Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu khẩn trương hoàn thiện hồ sơ công nhận liệt sĩ Nguyễn Văn Hồng
- Người có công
- 03:12 - 30/08/2017
Công văn nêu rõ: Trong thời gian gần đây, Báo Dân trí và một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin liên quan việc chiến sỹ Nguyễn Văn Hồng, sinh năm 1919 tại xã Bạch Đằng (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) hy sinh năm 1954 tại trận Thần Đầu - Thần Huống huyện Thái Ninh (nay là huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình).
Công văn truyền đạt chỉ đạo của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung vê việc xác nhận liệt sĩ đối với ông Nguyễn Văn Hồng
Ông Nguyễn Văn Hồng được Chính phủ truy tặng Huân chương Chiến thắng hạng 3 (đã ghi là liệt sĩ), nhưng hơn 60 năm nay vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ. Trước những thông tin trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung có ý kiến như sau:
Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương căn cứ các quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn thi hành, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ xác nhận liệt sĩ đối với ông Nguyễn Văn Hồng theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo kết quả giải quyết về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trước ngày 30/9/2017.
Huân chương Chiến thắng hạng Ba của liệt sĩ Nguyễn Văn Hồng. Ảnh: Dân trí
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giao Cục Người có công theo chức năng, nhiệm vụ chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan trong quá trình xem xét, giải quyết hồ sơ xác nhận liệt sĩ đối với ông Nguyễn Văn Hồng.
Trước đó, Báo Dân trí phản ánh đơn của bà Nguyễn Thị Hà, trú tại tổ 9, phường Hoàng Diệu (thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình), là cháu dâu của chiến sỹ Nguyễn Văn Hồng (người được ủy quyền hợp pháp của ông Nguyễn Xuân Lăng 79 tuổi, trú tại đội 10, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên - con của liệt sĩ Nguyễn Văn Hồng).
Đơn của bà Hà nêu: Mặc dù Chính phủ đã truy tặng thưởng Huân chương Chiến thắng hạng 3 cho liệt sĩ Nguyễn Văn Hồng, tuy nhiên sau 63 năm từ ngày ông hy sinh, đến nay tỉnh Thái Bình vẫn không công nhận ông là liệt sĩ.
Được biết năm 1954, liệt sĩ Nguyễn Văn Hồng đã được cấp Bằng Tổ quốc ghi công, nhưng đến năm 1960 cán bộ xã Bạch Đằng đến gia đình thu lại và nói rằng để mang đi đổi, nhưng từ đó đến nay Bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Hồng “bặt vô âm tín”.