THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:19

Cần bổ sung cơ chế chính sách liên quan đến vấn đề việc làm cho người khuyết tật

Người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn trong việc học nghề, việc làm

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam cho biết, ở Việt Nam, cộng đồng NKT chiếm tỷ lệ cao trong dân số. 

Ông Nguyễn Văn Hồi phát biểu tại hội thảo

 

"Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều cơ chế, chính sách quan tâm tạo công ăn việc làm cho NKT. Điều này đã được quy định ngay trong Pháp lệnh Người tàn tật năm 1994, năm 2010, Việt Nam đã ban hành Luật NKT, trong đó đề cập đến nhiều nội dung như: các cơ chế chính sách đối với NKT, hỗ trợ NKT có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận học nghề, tìm việc làm, học văn hóa, phục hồi chức năng, quy định chế độ trợ cấp cho những NKT sống trong các gia đình có hoàn cảnh khó khăn", ông Hồi thông tin. 
Bên cạnh đó, các cơ chế chính sách liên quan đến NKT còn được quy định cụ thể trong một số văn bản luật liên quan như: Luật Giáo dục, Luật Dạy nghề, Bộ luật Lao động và một loạt chương trình, đề án có liên quan đến trợ giúp NKT như Đề án 1019, các chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo ông Nguyễn Văn Hồi, việc dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật đã được nhà nước Việt Nam quan tâm và chỉ đạo tổ chức thực hiện. 

“Bộ luật Lao động năm 2012 đã dành một mục riêng với 3 điều quy định lao động là người khuyết tật. Luật NKT ban hành năm 2010 đã dành riêng 1 chương với 4 điều quy định dạy nghề và việc làm. Luật Việc làm ban hành năm 2013 cũng đã quy định chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động là người khuyết tật...” – ông Nguyễn Văn Hồi nói. 

Tuy vậy, NKT còn gặp nhiều khó khăn trong việc học nghề, việc làm như: thu nhập thấp hơn so với lao động bình thường, một bộ phận NKT chưa được đến trường, được học nghề...

Trên cơ sở Công ước của Liên hợp quốc đã được Quốc hội phê chuẩn, Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát cơ chế chính sách đảm bảo mục tiêu tạo nhiều cơ hội cho NKT tìm kiếm việc làm trong thị trường lao động, tạo sự công bằng trong xã hội.

Cụ thể: Việt Nam cần phát triển mạng lưới tổ chức dịch vụ việc làm (giới thiệu việc làm, hướng nghiệp, học nghề, giáo dục hòa nhập cho NKT); tăng định mức hỗ trợ cho các cơ sở dạy nghề cho NKT để thu hút NKT vào học nghề; đối với nhóm NKT không tiếp cận được với trường lớp cần có chương trình đào tạo phù hợp,  mô hình sinh kế phù hợp tại gia đình, cộng đồng; tạo cơ cơ chế chính sách thông thoáng về vốn để NKT và gia đình có thể dễ dàng tiếp cận phát triển kinh tế; các cơ sở y tế liên quan đến chỉnh hình, phục hồi chức năng cần trang bị kỹ thuật, đội ngũ nhân lực thực hiện tốt hoạt động phục hồi chức năng cho NKT...

Chính vì vậy, ông Nguyễn Văn Hồi khẳng định việc học hỏi kinh nghiệm của các nước để đưa ra những giải pháp, chính sách phù hợp với người khuyết tật là rất cần thiết.

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm


Thông tin rõ hơn về công tác dạy nghề cho người khuyết tật, bà Đinh Thị Thụy – Phó Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam cho biết, cả nước hiện nay có 256 cơ sở dạy nghề đóng trên địa bàn 56 tỉnh, thành phố tham gia dạy nghề trực tiếp cho người khuyết tật.

Theo thống kê, trong 5 năm 2010-2014, có khoảng 120 nghìn người khuyết tật được hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm thông qua các chương trình hỗ trợ đào tạo nghề, cho vay vốn quỹ quốc gia về việc làm và giới thiệu việc làm. Tuy vậy, so với mục tiêu đề ra trong quyết định 1019/QĐ-TTg, giai đoạn 2012-2015 bình quân mỗi năm cần tổ chức dạy nghề và tạo việc làm cho khoảng trên 60 nghìn người khuyết tật thì kết quả trên còn thấp hơn nhiều.

Theo đánh giá, công tác dạy nghề tạo việc làm đối với người khuyết tật thời gian qua bộc lộ một số bất cập. Đó là, có nhiều tổ chức, lực lượng tham gia dạy nghề tạo việc làm cho người khuyết tật trên cùng một địa bàn địa phương và các tỉnh, thành phố nhưng chưa có sự theo dõi, kiểm soát để thống kê tổng số người khuyết tật được dạy nghề trên từng địa bàn và phạm vi cả nước.   

Nhiều địa phương chưa có các chính sách riêng hỗ trợ giải quyết việc làm cho NKT

"Việc dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật mới được thực hiện lồng ghép với các chương trình, đề án khác, người khuyết tật phải học giống như người bình thường mà chưa có kế hoạch, chương trình, thời gian riêng nên số lượng người khuyết tật được hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm còn thấp", bà Thụy thông tin.

Đáng chú ý, bà Đinh Thị Thụy cho biết, qua thực tế cho thấy, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc chưa thực sự hiệu quả trong khi nhiều doanh nghiệp không muốn tuyển dụng người khuyết tật; nhiều địa phương còn khó khăn nên chưa có các chính sách riêng hỗ trợ giải quyết việc làm cho người khuyết tật. Hầu hết lao động là người khuyết tật đều làm những công việc giản đơn nên việc làm không ổn định, năng suất lao động thấp...

Ông Na Woon Hwan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phục hồi chức năng cho NKT Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm trong việc thực hiện chính sách tạo việc làm cho NKT


Chia sẻ về chính sách tạo việc làm đối với NKT tại Hàn Quốc, ông Na Woon Hwan, Phó Chủ tịch KSRPD cho biết, ở Hàn Quốc, quan điểm nhận thức về NKT còn nặng nề hơn ở Việt Nam, người dân rất khó chấp nhận gia đình có NKT. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lao động cơ bản của NKT, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành nhiều văn bản chính sách quy định về nghĩa vụ tuyển dụng lao động khuyết tật, chính sách cấm phân biệt trong tuyển dụng và chính sách bảo hộ lao động.
"Khi xây dựng chính sách cho người khuyết tật, Hàn Quốc đã nghiên cứu nhiều chính sách của các quốc gia khác như Mỹ, Anh, Nhật Bản...", ông Na Woon Hwan cho biết.
Cụ thể, về nghĩa vụ tuyển dụng lao động khuyết tật: Năm 1991, Hàn Quốc đã ban hành Luật Thúc đẩy việc làm và phục hồi chức năng lao động cho NKT. Trong đó quy định các cơ quan Nhà nước và tổ chức công phải tuyển dụng ít nhất 3% số NKT trên tổng số lao động vào làm việc. 
Thống kê năm 2015, trung bình các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước Hàn Quốc đang tuyển dụng 3,1% số NKT vào làm việc. Đối với các công ty tư nhân có trên 50 lao động bắt buộc phải tuyển dụng 2,7% số NKT vào làm việc, đến năm 2019 sẽ là 3,1% số NKT. Thống kê năm 2015, các doanh nghiệp khu vực này đã tuyển dụng 2,53% số NKT.
Cũng theo một số chuyên gia Hàn Quốc, NKT có quyền lao động như nhau, là một người lao động trong độ tuổi lao động họ có quyền có việc làm. Do vậy, Nhà nước có trách nhiệm tạo cho người đó thực hiện quyền của mình. Hàn Quốc có chính sách cơ bản là không phân biệt giữa NKT và người không khuyết tật...
Để thực hiện được hoạt động này, Hàn Quốc đã đề ra nhiều biện pháp mang tính thực tế như: thành lập Tổng cục Tuyển dụng người tàn tật và 18 chi nhánh khác ở các địa phương có chức năng, nhiệm vụ như tư vấn nghề nghiệp, đào tạo thích nghi với nghề nghiệp, đào tạo phát triển năng lực nghề nghiệp, phát triển và bố trí chức vụ, tuyển dụng hỗ trợ, tuyển dụng bảo hộ, hướng dẫn người tàn tật kinh doanh...
Ngoài ra, đối với những cơ quan, đơn vị không tuyển đủ số lượng NKT vào làm việc sẽ bị phạt với mức phạt tương đương 60% mức lương của một người nhân với số lượng NKT tuyển thiếu. Và các đơn vị này sẽ phải nộp phạt hàng tháng cho tới khi tuyển dụng đủ NKT theo quy định và sẽ bị công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Với biện pháp này, tính đến ngày 31/12/2015, tại Hàn Quốc đã có gần 200.000 NKT có việc làm, trong đó có 30.000 NKT làm việc trong các cơ quan Nhà nước, số còn lại làm việc ở khu vực tư nhân.

Ngoài ra, các đại biểu cũng được nghe những chia sẻ về mô hình doanh nghiệp hỗ trợ nhóm dân số dễ bị tổn thương; thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số người khuyết tật Việt Nam thực hiện tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Văn Hồi khẳng định, những kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội nghị sẽ được tiếp thu nghiên cứu, qua đó chỉnh sửa lại hệ thống chính sách của các địa phương, bộ, ngành để tạo việc làm tốt hơn cho người khuyết tật.

 

Ở Việt Nam hiện nay có khoảng 7 triệu người khuyết tật từ 5 tuổi trở lên, chiếm khoảng 7,8% tổng dân số.

Trong đó, số người khuyết tật còn trong độ tuổi lao động là 61%, trong đó có 40% còn khả năng lao động, nhưng trong số này chỉ có 30% đang tham gia lao động tạo thu nhập cho bản thân và gia đình và chủ yếu làm các nghề nông – lâm – ngư nghiệp, có thu nhập rất thấp so với các công việc khác.

Trình độ học vấn của người khuyết tật thấp, hơn 41% số người khuyết tật từ 6 tuổi trở lên không biết chữ và số có trình độ tốt nghiệp phổ thông cơ sở trở lên chỉ chiếm 19,5%.

Hiện Việt Nam đang có hàng trăm cơ sở bảo trợ xã hội đang thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho NKT; trợ cấp hàng tháng cho hàng triệu NKT và cấp thẻ BHYT theo quy định. Đặc biệt, trong điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, Việt Nam đã có một loạt cơ chế hỗ trợ NKT tìm việc làm như: Miễn giảm thuế, tiền thuê đất cho những doanh nghiệp nhận nhiều NKT vào làm việc...

 

NGUYỄN THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh