THỨ HAI, NGÀY 25 THÁNG 11 NĂM 2024 01:13

Tan mộng an cư, vì "mù luật"

 

Sáng 9/10, chúng tôi đến dãy nhà được cho là điểm nóng về xây dựng không phép trên đường 26-1D, ấp 4, xã Xuân Thới Thượng . Khung cảnh trơ trọi, ngổn ngang bao trùm cả xóm nghèo.

Những đêm ngủ trên… xe rác

Nhiều căn nhà ở đây đang trong quá trình tháo dỡ do có yêu cầu của chính quyền địa phương. Người dân cho biết họ đa phần là tầng lớp lao động nghèo, chuyên làm nông và đi lượm ve chai. Cũng vì nghèo, thiếu kiến thức pháp luật mà họ nhắm mắt xây nhà không phép từ năm 2010 - 2011, để rồi cay đắng chịu cảnh mất nhà. “Sắp tới, có lẽ sẽ đối diện với cảnh vô gia cư” - một người than thở.

 

Nhà không phép bị yêu cầu tháo dỡ, cha con một hộ dân tại xã Xuân Thới Thượng sống cảnh màn trời chiếu đất.Ảnh: Lê Phong
Nhà không phép bị yêu cầu tháo dỡ, cha con một hộ dân tại xã Xuân Thới Thượng sống cảnh màn trời chiếu đất.          Ảnh: Lê Phong

 

Chia sẻ về hoàn cảnh của mình, anh Bùi Trung Lập cho biết, gia đình anh thuộc diện giải tỏa ở cầu Tham Lương, quận 12. Năm 2010, thấy đất ở xã Xuân Thới Thượng rẻ nên anh mua rồi cả gia đình kéo nhau về đây dựng nhà, xây dựng cuộc sống mới. Trong quá trình xây cất, duy tu nhà cửa, anh không bị địa phương xử lý hoặc chí ít là nhắc nhở về việc vi phạm. Nay, khi đã sinh sống ổn định suốt 4 năm trời, gia đình anh lại phải tháo dỡ từng hạng mục trong căn nhà của mình vì… bị phát hiện xây dựng không phép! Bao nhiêu tài sản tích góp vào việc xây dựng căn nhà đều tan tành mây khói. “Nhà bị chính quyền yêu cầu tháo dỡ, chúng tôi cắn răng chấp hành. Nhưng giờ đập rồi thì biết ở đâu? Tối đến, không có nhà, chúng tôi đành chui vào xe rác ngủ tạm. Những đêm mưa gió lạnh thấu xương cũng phải chịu. Sau này biết đi về đâu…?” - anh Lập rơi nước mắt.

Tương tự, trường hợp của anh Trịnh Văn Phú cũng lắm nỗi éo le. Là bộ đội phục viên, gom góp được ít tiền, 4 năm trước, anh về khu đất này dựng nhà với mong ước an cư lạc nghiệp, nuôi vợ bị bệnh tim. Theo người đàn ông này, trong quá trình hình thành nên căn nhà như hiện tại, anh không ý thức được những hệ lụy sau này, chỉ biết rằng mình khát khao một căn nhà và hạnh phúc khi thật sự có nó, để rồi giờ phải ngậm ngùi nhìn khối tài sản giá trị nhất của cả gia đình bị tháo xuống. “Bữa giờ, gia đình tôi nhận được 2 văn bản yêu cầu tự tháo dỡ của chính quyền. Vợ tôi bị bệnh tim, cứ mỗi lần nhận văn bản là lại ngất đi. Mấy tháng trời tôi không ngủ được vì lo. Hai đứa con thì nhỏ dại quá, mất nhà rồi biết về đâu?” - anh Phú chua xót.

Chuyển công an nếu có dấu hiệu hình sự

“Biết đi về đâu?” là câu hỏi của đa số hộ dân sống tại khu vực đường 26-1D, ấp 4, xã XTT khi phải đối diện với hệ lụy nhà không phép. Bi kịch đột ngột đến nỗi họ chẳng có bất kỳ một dự định hoặc phương án dự phòng nào trước nguy cơ mất nhà trong tương lai gần.

Theo ghi nhận của chúng tôi, không chỉ trường hợp của anh Lập và anh Phú, hầu như hoàn cảnh của tất cả các hộ dân thuộc diện bị yêu cầu tháo dỡ nhà không phép tại xóm nghèo này đều bi đát. Nói về sự trả giá do xây nhà không phép, có nhiều trường hợp khác cũng từng nhận lấy thiệt hại khôn lường. Gần đây nhất là trường hợp của gia đình bà Nguyễn Thị Gái (ngụ số 75/2, ấp 4, xã Xuân Thới Thượng) và ông Trần Văn Út Nhỏ. Cả 2 cũng đều bị đập nhà và rơi vào cảnh trắng tay. Thiệt hại ấy có lẽ cũng là hệ quả mà người dân nơi đây phải gánh chịu cho sai lầm nhưng liệu rằng trách nhiệm chỉ dừng đến đây?

Liên quan đến vụ việc, nhiều câu hỏi đã được phóng viên Báo Người Lao Động đặt ra trong các bài viết trước. Tuy nhiên, vấn đề mà chúng tôi quan tâm nhất vẫn là tương lai của những hộ dân nằm trong diện buộc phải tháo dỡ hoặc bị cưỡng chế do xây nhà không phép. Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động về tình trạng nhà không phép tại xã Xuân Thới Thượng, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP  Hồ Chí Minh cho biết: “Việc kiểm tra, xử lý công trình xây dựng không phép, trái phép cũng là nỗi lo hằng ngày của tôi bởi đây là lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp và dễ phát sinh tiêu cực”.

Ông Tuấn cảm ơn những thông tin mà Báo Người Lao Động đã phối hợp cung cấp và khẳng định sẽ tiếp nhận một cách nghiêm túc; đồng thời cho xác minh, xử lý ngay, hồi âm kết quả cho báo trước ngày 7/11.

“Về đường dây bảo kê xây dựng nhà trái phép như báo nêu, xét thấy nếu có dấu hiệu hình sự thì chúng tôi sẽ mời công an vào cuộc” - ông Tuấn khẳng định.

Riêng về phương án hỗ trợ cho người dân khi việc vận động tháo dỡ hoặc cưỡng chế diễn ra, ông Tuấn cho biết sẽ trả lời công khai sau khi xác minh. “Trách nhiệm trong lĩnh vực xây dựng có cả UBND cấp quận, huyện địa phương chứ không chỉ riêng Sở Xây dựng . Tuy nhiên, hoàn cảnh của những hộ dân như báo nêu cũng là vấn đề mà tôi rất trăn trở và quan tâm” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo Báo Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh