THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:56

Bộ Y tế đề nghị tuyên bác sĩ Lương vô tội

 

Các bị cáo trong phiên tòa xét xử vụ án liên quan tới chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: PV/Vietnam+)

 

TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, trong quá trình xét xử, dù không được mời nhưng Bộ Y tế vẫn cử các đơn vị liên quan và các nhà chuyên môn lên Hoà Bình tham dự, theo dõi phiên toà. Ông Quang nói: “Chúng tôi cho rằng việc buộc tội của toà án chưa chính xác vì chứng cứ buộc tội còn yếu. Với những phân tích qua phiên toà, Bộ Y tế đưa ra ý kiến đề nghị Hội đồng xét xử xử đúng người, đúng tội, tránh oan sai, nếu có thể toà tuyên vô tội cho bác sĩ Hoàng Công Lương”.

Trong quá trình điều tra, Bộ Y tế gửi 2 công văn: Công văn số 4342 ngày 2/8/2017, Bộ Y tế gửi cơ quan điều tra và công văn 2322 ngày 27/4/2018 Bộ gửi Công ty Luật Nguyễn Chiến. Về ý kiến cho rằng hai công văn này mâu thuẫn, TS Nguyễn Huy Quang khẳng định là không mâu thuẫn, không viết thừa, lỗi đánh máy là nhận định của luật sư trong quá trình tranh tụng. Vấn đề này, đại diện Bộ Y tế đã có trả lời rõ ràng trước Hội đồng xét xử. Ông Quang nói: “Bản chất của xét nghiệm AAMI ở Việt Nam là tự nguyện. Tuy nhiên, trong công văn trả lời Công an Hòa Bình, Bộ Y tế đã dựa vào điều khoản trong hợp đồng sửa chữa thiết bị ngày 28/5/2017 giữa bệnh viện và Công ty Thiên Sơn để hoàn thiện nội dung.

Vì hợp đồng có ghi phải xét nghiệm AAMI nên Bộ Y tế phúc đáp lại rằng “nhất thiết” phải xét nghiệm AAMI”. Ông Quang phân tích: “Ở đây “nhất thiết” được hiểu là dựa vào điều khoản trong hợp đồng giữa hai bên; nếu có thoả thuận thì bắt buộc phải xét nghiệm, còn không thì bỏ qua. Không có mâu thuẫn giữa hai công văn trả lời cơ quan điều tra và Công ty Luật Nguyễn Chiến. Viện Kiểm sát không thể dựa vào công văn của Bộ Y tế, dẫn tới hiểu lầm mà truy tố sai các bị cáo, dẫn tới việc Viện kiểm sát đề nghị trả hồ sơ”.

Không chậm ban hành quy trình chạy thận, lọc máu

Văn bản về quy trình chạy thận, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, việc xây dựng quy trình kỹ thuật, Bộ Y tế có chương trình dài hơi và đồ sộ (từ 1997-4/2018) có hơn 7.000 quy trình kỹ thuật, cơ bản bao trùm các kỹ thuật y khoa.  Đối với quy trình thận nhân tạo, lọc máu, từ năm 2000, Bộ Y tế đã ban hành quy trình. Theo chu kỳ, có điều chỉnh mới, Bộ Y tế lại cập nhật (như năm 2004 về sử dụng lại quả lọc thận, năm 2014 cập nhật bổ sung quy trình lọc thận và một số quy trình liên quan tới lọc thận). Tới năm 2018, theo kế hoạch, lộ trình, Bộ bổ sung, cập nhật 52 quy trình liên quan lọc máu, trong đó có 7 quy trình về lọc nước RO. Việc thống nhất, ban hành quy trình được các nhà chuyên môn của ngành Y tế họp, kiểm tra từ rất lâu.

Ông Khoa khẳng định: “Bộ Y tế phản bác ý kiến cho rằng, Bộ chậm trễ trong ban hành quy trình, phải có sự cố xảy ra mới ban hành. Bộ đã có kế hoạch xây dựng, ban hành quy trình về hệ thống nước RO trong lọc thận từ năm 2016. Việc ban hành quy trình mới không thể quy đó là chậm trễ mà là giải pháp phòng ngừa cho những sự cố tương tự có thể xảy ra. Việc 9 nạn nhân tử vong vì chạy thận ở Hoà Bình rất hi hữu, thế giới chưa từng gặp. Về nguyên lý, khi xảy ra sự cố, trách nhiệm của Bộ Y tế phải đánh giá, rà soát lại tất cả quy trình liên quan”.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh