THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:02

Nỗ lực dọn sạch bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh

 

Toàn cảnh buổi toạ đàm

 

Chủ trì buổi toạ đàm có Phó Chánh Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH Lưu Hồng Sơn; Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc – Phó Tổng giám đốc VNMAC – Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh; Trung tướng Phạm Ngọc Hóa – Phó Chủ tịch thường trực Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam.

Việt Nam là một trong những quốc gia bị ô nhiễm bom mìn lớn và chịu hậu quả nặng nề nhất trên thế giới. Ước tính, số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh khoảng 800 nghìn tấn, tổng diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm khoảng 6,13 triệu ha chiếm 18,82% tổng diện tích của cả nước. Số bom mìn, vật liệu chưa nổ hiện còn nằm rải rác tại 63/63 tỉnh, thành phố, trong đó, tập trung nhiều nhất ở các tỉnh miền Trung. Từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót phát nổ đã làm hơn 40 nghìn người chết, 60 nghìn người bị thương, trong đó phần lớn là lao động chính trong gia đìnhtrẻ em. Một số tỉnh miền Trung, gồm: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định đã có trên 22.800 nạn nhân do bom mìn, trong đó, 10.540 người chết, 12.260 người bị thương.

Theo thống kê của Bộ Tư lệnh Công binh, riêng số bom, đạn quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam khoảng hơn 15,3 triệu tấn (trong đó có hơn 7,8 triệu tấn thả từ máy bay và 7,5 triệu tấn sử dụng trên mặt đất), tỷ lệ bom đạn chưa nổ chiếm khoảng 5% số lượng bom đạn đã sử dụng (các tài liệu nước ngoài là 10%). Tất cả các loại bom mìn, vật nổ còn sót lại đều rất nguy hiểm, có thể gây nổ khi tác động phải trong quá trình lao động sản xuất, sinh hoạt hoặc có thể tự nổ do những nguyên nhân về cơ học, lý học hay hóa học. 

 

Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc – Phó Tổng giám đốc VNMAC – Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh phát biểu.


Ngay sau khi kết thúc chiến tranh, Đảng và Nhà nước đã xác định việc khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh là nhiệm vụ cấp bách và cũng là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài. Đặc biệt, công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, phần nào đáp ứng được nhu cầu của nhóm đối tượng, tạo điều kiện để nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng.

 Theo Bộ LĐ-TBXH, giai đoạn 2010 – 2015, Chương trình 504 đã tiến hành điều tra, khảo sát, lập bản đồ ô nhiễm bom mìn, vật nổ trên phạm vi toàn quốc; thiết lập Trung tâm quản lý dữ liệu để tổng hợp quản lý dữ liệu về nạn nhân bom mìn, tình trạng ô nhiễm và hướng khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Giai đoạn 2016 – 2025, Chính phủ đặt ra mục tiêu rà phá, làm sạch khoảng 800 nghìn ha đất bị ô nhiễm bom mìn; huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế thực hiện Chương trình; thực hiện tái định cư cho người dân vùng bị ô nhiễm bom mìn nặng; đưa các dự án khắc phục hậu quả bom mìn vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương....

Chia sẻ về công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) Tô Đức cho biết: nạn nhân bom mìn được xác định là nhóm người khuyết tật bị tai nạn do bom mìn. Vì vậy, các chính sách đối với nạn nhân bom mìn được lồng ghép trong các chính sách đối với người khuyết tật. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm đến việc triển khai cơ chế chính sách cho nạn nhân bom mìn, điển hình như: Luật người khuyết tật; Nghị định số136/2013/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; Quyết định 1019/QĐ-TTg phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020… Theo đó, nạn nhân bom mìn là đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội, hỗ trợ mai táng phí, hỗ trợ phục hồi chức năng… Những trường hợp không được nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng, gia đình, sẽ được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội. 

 

Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Tô Đức phát biểu tại toạ đàm

Bộ LĐ-TBXH đã có quy định cụ thể, hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai trợ giúp, tổ chức dạy nghề gắn với tạo việc làm, xây dựng mô hình sinh kế cho nạn nhân bom mìn; chú trọng phát triển các cơ sở cung cấp dịch vụ, trong đó, có mạng lưới xã hội để cung cấp trị liệu, chuyển tuyến dịch vụ, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho các đối tượng; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thúc đẩy các mô hình giáo dục chuyên biệt cho nạn nhân bom mìn. Theo thống kê, cả nước hiện có 40 trung tâm công tác xã hội và 400 cơ sở bảo trợ xã hội phục hồi chức năng trong và ngoài công lập. 

Chỉ ra những khó khăn, hạn chế trong việc trợ giúp nạn nhân bom mình, ông Tô Đức cho rằng, thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện tốt các chính sách đối với nạn nhân bom mìn, người khuyết tật nặng; phát triển các dịch vụ hỗ trợ và trung tâm công tác xã hội, trong đó có số điện thoại hotline để nạn nhân bom mìn được kết nối khi cần thiết và được hỗ trợ kịp thời. Đồng thời, Nhà nước cần tiếp tục phát triển hệ thống bệnh viện, trung tâm phục hồi chức năng; hỗ trợ các địa phương xây dựng các mô hình sinh kế, học nghề, tạo việc làm… 

 Trả lời câu hỏi bao giờ khắc phục xong hậu quả bom mìn do chiến tranh để lại tại Việt Nam, Đại tá Lê Xuân Cát, Phó Chính ủy Binh chủng Công binh cho rằng, đối với nhiều quốc gia trên thế giới nguồn lực để khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh chủ yếu là từ các nguồn viện trợ của các tổ chức quốc tế, phần còn lại là từ chính phủ, tuy nhiên về vấn đề này thì ở Việt Nam lại ngược lại. Nguồn lực để thực hiện khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh chủ yếu từ ngân sách Nhà nước do vậy vấn đề này hiện rất khó khăn. Bên cạnh đó nhận thức của các cấp, các ngành vẫn chưa đầy đủ.... Do đó chưa thể khẳng định mốc thời gian cụ thể, có thể kéo dài hàng trăm trăm.

 

Theo kế hoạch, Lễ kỷ niệm ngày Thế giới phòng chống bom mìn do Trung ương Đoàn phối hợp với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam tổ chức sẽ diễn ra sáng 04-4. Ngoài ra, chương trình giao lưu “Hành trình vì ngày mai tươi sáng” do Hội hỗ trợ nạn nhân bom mìn Việt Nam tổ chức sẽ diễn ra tối 04-4, tại Hà Nội

NGUYỄN SÍU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh