THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:24

Chia sẻ chuyện nghề của những giảng viên trường nghề

 

70% thời gian thực hành, 30% thời gian lý thuyết

Đến Trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội trong những ngày nắng thu vàng rực, điều khiến tôi ấn tượng ngay từ đầu, đó là niềm vui vẫn đang tràn ngập khắp các giảng đường đến sân trường vì kỳ thi tay nghề thế giới vừa qua, nhà trường vinh dự có 2 sinh viên (SV) đạt chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc.

 

Hiệu trưởng trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội Đồng Văn Ngọc. 

Thầy Hiệu trưởng Đồng Văn Ngọc tiếp chúng tôi ngay chính trong căn phòng áp dụng công nghiệp 4.0, được thiết kế bằng hệ thống điều khiển tự động hóa thông minh trong văn phòng, giúp cho hiệu trưởng có thể kiểm soát được chế độ làm việc, tiếp khách, điều khiển ánh sáng, điều hòa nhiệt độ và các tính năng tương tác trong văn phòng. Văn phòng được làm theo tiêu chuẩn KNX châu Âu.

Không giấu được niềm vui, đưa tay chỉ khắp căn phòng, thầy Ngọc “khoe”: Hiện tại cách mạng công nghiệp 4.0 đã được nhà trường đưa vào để đào tạo, giảng dạy và áp dụng trong phòng làm việc. Đặc biệt, Trường cơ điện là một trong những trường đầu tiên trong cả nước có ít nhất 3 phòng đạt chuẩn 4.0".

Trên 20 năm gắn bó với ngôi trường, thầy đã trải qua nhiều giai đoạn, có tới 15 năm “bẻ phấn” cùng SV, sau đó với vai trò là quản lý. Bất kể ở lĩnh vực nào thầy cũng luôn đau đáu với sự nghiệp “trồng người” và hơn ai hết thầy hiểu rõ về sự vất vả của những GV dạy nghề.

Hiện Trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội có có 256 cán bộ đào tạo, trong đó 205 cán bộ là GV, hiện có 6 GV đang được đào tạo tại Úc theo dự án của Tổng cục dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH), Trường cũng vinh dự là một trong 145 Trường được đầu tư là trường chất lượng cao.

Trong căn phòng làm việc thông minh, thầy Ngọc tâm sự: “Điểm nhấn với trường Cơ điện là trường đang có những GV đạt năng lực huấn luyện cho SV của Việt Nam đi thi tay nghề quốc tế. Đó chính là hai thầy Nguyễn Quang Huy và Vũ Thanh Tuyến”. Và để minh chứng, thầy Ngọc cho hay, thực tế cho thấy, qua cuộc thi tay nghề thế giới, 5 chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc mà các nước đạt được thì nghề nào cũng đều có bóng dáng của người nước ngoài, còn 2 chứng chỉ do trường đóng góp hoàn toàn do hai GV của trường huấn luyện mà đạt được. Nhưng để có được một kết quả như vậy nhà trường phải mất tới 3 năm để đào tạo, đó là cả một chặng đường vô cùng gian khổ của SV, đồng thời là một quá trình chuẩn bị công phu, tỉ mỉ và chi tiết của nhà trường, đặc biệt là GV trực tiếp hướng dẫn cho SV.

Kể về những GV gánh vác công việc “đưa đò” trong nhà trường, thầy Ngọc cho rằng, nếu không có GV chất lượng cao thì không bao giờ có nhà trường chất lượng cao. Cũng như nếu không có người thầy giỏi thì sẽ không có SV giỏi và đẳng cấp. Bởi vậy, trong một nhà trường người thầy là quan trọng nhất. Đặc biệt, đối với GV dạy ở các trường cao đẳng và hướng nghề nghiệp bắt buộc phải nói được tiếng Anh một số chuyên ngành.

Chia sẻ thêm về nghề, thầy Ngọc cho biết: "GV được tuyển dụng vào trường phải mất từ 3 đến 5 năm mới tự đứng lớp được, còn trước đó chỉ là trợ giảng và dạy các môn đơn giản. Vì cái khó của họ ở đây là nói phải đi đôi với làm, không thể nói một đằng làm một nẻo hoặc nói cho qua. Ví như mở một động cơ của ôtô, GV không thể mô phỏng bằng video, clip mà chính GV phải xắn tay vào làm và gỡ cho SV làm chỉnh chu để làm sao phải đạt được kỹ năng theo yêu cầu. Đó chính là lý do tại sao chương trình đào tạo nghề chiếm 70% thời gian thực hành và 30% thời gian là lý thuyết".

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công mà nhà trường và GV đạt được trong thời gian qua, vẫn còn nhiều điều thầy hiệu trưởng trăn trở, đó là theo qui chế nên thu nhập của GV dạy nghề rất thấp, trong khi chính họ là những cánh tay nối dài thêm sợi dây giữa nhà trường với doanh nghiệp để tìm đầu ra cho SV tốt nghiệp có việc làm, thu nhập ổn định. Ngoài ra, họ còn phải được đào tạo về chuyên môn để kịp thời cập nhật với nhịp phát triển của thế giới và doanh nghiệp.

Điều nữa cũng khiến thầy Ngọc luôn trăn trở là làm thế nào để SV  trường nghề Việt Nam được quốc tế công nhận để xuất khẩu nguồn lực sau đào tạo. “Chính phủ có cơ chế tiền lương đáp ứng được ít nhất nhu cầu cơ bản và nguyện vọng của nhà giáo liên quan giáo dục nghề nghiệp, để tránh tình trạng đến một lúc nào đó giáo viên trong hệ thống GDNN nghỉ hưu không rơi vào tình trạng như cô giáo mầm non vừa qua ở Hà Tĩnh”, thầy Ngọc kiến nghị.

 Trách nhiệm với nghề

Sau khi tốt nghiệp ĐH Bách Khoa Hà Nội, thầy Trần Quang Huy thấy lúc đó có rất nhiều thông tin về các trường nghề và nhận thấy Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội sẽ là ngôi trường hợp với mình. Năm 2000 thầy về trường công tác, hiện thầy là Trưởng phòng Khoa học Hợp tác quốc tế của trường. 

Giảng viên Nguyễn Quang Huy (ngoài cùng bên trái) tại Hội thi tay nghề thế giới 2017. 

Chia sẻ về khó khăn trong đào tạo nghề nhân dịp 20/11, thầy Huy tâm sự: Những năm gần đây lượng SV đăng ký học các trường nghề ngày càng nhiều vì cần nghề thực sự, chứ không phải học nghề để lấp chỗ trống, để… cho vui vì không đỗ đại học. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít SV và ngay cả phụ huynh cũng chỉ muốn con phải học ĐH.

Do đó khi vào trường, việc nỗ lực, quyết tâm học để đạt đến đỉnh cao vẫn còn thiếu. Vì vậy GV ngoài truyền đạt kỹ năng, kiến thức lại phải kiêm luôn là nhà tâm lý, giải thích cho SV về nghề nghiệp và tìm hiểu xem mong muốn của SV là gì. Do vậy, khi bắt đầu dạy một lớp SV mới, GV phải mất gần 2 giờ đầu nói chuyện để hiểu được SV và cái khó làm sao để SV hiểu được GV. Bên cạnh đó, GV phải tiếp tục tìm hiểu tâm lý, trao đổi với SV xem có tâm tư, nguyện vọng gì để tìm ra những kiến thức SV đang bị hổng cần được giải quyết để khi vào học SV thoải mái và chấp nhận được những gì GV truyền đạt, tránh tình trạng trên cứ nói nhưng dưới lại không nghe.

Đó chỉ là những tiếp cận ban đầu, sau đó là cả một quá trình học tập và tiếp cận, hướng dẫn SV, có những trường hợp SV cá biệt cần xử lý nhưng có trường hợp lại không thể xử lý và làm căng được, nhưng mục đích của GV làm sao để cho SV học, chứ k phải để SV ra khỏi môi trường giáo dục. Lúc đó GV lại phải lựa theo tâm lý của mỗi SV vì có rất nhiều SV có thói quen được gia đình nuông chiều từ nhỏ nên GV cũng phải tìm cách hoãn binh: “SV làm căng, GV làm mềm” rồi sau đó tìm phương án hợp lý đào tạo tiếp theo.

“Yêu cầu của GV trường nghề vì là đào tạo nghề cho đối tượng mà doanh nghiệp trực tiếp sử dụng nên khả năng của GV cũng như chương trình đào tạo của nhà trường phải luôn cập nhật công nghệ mới, tiêu chuẩn kỹ thuật mới. Các DN cũng mong muốn nhà trường đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được điều kiện mới hiện nay. Vì vậy, đòi hỏi đào tạo nghề phải có sự năng động, gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp, đồng thời mỗi GV không an phận mà phải luôn học hỏi, cập nhật thông tin để không bị lạc hậu với những thiết bị công nghệ mới, có như vậy mới đào tạo được SV ra trường đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, có việc làm tốt”, thầy Huy chia sẻ.

 Ngoại ngữ GV bị hạn chế

Cũng như những cử nhân khác, sau khi tốt nghiệp Trường Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên, nhận thấy nhu cầu của doanh nghiệp đang rất cần những lao động có tay nghề cao, khiến thầy Vũ Thanh Tuyến có thêm động lực quyết định về Trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội để cùng “chèo lái” với nhà trường đào tạo ra những thế hệ tương lai, có ích cho đất nước. 

Giảng viên Vũ Thanh Tuyến (bên trái) và thí sinh trong kỳ thi tay nghề thế giới, nghề lắp đặt điện, đạt chứng chỉ nghề xuất sắc. 

Công tác ở trường từ năm 2009 đến nay, thầy là GV khoa Điện. Ngoài công việc giảng dạy, năm 2014, thầy bắt đầu tham gia huấn luyện TS tham dự kỳ thi tay nghề các cấp quốc gia, ASEAN và thế giới cùng với đó là huấn luyện đội tuyển Robocon.

Khi hỏi về những khó khăn trong tuyển chọn, huấn luyện TS đi thi tay nghề thế giới, thầy Tuyến chia sẻ, ngay từ khâu đầu tiên tuyển chọn TS đã rất khó đối với giáo viên, phải có phương pháp lựa chọn làm sao để tìm ra những TS có năng khiếu, bản lĩnh, sự tư duy cao thì khi đào tạo TS mới đạt được những tiêu chuẩn đề ra. Khi tuyển chọn xong, giai đoạn đầu giáo viên phải làm sao để TS thấy yêu và tâm huyết với nghề, sau đó mới đi tìm hiểu sâu vào phần kỹ thuật. Thường thì thời gian đầu luyện tập, mặc dù nhà trường cũng đã có những đãi ngộ như, tạo điều kiện về chỗ ăn, phòng ở, nhưng TS vẫn hay chán nản vì vất vả, cơ sở vật chất lại thiếu thốn. Khi ấy giáo viên phải thường xuyên thúc đẩy, động viên tâm lý TS nỗ lực hơn để vượt qua những khó khăn. Dần dần, qua quá trình luyện tập cùng nhau đã giúp thầy trò hiểu nhau hơn và tập trung huấn luyện vào kỹ năng và chiến thuật thi đấu nhiều hơn.

“Mỗi một giai đoạn huấn luyện lại có một giáo án khác nhau, ví dụ để đạt được cấp độ thế giới đòi hỏi phải có kỹ năng tư duy cao hơn hẳn, chứ không đơn thuần chỉ làm việc chân tay. Tiến tới công nghệ 4.0, hiện nay thế giới đòi hỏi người lao động cần phải có tư duy để tự sáng tạo, thiết kế. Chính vì vậy mà lựa chọn TS đi thi không chỉ có sức khỏe về sức vóc mà đòi hỏi phải có sức khỏe về trí tuệ, khi ấy giáo viên cần phải có những bài test để kiểm tra mới có độ chính xác cao. Ngoài ra, trong quá trình luyện tập, bao giờ giáo viên cũng phải làm mẫu cho TS, sau đó giải thích cho TS làm, nhưng bản thân các TS khi nhìn giáo viên làm rồi nhưng làm lại vẫn bị sai không đúng ý, khi ấy giáo viên phải đặt điện thoại để ghi lại hình ảnh làm sai đó để chỉ cho TS thấy mình sai ở điểm nào. Đó là quá trình huấn luyện, còn đến khi đi thi đấu, thầy giáo luôn căng thẳng phải theo dõi sát sao để đưa ra các phương án, chiến thuật thi đấu như thế nào để giành được kết quả tốt nhất”, thầy Tuyến chia sẻ.

Trong kỳ thi tay nghề thế giới vừa qua, SV Chu Văn Tươi và Nguyễn Tất Toại của trường do thầy và thầy Huy huấn luyện đã đạt chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc. Vừa qua thầy Tuyến cũng được Bộ NN&PTNT tặng Bằng khen vì đã có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác năm học 2015 – 2016 và 2016 – 2017”.

Mặc dù bên cạnh những thành công nhất định đó, nhưng thầy Tuyến không khỏi chạnh lòng sau mỗi kỳ thi ASEAN và tay nghề thế giới, cảm nhận về đội ngũ GV của Việt Nam bị hạn chế, thiệt thòi về ngoại ngữ nhiều quá. Bởi vì ngoại ngữ rất quan trọng đối với mỗi GV, vì khi được giao tiếp, trao đổi công việc với chuyên gia các nước, khi ấy mới có được thông tin để đưa ra chiến thuật cho TS của mình.

“Do đặc thù của trường nghề, kỹ thuật thay đổi rất nhanh vì vậy GV cần phải được tham gia khóa học thiết bị mới do các hãng mới sản xuất để được cập nhật thông tin. Nhưng với mức thu nhập của GV hiện nay, 6 triệu đồng/tháng trong khi một khóa học “Tòa nhà thông minh theo chuẩn thế giới KNX” (5 ngày) phải mất 10 triệu đồng nên rất khó để tham gia các khóa học”, thầy Tuyến chia sẻ.

Dời ngôi trường CĐ cơ điện khi nắng thu đang tắt dần sau rặng cây bên đường, chút gió lạnh đầu đông khẽ thổi về. Từng tốp SV vẫn chụm đầu ở sân trường, chúng hăng say bàn luận sôi nổi về bài giảng của giờ học hôm nay. Một cảm giác lâng lâng, tôi chợt nghĩ, phải là những người thầy tận tâm, tâm huyết truyền nghề nên SV mới nhiệt huyết với sự học đến như vậy.

CÙ HÒA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh