Cần có chế tài xử lý đối tượng tái nghiện nhiều lần
- Pháp luật
- 16:54 - 05/07/2016
Người nghiện không có nơi cư trú ổn định
Là một địa bàn thuộc trung tâm thành phố, phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng được biết đến là một địa phương luôn phải đối mặt với nhiều phức tạp về an ninh trật tự và các tệ nạn xã hội.
“Phần đông dân số của phường là nhân dân lao động, buôn bán nhỏ lẻ. Công tác quản lý nhân hộ khẩu, quản lý con người trong hoạt động kinh doanh các dịch vụ như cho thuê nhà trọ diễn ra hết sức phức tạp. Trong khi đó, hiện nay tình trạng vi phạm pháp luật trong lứa tuổi thanh thiếu niên vẫn tiếp tục gia tăng. Đây chính là điều kiện thuận lợi để các loại tệ nạn xã hội ẩn nấp hoạt động với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, nhất là hoạt động về ma túy” ông Phan Văn Hưng, Công an phường Hòa Thuận Đông cho biết.
Theo Ban chỉ đạo phòng, chống tệ nạn ma túy- mại dâm, phường Hòa Thuận Đông hiện đang có 7 đối tượng cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm GD-DN 05 - 06; 1 người cai nghiện tại gia đình - cộng đồng và 6 người đang tham gia điều trị cai nghiện bằng Methadone.
Công tác quản lý người nghiện tại phường Hòa Thuận Đông có sự vào cuộc của cả hệ thống chính quyền địa phương và các tổ chức, đoàn thể.
Tuy nhiên, cũng theo địa phương này, trong 7 đối tượng đang cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm GD -DN 05-06 thì có đến 5 đối tượng không có nơi cư trú ổn định, 1 đối tượng ở ngoài thành phố và chỉ có 1 đối tượng là người địa phương. Tình trạng người nghiện không có nơi cư trú ổn định đang đặt ra cho những người làm công tác quản lý người nghiện sau cai tại các địa phương những thách thức không hề nhỏ, và chính điều này vô hình chung càng khiến cho tình trạng tái nghiện ở đối tượng sau cai trở nên khó kiểm soát.
Công tác quản lý tại địa phương: Không dễ
Nắm rõ từng tên, tuổi, địa chỉ của người nghiện, thậm chí cả hoàn cảnh tái nghiện của những người nghiện sau cai để từng bước giúp họ vượt qua khó khăn, hòa nhập cộng đồng, tuy nhiên theo ông Trịnh Ngọc Phúc, cán bộ phụ trách văn hóa xã hội kiêm tệ nạn xã hội phường Hòa Thuận Đông, công tác quản lý người nghiện nói chung, quản lý sau cai nói riêng tại địa phương vẫn hết sức khó khăn.
Trong đó, nguyên nhân được đưa ra đó là chưa tìm được tiếng nói chung giữa chính quyền địa phương với gia đình đối tượng trong quá trình giúp đỡ, cảm hóa người nghiện, không ít gia đình còn cho rằng đó là sự phiền phức và ngăn cản sự tiếp cận của chính quyền địa phương.
Mặt khác, việc tiếp cận người nghiện, người sau cai nghiện để cảm hóa, giúp đỡ, giáo dục hướng thiện còn gặp khó khăn từ chính bản thân các đối tượng. Đa phần họ có thái độ mặc cảm, xa cách nên luôn tìm cách lẩn tránh. Đây cũng chính là lý do khiến công tác cai nghiện và quản lý sau cai trở nên khó khăn hơn.
Ông Mai Phước Thành, Chủ tịch UBND phường Hòa Thuận Đông cho rằng: “Không thể phủ nhận hiệu quả từ việc huy động cả hệ thống chính quyền địa phương cùng các tổ chức, đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh… cùng chung tay giúp đỡ, cảm hóa người nghiện sau cai sớm hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, thực tế tình hình tệ nạn ma túy tại địa phương vẫn diễn ra hết sức phức tạp, có chiều hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa. Việc cần bổ sung thêm chế tài hoặc quy định xử lý các trường hợp quản lý sau cai tái nghiện nhiều lần là cần thiết lúc này nhằm răn đe các đối tượng khác.
Theo Chi Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP Đà Nẵng, hiện số người nghiện đang cai nghiện trên địa bàn thành phố là 890 người ( 404 người tự nguyện). Trong đó, cai nghiện tại Trung tâm là 518 người ( 32 người tự nguyện); 41 người cai nghiện tại gia đình - cộng đồng; điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone là 331 người và có 50 người nghiện không có nơi cư trú ổn định đang được quản lý tại ở Cơ sở xã hội để chờ quyết định của Tòa án.