CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:27

Lập nghiệp từ... làm thuê

Việc làm không xuể

     Chị Nay Yoang (vợ anh Kbôr Đrih) cho biết: “Vợ chồng mình mới ra ở riêng được hai năm, ba má nghèo nên không có rẫy vườn để cho con cái, đành trông vào nghề làm thuê cho các chủ vườn để tìm cơ hội đổi đời. Qua những mùa làm thuê, tụi tui dần nắm bắt được kinh nghiệm trồng cà phê, nên có dự định đầu năm tới sẽ thuê đất tự làm. Sau vài vụ, nếu làm ăn thắng lợi, sẽ tìm nơi đất rẻ mua để canh tác...”.

     Theo lời Nay Yoang, do Đăk Lăk là một vựa cây trái rộng lớn của vùng Tây Nguyên nên quanh năm, có rất nhiều người kéo về đây tìm việc. Trong “đội quân” làm thuê đó, có sự góp mặt của nhiều người địa phương. Chỉ cần một người quen biết với các chủ rẫy ở đây từ mùa trước là nhiều người ở địa phương kéo đi theo làm. Hết mùa rẫy năm nay, nếu làm tốt thì sang năm sẽ được chủ rẫy gọi điện thông báo thuê tiếp.

     Trong lúc chúng tôi đang chuyện trò với vợ chồng Nay Yoang, Kbôr Đrih, anh Nông Văn Tình, quê ở xã Đăk Nhau (huyện Bù Đăng, Bình Phước) đi vào cho biết, năm nào cũng vậy, đến mùa thu hoạch mì, cà phê ở Đăk Lắc, vợ chồng anh và nhiều người khác ở Bù Đăng lại đón xe về đây tìm việc vì ở quê anh, do diện tích vườn điều bị thu hẹp nên việc làm thuê bữa được, bữa mất, trong khi, ở Đăk Lăk, các chủ rẫy chiêu mộ nhân lực thu hoạch mì, hái cà phê, dọn rẫy rất nhiều. Nếu mình làm tốt, uy tín các chủ rẫy không bao giờ để mình thất nghiệp. Tụi tui làm không kể giờ giấc, khỏe thì làm, mệt vào chòi nghỉ. Tính ra, hai vợ chồng và đứa con lớn trong gia đình tui, trừ ăn uống sinh hoạt, bỏ túi mỗi ngày hơn nửa triệu đồng tiền công đó...” - Anh Tình khoe.

Cho những ngày sau no ấm

     Anh Tình cho biết thêm, ở quê anh, nhiều người nhờ đi làm thuê, giờ đã có vốn thuê đất trồng cà phê ở chính vựa cà phê Đăk Lăk, thậm chí, có người nhờ dành dụm, đã mua được rẫy mì lớn và đất để làm nhà. “ Như vợ chồng bà chị họ tui, căn chòi nhỏ trống huơ trống hoác năm nào, giờ đã là nhà xây kiên cố rồi. Tất cả là nhờ kiên trì làm ăn, tích cóp theo năm tháng mới tạo dựng được. Bây giờ chị ấy ở nhà, trông coi vườn điều hơn 1ha, sống khỏe...” - anh Tình cho hay, rồi vui vẻ nhận lời dẫn chúng tôi vào nhà bà chủ H'Lil rẫy mì cách đó không xa - là người thuê vợ chồng anh làm việc đã nửa năm nay.

      Sau chén trà làm quen, giới thiệu chủ khách, chị H'Lil thổ lộ rằng, hai vợ chồng chị đều là người Ê Đê, quê bên huyện Cư M'Gar, dắt díu nhau đến vùng Krông Năng làm rẫy thuê từ 5 năm trước. Ngày mới về đây, họ cũng cảnh chòi tranh tạm bợ, làm rẫy thuê. Quá trình lao động, vợ chồng chị tích cóp dần mới mua được miếng rẫy rộng gần 4 ha trồng cà phê trồng mì. Chị H'Lil  nói: “Hồi đó vất vả lắm! Mỗi mùa cà phê, ít nhất, vợ chồng tui  phải hàng chục lần tìm khu đất trống để căng bạt làm chòi ở. Làm xong rẫy mì này, lại chuyển chòi sang rẫy khác. Về tài sản, cả nhà chỉ có cái nồi méo. Nay kinh tế ổn định, tụi tui vẫn không quên những năm tháng bôn ba nơi vườn rẫy và cũng vì vậy mà luôn sẵn sàng giúp đỡ những người làm thuê cho mình”. Cũng theo chị H'Lil, những năm gần đây, do vườn, rẫy trồng các loại cây cho kinh tế cao ở Đăk Lăk phát triển rất mạnh nên nhu cầu về nhân công rất lớn. Đặc biệt, vào các dịp cà phê, mì thu hoạch rộ khiến các chủ vườn phải chạy đôn, chạy đáo tìm thuê người về hái cà phê, bới mì cho mình. Năm nay, giá nhân công khoảng 200.000 đồng/ngày bao cơm trưa, với việc thuê 4 “nhân viên”, nhà chị H'Lil chi phí khoảng gần 1 triệu đồng/ngày

Dù công việc vất vả, nhưng những mảnh đời “du mục” luôn thường trực nụ cười trên môi.

     ....Trong hành trình đi qua rẫy đồi trên cao nguyên mùa cao điểm hái cà phê, thu hoạch mì chúng tôi nhận ra trong những nhóm người làm thuê “bay” từ nhiều vùng đến đây, dễ bắt gặp những chàng trai, cô gái trẻ đơn thân tuổi mới độ đôi mươi hay những cặp vợ chồng cùng còn rất trẻ. Nghe những “du mục” rôm rả bàn chuyện “cám tháng giêng, tiền tháng chạp”, chia sẻ với nhau niềm hi vọng Tết này sẽ có khoản tiền để dành kha khá để sắm sanh, chúng tôi cũng nhận ra rằng, với những người nghèo, lựa chọn việc làm thuê làm “con đường sống”, dường như niềm hạnh phúc thật bình dị. Nhưng chính sự bình dị, cộng với sự chịu thương chịu khó sẽ giúp họ “đi” vào tương lai một cách bền vững. Và cuộc đời của họ sẽ “sáng lên”, như quy luật đã được cha ong ta đúc kết: “Mồ hôi mà đổ xuống đồng/ Lúa mọc trùng trùng sáng cả đồi nương”...

Thúy Vân

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh