THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:56

Cách phòng, tránh những tổn thương do bom, mìn, vật nổ gây ra

 

Những đầu đạn được tìm thấy tại Quảng Trị.

 

Nhận diện các loại bom

Những loại bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh gây tai nạn cho con người là đạn M79, bom bi hình cầu và các loại mìn chống bộ binh, đầu đạn pháo cối… Số liệu cho thấy, tỷ lệ nạn nhân bom mìn là thanh thiếu niên do chơi đùa với bom mìn chiếm gần 30%. Tại Quảng Trị, trong 7.000 nạn nhân bom mìn, thì có tới 1.742 em học sinh (chiếm 31,57%), nguyên nhân chính là do các em thiếu hiểu biết về sự nguy hiểm của bom mìn.

Đạn M79 có nhiều loại, hình dáng và cấu tạo khá giống nhau. Đầu đạn có đường kính 4cm, cả viên đạn có ống phóng dài 10cm, khi không còn ống phóng dài 5,5cm. Đạn M79 nổ thường tạo ra các mảnh vụn dày đặc, bắn tung tóe trong bán kính 10m gây thương vong cho người và gia súc. Loại đạn này hiện tại tồn sót ở các dạng: Còn nguyên cả đầu đạn, ống phóng hoặc chỉ còn đầu đạn hình trụ côn vê hai đầu, có màu vàng hoặc sáng bạc óng ánh, bắt mắt dễ khiến trẻ em tò mò chơi nghịch, rất nguy hiểm.

Bom bi hình cầu có hình dáng giống quả ổi. Đường kính bom bi 6,4cm, vỏ dày 7mm có chứa 300 đến 360 viên bi thép đường kính 5mm. Bom mới có màu xám, bề mặt chi chít những viên bi bé, bóng màu thép trơn nhẵn. Đây là loại bom chùm có mức độ sát thương cao đối với con người. Bom bi gây sát thương bằng bi thép, bán kính sát thương dày đặc khoảng 10m, nên trong phạm vi 20m khó tránh khỏi thương vong. Bom bi hình cầu nằm trong quả bom mẹ. Khi máy bay thả xuống, bom mẹ rơi đến độ cao nhất định thì tách thành hai nửa để những quả bom bi bên trong văng ra rơi xuống, phát nổ. Nguyên nhân khiến những quả bom bi chưa nổ là do ngòi nổ của bom bi mẹ bị hỏng, rơi xuống đất vỡ tung, bom bi văng ra hoặc do máy bay thả ở độ cao thấp nên bom bi rơi chưa đủ lực ly tâm để ngòi nổ bom hoạt động…

Nhận dạng các dấu hiệu nguy hiểm:

Nếu phát hiện địa điểm có bom mìn còn sót lại, bà con có thể đánh dấu bằng những biển báo bom mìn mà không để lại hậu quả cho người khác.

Biển báo bằng vật liệu tốt như tấm nhựa, kim loại có hình báo nguy hiểm. Nếu bà con thấy bất kỳ dấu hiệu nào và nghĩ rằng khu vực đó có bom mìn thì nên quay lại nơi vừa đi và tìm đường đi khác an toàn hơn.

 Thường các khu vực nguy hiểm nhìn không khác nhiều với các khu vực an toàn. Một số dấu hiệu để khẳng định vùng có bom mìn là: Xác thú vật bị chết hay bị thương; một phần của quả bom mìn lộ thiên như kíp nổ lòi lên mặt đất hay nằm trên mặt đất, hộp đựng mìn hay giấy bọc mìn vứt bên đường.

Các dấu hiệu khác bà con có thể lưu ý: Sự thay đổi bất thường của cây cỏ, cụm đất nhô lên, hay đám đất bị xáo trộn; dấu hiệu chiến tranh, như hố bom, mảnh đạn hay thùng đạn.

Trẻ em là đối tượng hiếu động, tò mò nên tại các trường học và khu dân cư có thể triển khai một số kỹ năng phòng tránh bom mìn cho trẻ em như sau: Không xem người lớn cưa đục bom mìn; Khi thấy bom mìn, hãy tránh xa và báo cho người lớn hoặc cơ quan chức năng;  Không chăn trâu, cắt cỏ, kiếm củi đốt lửa trong khu vực có biển báo nguy hiểm; Không tắm trong hố bom cũ; Không nhặt, đập, ném vào vật nghi ngờ là bom mìn; Trường hợp nhìn thấy bom mìn, quay lại dấu chân cũ rồi báo cho cơ quan chức năng, và người lớn đến xử lý.

 

Bom bi

* Những điều cần chú ý khi sơ cứu người bị thương:

Nếu thấy vết thương lớn, máu phun thành tia, có màu đỏ tươi thì phải buộc ga rô để cầm máu.

 Khi buộc ga rô phải thực hiện các thao tác như sau:  Buộc ga rô ở phía trên vết thương, cách vết thương 3 - 4cm;  Dùng băng to bản quấn vòng quanh nơi đặt ga rô;  Dùng băng thun hoặc dây vải quấn chặt 3 vòng đến vòng thứ 4 thì nút dây; Dùng một que đũa luồn qua các vòng dây vừa thắt nút và quay que  đũa xoắn lại; Buộc cố định que đũa, sau đó băng vết thương cẩn thận bằng vải sạch và chuyển ngay nạn nhân đến bệnh viện; Trong khi vận chuyển, cứ sau 30 phút nới ga rô một lần từ 1-2 phút cho máu lưu thông đến phần dưới của vết thương, vì nếu để lâu thì phần đặt ga rô trở xuống của cơ thể sẽ bị hoại tử và có thể phải cắt bỏ.

Cách sơ cứu người bị sốc, bị choáng do bom, mìn: 

Biểu hiện của người bị choáng, bị sốc trong tai nạn bom, mìn là: Da tái nhợt hoặc xám; Da lạnh ướt và nhiều mồ hôi; Tim đập nhanh; Thở gấp và nông; Không minh mẫn.

 Việc cần làm là: Đặt nạn nhân xuống nơi bằng phẳng, thoáng mát; Lật đầu nạn nhân sang một bên; Nâng chân nạn nhân lên cao hơn thân mình; Kiểm tra đường thở và mạch đập của nạn nhân; Nới rộng quần áo; Gọi người đến cứu giúp và đưa ngay người bị nạn tới bệnh viện.  

PHƯƠNG ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh