THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:42

Cần có cơ chế động viên nhà giáo giáo dục nghề nghiệp


Tìm giải pháp tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến quyền lợi của những nhà giáo giáo dục nghề nghiệp - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: "Thời gian qua, giáo dục nghề nghiệp luôn gắn với doanh nghiệp trong đào tạo đã tạo ra nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp và xã hội... Giáo dục nghề nghiệp đã đi rất đúng hướng. Để đạt được thành công đó, công lao của các nhà giáo giáo dục nghề nghiệp rất đáng được ghi nhận.

Trong buổi hội nghị hôm nay chúng ta cùng tập trung thảo luận xoay quanh các vấn đề: Tổng kết đánh giá công tác chuẩn hóa về kỹ năng nghề cho đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp; đưa ra những băn khoăn, vướng mắc và những đề xuất tháo gỡ những vướng mắc về những quy định liên quan đến quyền lợi của những nhà giáo giáo dục nghề nghiệp".

Báo cáo tổng kết công tác chuẩn hóa về chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp năm 2017 - 2019, ông Trần Văn Nịch, Vụ trưởng Vụ Nhà giáo (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) trình bày, đến nay, tổng số nhà giáo giảng dạy trong các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp được đánh giá xếp loại theo chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ là 81.706 người, chiếm 94,01% tổng số nhà giáo.

Tìm giải pháp tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến quyền lợi của những nhà giáo giáo dục nghề nghiệp - Ảnh 2.

Ông Trần Văn Nịch, Vụ trưởng Vụ Nhà giáo báo cáo tổng kết công tác chuẩn hóa về chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp năm 2017 - 2019.

Trong tổng số 81.706 nhà giáo có 18.831 nhà giáo dạy lý thuyết, chiếm tỷ lệ 23,05% (18.448 nhà giáo đạt chuẩn); 23,287 nhà giáo dạy thực hành, chiếm tỷ lệ 28,50% (21.650 nhà giáo đạt chuẩn) và 39.588 nhà giáo dạy tích hợp, chiếm tỷ lệ 48,45% (35.650 nhà giáo đạt chuẩn).

Tính đến nay, số nhà giáo đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ chiếm tỷ lệ cao (92,71%). Cơ cấu nhà giáo chia theo nhiệm vụ giảng dạy về cơ bản phù hợp với mục tiêu giáo dục nghề nghiệp là đào tạo theo hướng tiếp cận năng lực.

Theo ông Nịch, bên cạnh những mặt đạt được vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Cụ thể, một số bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội... chưa thực hiện nghiêm túc đánh giá, xếp loại theo chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp hàng năm theo quy định. Một số địa phương, tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ nhà giáo đạt chuẩn thấp như: Thái Bình, Thái Nguyên, Đắk Nông, Sóc Trăng (dưới 70%); Tập đoàn Than - Khoảng sản Việt Nam (13,91%); Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (59,76%). Vẫn còn 2,03% nhà giáo dạy lý thuyết chưa đạt chuẩn (chưa có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm).

Việc xây dựng, ban hành các Bộ Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, Quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp cho những ngành, nghề thuộc lĩnh vực đặc thù của các bộ, ngành còn chậm nên chưa có cơ sở để tổ chức bồi dưỡng và đánh giá kỹ năng nghề cho nhà giáo.

Để khắc phục những hạn chế trên, ông Nịch kiến nghị, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp nói chung. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp. Phối hợp với các bộ, ngành tổ chức triển khai xây dựng các Bộ Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia; Quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng các ngành, nghề thuộc lĩnh vực đặc thù như văn hóa nghệ thuật, thể thao, giao thông vận tải… để tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ Kỹ năng nghề quốc gia tại các Trung tâm Đánh giá kỹ năng nghề quốc gia; xem xét miễn đánh giá nội dung lý thuyết chuyên môn nghề đối với nhà giáo có trình độ đại học trở lên tại các kỳ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia.

Để chuẩn hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp cần có sự quan tâm của các cấp, ngành và huy động nhiều nguồn lực tham gia, ngoài nguồn lực từ Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động, còn phải huy động thêm các nguồn lực khác từ ngân sách địa phương, nguồn kinh phí của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và nguồn lực xã hội hóa.

Vẫn còn một số vướng mắc về "chuẩn kỹ năng đối với nhà giáo giáo dục nghề nghiệp"

Tìm giải pháp tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến quyền lợi của những nhà giáo giáo dục nghề nghiệp - Ảnh 4.

PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Đào tạo nêu ý kiến tại hội nghị.

Tại Hội nghị, PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), cho biết, hiện Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có 19 cơ sở đào tạo tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp thuộc 2 lĩnh vực: Văn hóa nghệ thuật và Du lịch.

Các cơ sở đào tạo tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp triển khai thực hiện hơn 90 chương trình đào tạo cao đẳng và trung cấp. Trong đó, khối Văn hóa nghệ thuật triển khai đào tạo 51 ngành/nghề, khối Du lịch đào tạo 42 ngành/nghề.

Nhưng hiện chuẩn kỹ năng đối với nhà giáo giáo dục nghề nghiệp lĩnh vực văn hóa nghệ thuật chưa được xây dựng. Cũng giống như hầu hết các ngành/lĩnh vực đào tạo khác, các giáo viên, giảng viên chưa được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng cấp chứng chỉ kỹ năng nghề theo quy định.

Để đảm bảo chất lượng hoạt động đào tạo, các yếu tố cơ sở vật chất kỹ thuật, đội ngũ nhà giáo, chương trình, giáo trình và hệ thống học liệu là 3 nội dung quan trọng cần được quan hoàn thiện một cách đồng bộ, cùng với cơ chế chính sách phù hợp, nhận thức của xã hội và ý thức học tập của người học là những yếu tố tác động sẽ thúc đẩy việc nâng cao chất lượng giáo dục nói chung, trong đó có giáo dục nghề nghiệp.

Nhằm tăng cường công tác chuẩn hóa kỹ năng nghề cho đội ngũ nhà giáo, ông Lê Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Yên Bái đề xuất, kiến nghị: Cần quy hoạch lại hệ thống các cơ sở đào tạo giáo viên giáo dục nghề nghiệp mang tính chuyên ngành, chuyên sâu, đổi mới về chương trình đào tạo, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất để các cơ sở đào tạo giáo viên, các trung tâm đánh giá kỹ năng nghề phải đi trước một bước về công nghệ, chương trình và trình độ của đội ngũ giảng viên.

Đánh giá, phân loại đội ngũ giáo viên giáo dục nghề nghiệp, thực hiện bố trí, sắp xếp, sử dụng hợp lý đội ngũ giáo viên giáo dục nghề nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và năng lực của cán bộ, giáo viên, có cơ chế thay thế khi không đáp ứng yêu cầu. Đồng thời có cơ chế gắn đào tạo, bồi dưỡng với quy hoạch phát triển của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; xây dựng được các tiêu chuẩn kỹ năng nghề nghiệp riêng cho giáo viên giáo dục nghề nghiệp. Các tiêu chuẩn kỹ năng nghề này cần được nghiên cứu xây dựng dựa trên chức năng nhiệm vụ của giáo viên giáo dục nghề nghiệp; có cơ chế cụ thể để doanh nghiệp có trách nhiệm trong việc hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc chuyển giao các kỹ thuật công nghệ mới cũng như thường xuyên trao đổi về chuyên môn; tăng cường hợp tác quốc tế có chính sách thu hút sự hỗ trợ từ các chuyên gia quốc tế trong việc đào tạo giáo viên giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam.

Tìm giải pháp tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến quyền lợi của những nhà giáo giáo dục nghề nghiệp - Ảnh 5.

Đa số các đại biểu đồng quan điểm, cần phải tạo điều kiện cho nhà giáo tham gia Hội giảng, Hội thi thiết bị đào tạo tự làm các cấp theo quy định. Cần có cơ chế động viên, khuyến khích, tạo điều kiện cho đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tiếp cận thực tế nhiều hơn.

Cần liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo nghề và có cơ chế động viên nhà giáo giáo dục nghề nghiệp

Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình, đề nghị Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nên tạo điều kiện cho nhà trường liên kết với các doanh nghiệp trong việc đào tạo. Hiện nhiều trường còn gặp khó khăn trong việc liên kết với các doanh nghiệp vì vướng các chính sách quy định không cần thiết.

Tiêu chuẩn kỹ năng nghề của doanh nghiệp cao gấp nhiều lần so với tiêu chuẩn kỹ năng nghề của chúng ta đào tạo. Doanh nghiệp cần người lao động phải biết làm ra sản phẩm chất lượng cao, hình thức đẹp được khách hàng công nhận. Còn tiêu chuẩn đào tạo ở các trường mới chỉ cần học viên biết làm ra sản phẩm, vì vậy khi học viên ra trường đến làm việc ở các doanh nghiệp buộc phải được đào tạo lại.

Vì vậy việc các cơ sở đào tạo tiêu chuẩn liên kết được với doanh nghiệp thì chất lượng đào tạo sẽ được nâng lên, đào tạo thiết thực với nhu cầu của xã hội, bên cạnh đó còn có môi trường, cơ sở vật chất hiện đại từ doanh nghiệp hỗ trợ.

Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Long An bày tỏ quan điểm: "Hiện ở Long An, rất nhiều giáo viên có tay nghề cao nghỉ việc để làm việc tại doanh nghiệp. Để có giáo viên bổ sung cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nên đã tuyển các giáo viên mới chưa có kinh nghiệm, kỹ năng nghề chưa đạt. Việc dạy nghề lao động cho doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng gặp nhiều khó khăn vì nhiều ngành nghề doanh nghiệp cần nhưng nhà trường không có giáo viên để mở lớp dạy theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Tôi đề nghị nên hạ bớt chuẩn với một số nghề đào tạo sơ cấp và có cơ chế mới để các giáo viên từ doanh nghiệp về trường đào tạo, từ đó tạo ra nguồn lao động đáp ứng nhu cầu của xã hội".

Đồng quan điểm với đại biểu đến từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Long An, đại diện Bộ Y tế trình bày, không chỉ các lĩnh vực khác mà riêng về lĩnh vực đào tạo ngành Y tế, việc giáo viên nghỉ việc để đến làm ở các doanh nghiệp cũng rất nhiều bởi cơ chế của các doanh nghiệp ưu đãi hơn với cơ chế của giáo viên. Để giữ chân những giáo viên giỏi ở lại cơ sở đào tạo, thiết nghĩ nên có cơ chế mới có nhiều ưu đãi.

Cũng băn khoăn về vấn đề này, ông Lê Anh Đức, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Đồng Nai trình bày, ở địa phương, công tác giáo dục nghề nghiệp còn gặp một số khó khăn về tuyển dụng giáo viên, cơ sở đánh giá kỹ năng nghề còn ít.

Theo ông Đức, Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp cần huy động các giáo viên ở các cơ sở đào tạo tham gia khóa đánh giá năng lực của mình. Riêng đội ngũ giáo viên chuyên nghiệp (trên 5 năm) cần có cơ chế ưu đãi để giữ chân các thầy, cô.

Theo các đại biểu, để có được năng lực thực hành nghề thành thạo, luôn bắt nhịp được với nhu cầu, yêu cầu của doanh nghiệp cũng như của thời đại, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp cần phải được cử thường xuyên tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề đạt chuẩn quốc gia, khu vực và quốc tế, nâng cao bậc kỹ năng nghề; cần có cơ chế động viên, khuyến khích, tạo điều kiện cho đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tiếp cận thực tế nhiều hơn; cần được tham gia kiểm tra, đánh giá để được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề theo quy định; dược cử đến các doanh nghiệp để tiếp cận với thiết bị mới, định kỳ tham gia lao động, sản xuất trực tiếp như công nhân tại doanh nghiệp theo kế hoạch hợp tác với doanh nghiệp trong giáo dục nghề nghiệp; cần được trao đổi, thảo luận với chuyên gia, lao động có tay nghề cao về phương pháp nâng cao kỹ năng nghề; cần phải tạo điều kiện cho nhà giáo tham gia Hội giảng, Hội thi thiết bị đào tạo tự làm các cấp theo quy định.

XUÂN TRƯỜNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh