THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:50

Cần giải quyết những vấn đề bức thiết như thiếu đất ở, đất sản xuất

Đại biểu Âu Thị Mai đánh giá, thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, quan trọng, nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp luôn quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cùng với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Cần giải quyết những vấn đề bức thiết như tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất - Ảnh 1.

Đại biểu Âu Thị Mai.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn 2,75% năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm 4%/năm. Nhiều huyện nghèo, xã nghèo đặc biệt, khó khăn được đầu tư cải thiện hệ thống cơ sở thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Hộ nghèo được hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch. Đặc biệt sự chuyển biến về nhận thức và hành động của một bộ phận người nghèo đã xuất hiện một số điển hình làm đơn tự nguyện xin thoát nghèo.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được cho thấy kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng thường xuyên bị lũ lụt, thiên tai. Nguồn lực thực hiện chương trình chưa đảm bảo, còn dàn trải, manh mún, các mô hình sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ nhưng hiệu quả kết nối giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm phát triển theo chuỗi giá trị còn hạn chế. Bên cạnh đó nhiều hộ gia đình còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nhà nước, chưa có ý thức vươn lên thoát nghèo.

Từ những hạn chế nêu trên, đại biểu Mai thống nhất cao với việc Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Chương trình lần này được kết cấu với 6 dự án, 11 tiểu dự án. Trong đó bổ sung các tiểu dự án để giải quyết các chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội như nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo, cải thiện dinh dưỡng cho người nghèo.

Để Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đạt hiệu quả, đồng thời khắc phục những hạn chế trong giai đoạn vừa qua, đại biểu Âu Thị Mai đề nghị:

Thứ nhất, Chính phủ, các cấp, các ngành cần có giải pháp căn cơ, tập trung giải quyết những vấn đề bức thiết về đời sống của người dân như tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số vùng nghèo và hộ nghèo ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn. Đây là điều kiện tiên quyết trong công tác giảm nghèo bền vững. Theo thống kê hiện trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khoảng 58.000 hộ thiếu đất ở, đất sản xuất; trên 300.000 hộ thiếu nước sinh hoạt.

Thứ hai, cần tiếp tục tích hợp ban hành các chính sách hỗ trợ giảm nghèo trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội theo hướng hỗ có điều kiện. Chỉ hỗ trợ trực tiếp đối với các chính sách có ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội như giáo dục, y tế. Còn lại các chính sách khác hỗ trợ bằng hình thức cho vay có hoàn trả. Đồng thời, tiếp tục tăng mức hỗ trợ cho vay tín dụng ưu đãi và kéo dài thời hạn vay vốn đối với lãi suất cho một số loại hình sản xuất có chu kỳ như: Chăn nuôi trâu, bò, trồng rừng và các cơ sở sản xuất, kinh doanh ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng nông thôn. Thực tế hiện nay có nhiều hộ gia đình có nhu cầu vay vốn rất lớn nhưng tâm lý do lo ngại rủi ro, chi phí sản xuất cao, lợi nhuận thấp, không có khả năng trả nợ.

Thứ ba, phải đặt người nghèo ở vị trí chủ thể trung tâm của công tác giảm nghèo. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo đến các cấp, các ngành, mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người nghèo. Khơi dậy ý thức tự chủ, vươn lên thoát nghèo, loại bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách của nhà nước mà phải sử dụng hiệu quả nguồn lực của nhà nước, của cộng đồng để vươn lên thoát nghèo.

Thứ tư, Trung ương cần tiếp tục dành nguồn lực đầu tư cho các tỉnh miền núi, trong đó ưu tiên đầu tư hạ tầng kết nối giao thông, kết nối vùng, liên vùng và kết nối các tỉnh miền núi, các huyện nghèo trong vùng. Hạ tầng điện lưới quốc gia theo thống kê thì hiện nay cả nước còn khoảng 900.000 hộ chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. Các công trình dự báo, cảnh báo, phòng và chống thiên tai tiếp tục bố trí nguồn lực sớm hoàn thiện. Sắp xếp và bố trí lại dân cư, di dân khỏi vùng nguy cơ cao lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, nhằm hạn chế mức thấp nhất ảnh hưởng của thiên tai tới đời sống và sản xuất của người dân.

Thứ năm, khu vực miền núi phía Bắc là nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, là địa bàn có tỷ lệ che phủ rừng cao so với bình quân chung của cả nước nhưng lại là lõi nghèo, sinh kế của người dân chủ yếu gắn với kinh tế rừng. Vì vậy, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng, môi trường sinh thái đầu nguồn, đề nghị trung ương cần có chính sách đặc thù hỗ trợ các địa phương quản lý, phát triển, bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ nguồn nước, phát triển kinh tế - xã hội để người dân sống được bằng nghề rừng và làm giàu từ rừng.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh