Tích cực triển khai Đề án cơ sở dữ liệu ASXH quốc gia
- Người có công
- 16:07 - 27/07/2018
Ứng dụng công nghệ mới: Thu thập dữ Liệu liệt sĩ
Cả nước hiện vẫn còn khoảng 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập về các nghĩa trang và trên 300.000 hài cốt liệt sĩ đã quy tập và an táng tại các nghĩa trang nhưng còn thiếu thông tin.
Triển khai Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu ASXH quốc gia, ứng dụng CNTT vào giải quyết chính sách ASXH đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, Bộ TT&TT, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VN Post) đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức xây dựng và triển khai cổng thông tin điện tử tra cứu liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ.
Chủ tịch Hội đồng thành viên VN Post Phạm Anh Tuấn cho biết: Với mạng lưới hơn 12.000 điểm phục vụ và gần 43.000 lao động trải rộng tới tận cấp xã, thôn, bản và hệ thống CNTT hiện đại, VN Post được Bộ TT&TT, Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Quốc phòng giao, phối hợp xây dựng quy trình về phân chia dữ liệu các cấp, các phần mềm ứng dụng phục vụ cổng thông tin và thu thập dữ liệu về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ trên toàn quốc.
Đây là hệ thông ứng dụng đầu tiên được xây dựng và phát triển với mục tiêu cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ đến với người dân; cập nhật, bổ sung và kiểm soát tính chính xác của các thông tin hiện tại do Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) đang quản lý và sử dụng. Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ có đầy đủ các chức năng tra cứu thông tin về mộ liệt sĩ, chức năng gửi yêu cầu tra cứu thông tin của người thân, chức năng viết tin bài, chức năng cập nhật bổ sung thông tin…
Nhân viên bưu điện thu thập dữ liệu xây dựng Cổng Thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ.
Trên cơ sở dữ liệu thực tế, mỗi nhân viên Bưu điện đã thực hiện thu thập hình ảnh mộ liệt sĩ tại các nghĩa trang thông qua Smartphone đã cài đặt phần mềm có các tính năng: Chụp ảnh bia mộ liệt sĩ, gắn tọa độ, thời gian, dán nhãn nội dung từng bức ảnh... để thu thập dữ liệu. Mỗi nhân viên thực hiện đều có trách nhiệm kiểm tra, so sánh thông tin giữa thực tế và dữ liệu do các Sở LĐ-TBXH cung cấp. Nếu thông tin trùng khớp, mỗi ngôi mộ sẽ chụp 3 bức ảnh: Chính diện bia, toàn thể ngôi mộ và khung cảnh rộng ngôi mộ cùng với một số ngôi mộ xung quanh. Sau khi chụp xong, ứng dụng phần mềm sẽ chuyển thông tin thu thập được về hệ thống máy chủ. Tại đây, hệ thống thẩm tra dữ liệu sẽ cho phép ghép nối nhanh chóng từng bức ảnh với dữ liệu đã có sẵn của Bộ LĐ-TB&XH, ứng với từng nghĩa trang cụ thể...
Theo ông Phạm Anh Tuấn, trong 6 tháng đầu năm, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, Bộ TT&TT, VN Post đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức xây dựng và triển khai cổng thông tin điện tử tra cứu liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ. Trong 3 tháng triển khai, trên cơ sở dữ liệu của ngành LĐ-TB&XH cung cấp, cán bộ, công nhân viên của VN Post toàn quốc đã thu thập được thông tin gần 1 triệu mộ liệt sĩ tại 3.000 nghĩa trang liệt sĩ. Số lượng ảnh đã chụp lên tới trên 2,5 triệu ảnh. Dịp kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ cổng thông tin điện tử tra cứu liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ chính thức được ra mắt. Với dữ liệu thông tin, hình ảnh chính xác về từng phần mộ, nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước, người dân, thân nhân liệt sĩ chỉ cần truy cập vào cổng thông tin điện tử “thongtinlietsi.gov.vn” để tra cứu, tìm kiếm thông tin của liệt sĩ ở bất kì đâu.
Chủ tịch Hội đồng thành viên VN Post Phạm Anh Tuấn cho biết thêm, trong giai đoạn II (8/2018 - 2019), VN Post sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện việc cập nhật thông tin (đối với những trường hợp có sự thay đổi: tu sửa, nâng cấp nghĩa trang, di chuyển, quy tập mộ liệt sĩ mới…) ghép nối hoàn thiện dữ liệu để phục vụ việc tra cứu thông tin của người dân và công tác quản lý của Bộ LĐ-TB&XH.
“Việc xây dựng cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ không chỉ là nghĩa cử tri ân, là tình cảm, trách nhiệm đối với những người đã hy sinh vì đất nước của toàn mạng lưới Bưu điện mà còn tạo điều kiện cho nhân dân và thân nhân liệt sĩ tiếp cận thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ nhanh chóng, chính xác hơn, qua đó giúp các thân nhân giảm bớt khó khăn trong hành trình tìm mộ người thân”, Chủ tịch Hội đồng thành viên VN Post Phạm Anh Tuấn chia sẻ .
Ứng dụng CNTT trong chi trả trợ cấp ưu đãi NCC
Trước đó, triển khai Đề án cơ sở dữ liệu ASXH quốc gia, từ năm 2009 đến nay, việc chi trả trợ cấp ưu đãi NCC được thực hiện qua mô hình chi trả trợ cấp 3 bên thông qua ký Hợp đồng trách nhiệm chi trả giữa phòng LĐ-TB&XH cấp huyện, UBND cấp xã và cán bộ chi trả (theo Thông tư liên tịch số 47/2009/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 11/3/2009 của liên Bộ Tài chính và Bộ LĐ-TB&XH ).
Hiện công tác chi trả trợ cấp ưu đãi NCC qua hệ thống Bưu điện đã được triển khai thí điểm tại 6 địa phương: TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng, các tỉnh Đắk Nông, Quảng Nam, Đồng Nai, Bắc Kạn.
Sau hơn 1 năm thực hiện thí điểm mở rộng chi trả trợ cấp ưu đãi NCC qua Bưu điện tại 6 địa phương: Quảng Nam, Đắk Nông, Bắc Kạn, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai, đến nay mỗi tháng, Bưu điện thực hiện chi trả hơn 170 tỉ đồng cho khoảng 115 nghìn đối tượng.
Việc chi trả trợ cấp ưu đãi NCC tại các địa phương đang được thực hiện toàn bộ trên phần mềm quản lý và chi trả các chế độ trợ cấp ưu đãi NCC. Đồng thời, hệ thống còn hỗ trợ nhận dạng người nhận tiền qua ảnh chụp được lưu trên hệ thống. Với việc ứng dụng phần mềm quản lý và chi trả các chế độ trợ cấp ưu đãi NCC, các đơn vị quản lý nắm bắt kịp thời về số người hưởng đã lĩnh tiền, thời gian lĩnh; số người chưa lĩnh, số tiền phải nộp về cuối ngày... Đặc biệt, hệ thống phần mềm còn hỗ trợ nhận dạng người nhận tiền qua ảnh chụp được lưu trên hệ thống. Nhờ đó, khi người thụ hưởng đến các điểm chi trả để lĩnh tiền không cần mang giấy tờ tùy thân, nhân viên chi trả có thể nhận diện người thụ hưởng qua phần mềm.
Đối với những đối tượng hưởng cả hai chế độ lương hưu và trợ cấp ưu đãi NCC, Bưu điện đã thực hiện thí điểm liên kết phần mềm chi trả trợ cấp ưu đãi NCC và phần mềm chi trả lương hưu để hỗ trợ những đối tượng hưởng nhận cả 2 chế độ. Phần mềm hiển thị số tiền của mỗi loại chế độ, tổng số tiền được lĩnh và các thông tin liên quan.
Chi trả trợ cấp ưu đãi người có công qua bưu điện.
Ông Phạm Anh Tuấn cho biết, tại một số địa phương Bưu điện đang thực hiện chi trả đồng thời các chính sách ASXH như: Chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp xã hội thông qua giải pháp chi trả qua thẻ lĩnh tiền điện tử (Emoney). Đặc biệt, hệ thống thanh toán này dự kiến sẽ được tích hợp với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về ASXH mà Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng theo Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về ASXH. Triển khai chi trả trợ cấp ưu đãi NCC qua hệ thống Bưu điện sẽ tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng một cơ sở dữ liệu thống nhất về người hưởng các chính sách ASXH, giúp cho các cơ quan chức năng của Nhà nước dễ dàng quản lý được việc thực hiện chi trả các chính sách cũng như sự biến động thông tin của người hưởng.
Đánh giá kết quả triển khai thí điểm chi trả trợ cấp NCC qua hệ thống bưu điện, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng khẳng định: Việc chi trả trợ cấp NCC qua Bưu điện là việc cải cách thủ tục hành chính, hướng tới xây dựng nền hành chính công chuyên nghiệp, hiệu quả và minh bạch cũng như hướng tới hiện đại hóa trong việc chi trả, quản lý NCC. Theo đó, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng yêu cầu các địa phương nghiên cứu, đánh giá kỹ mô hình chi trả này để tiến tới mở rộng địa bàn việc triển khai chi trả trợ cấp ưu đãi NCC. Tuy nhiên cần đảm bảo thận trọng, người hưởng được phục vụ tốt hơn, công tác chi trả đảm bảo an toàn, tách bạch công tác quản lý và chi trả tạo sự minh bạch.
Quyết định số 708/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về ASXH, ứng dụng CNTT vào giải quyết chính sách ASXH đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030 có hiệu lực từ ngày 25/5/2017. Đề án nhằm mục tiêu triển khai ứng dụng CNTT vào giải quyết chính sách ASXH cho người dân, đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đổi mới về tổ chức và đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực ASXH, góp phần phát triển Chính phủ điện tử. Mục tiêu đến năm 2020: Ứng dụng CNTT trong đăng ký, giải quyết chính sách chi trả cho đối tượng thụ hưởng chính sách ASXH kịp thời, công khai và minh bạch; hoàn thiện cơ sở pháp lý, triển khai cấp số và thẻ ASXH điện tử để tích hợp, giúp người dân thụ hưởng thuận lợi các chính sách trợ giúp xã hội, giảm nghèo, NCC, BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về ASXH bao gồm thông tin cơ bản về công dân Việt Nam là đối tượng của chính sách: Trợ giúp xã hội, giảm nghèo, NCC, BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp. Trong giai đoạn 2017 - 2018, hỗ trợ thí điểm cấp số và thẻ ASXH điện tử tại 1-3 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; giai đoạn 2019 - 2020 hỗ trợ cấp số và thẻ ASXH điện tử cho công dân Việt Nam là đối tượng của ASXH. Định hướng đến năm 2030: Mở rộng cơ sở dữ liệu quốc gia về ASXH gồm thông tin thêm về các lĩnh vực: Trẻ em, dạy nghề, việc làm, bình đẳng giới, phòng, chống tệ nạn xã hội và các lĩnh vực khác của ASXH theo quy định của pháp luật. |