũng đề nghị Đại sứ quan tâm tới các dự án hỗ trợ rà phá bom mìn ở Việt Nam, đặc biệt tại tỉnh Hà Giang – nơi có khoảng 80.000ha bị ô nhiễm bom mìn.