THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:30

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Câu hỏi khó nhất - có công nhận liệt sĩ hay không?

 

Hướng tới Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2017), những ngày này, cả nước đang gấp rút khẩn trương với các công việc cho ngày trọng đại đó. 

Bao thế hệ cha anh đã ngã xuống, máu xương các anh đã hòa vào đất mẹ, nhưng đến nay, gần 70 năm thực hiện chính sách tri ân các anh hùng liệt sĩ, vẫn còn có những người vì nhiều lý do, chưa được công nhận liệt sĩ. Đó cũng là trăn trở lớn nhất mà Bộ LĐ-TB&XH không lúc nào quên.

Không còn nhiều thời gian để chờ đợi...

Tại buổi lễ tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Lao động- Thương binh và Xã hội” cho một số nhà báo chiều ngày 21/6, một câu chuyện được Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đưa ra, khiến các đại biểu có mặt cảm thông với những khó khăn trong công tác giải quyết chính sách cho người có công. Đó là công việc “khó khăn nhất, gai góc nhất, thách thức lớn nhất” như nhiều lần Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung (ngoài cùng, tay phải) thắp hương tưởng niệm các liệt sỹ

 

Sau khi xử lý hồ sơ tồn đọng người có công làm thí điểm ở 5 địa phương năm 2016, giải quyết được 86 hồ sơ thương binh, trong đó 75 người là thương binh liệt sĩ - có đến 57 trường hợp trong số này là thời chống Pháp. Đáng chú ý, việc áp dụng quy trình giải quyết có tính chất đặc biệt, công nhận liệt sĩ cho một chiến sỹ cách mạng hy sinh nằm trong nghĩa trang liệt sĩ đã 75 năm, nhưng không được công nhận là… liệt sĩ, đã được báo chí nhắc nhiều và dư luận đánh giá cao. 

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Dung thông tin một vài trường hợp nữa, khá “nan giải”. Đó là vừa qua, lãnh đạo hai Bộ LĐ-TB&XH - Công an ngồi rà soát lại các hồ sơ đề nghị công nhận là liệt sĩ, mới thấy còn nhiều trường hợp nữa nằm trong nghĩa trang cùng các đồng đội, nhưng bản thân họ vẫn không được công nhận liệt sĩ. 

“Cùng trong nghĩa trang, bên cạnh là 3 đồng đội được công nhận liệt sĩ - họ cùng hi sinh trong một trận chiến, nhưng đến nay một người trong số đó vẫn chưa được công nhận. Chỉ vì không có căn cứ, không có hồ sơ, không người làm chứng…”, Bộ trưởng cho biết.

“Xử lý sao đây? Khó khăn vô cùng”- Bộ trưởng Dung trăn trở.

Cũng theo người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH, mỗi trường hợp là một thách thức khác nhau. Mỗi trường hợp là một bài toán phải giải quyết khác nhau. Có những trường hợp mất cả năm trời để giải quyết, nhiều lúc tưởng đi vào bế tắc.

Bộ trưởng Dung kể, “Tối qua tôi đọc danh sách trình lên, cả đêm cứ trăn trở mãi về một trường hợp. Có một chiến sĩ bị tù đày hơn 10 năm ở Côn Đảo, đến năm 1944 thì ra tù, được công nhận lão thành cách mạng. Khoảng 10 năm sau đó thì bệnh tái phát do vết thương cũ”, Bộ trưởng Dung cho biết.

Sau đó, đồng chí được an táng tại nghĩa trang liệt sĩ. Mộ được ghi danh liệt sĩ. Nhưng đến bây giờ, bao nhiêu năm rồi vẫn không được thừa nhận. Đến nay, trường hợp này được chuyển lên Bộ đề nghị công nhận. “Một câu hỏi đối với Bộ trưởng, một câu hỏi đối với ngành LĐ-TB&XH: có công nhận liệt sĩ hay không?”- Tư lệnh ngành đau đầu - “Nếu công nhận, thì chưa đủ điều kiện, chưa đủ tiêu chuẩn. Vì theo Pháp lệnh, Nghị định quy định, chiến sĩ tù đày, khi ra tù bệnh cũ tái phát do vết thương để lại, thì trong thời gian rất ngắn phải là trong 6 tháng, nhưng đồng chí này khoảng 10 năm sau bệnh cũ mới tái phát”.

Trong trường hợp này, nếu công nhận liệt sĩ, thì người dân sẽ ủng hộ. Nhưng sẽ phải giải quyết một loạt các trường hợp khác có tính chất tương tự. Sẽ phải làm thế nào, thừa nhận thế nào?

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin nhanh về kế hoạch triển khai nhiều hoạt động lớn kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2017). Theo đó, bắt đầu từ 1/7, mỗi ngày sẽ diễn ra một hoạt động lớn cấp quốc gia. Lễ kỷ niệm trọng thể cấp quốc gia 70 năm ngày thương binh liệt sĩ đúng vào sáng 27/7 tại Hà Nội.

Trước đó, trong 2 ngày 25- 26/7, là buổi gặp mặt 700 đại biểu người có công tiêu biểu, gồm các mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng LLVT, thương binh, gia đình chính sách tiêu biểu… Dự kiến cầu truyền hình trực tiếp tại 5 điểm cầu vào tối 26/7: Điện Biên, Thái Nguyên, Hà Nội, Quảng Trị, TP HCM. Ngoài ra, tại Quảng Trị sẽ có chương trình nghệ thuật tri ân mang tên “Linh thiêng Quảng Trị”.

 Để giải quyết những trường hợp mang tính cá biệt này, Bộ đang áp dụng quy trình 408 - quy trình xử lý có tính chất cụ thể. Vì rằng, những trường hợp nêu trên chỉ là phần nhỏ trong hàng nghìn trường hợp chưa được xác nhận liệt sĩ do vướng mắc về giấy tờ, thủ tục. Nhiều thân nhân liệt sĩ cũng đã mất hoặc tuổi đã cao, sức yếu không thể đi lại lo thủ tục được, cũng không còn nhiều thời gian để chờ đợi...

“Tôi nói vậy, để các nhà báo chia sẻ, ngành đang phải đối mặt với rất nhiều những thách thức, khó khăn như thế. Rất nhiều khó khăn vẫn cần được giải quyết, vì những sự chờ đợi mỏi mòn”, Tư lệnh ngành Đào Ngọc Dung thẳng thắn. 

Việc “trả nợ” này là mãi mãi

Và hiện nay, tất cả các địa phương đang tập trung cao độ giải quyết 5.900 hồ sơ tồn đọng người có công với cách mạng. Mà những hồ sơ này tập trung chủ yếu vào 3 đối tượng: liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.

Theo đó Bộ trưởng cho biết, với quyết tâm cao, được sự đồng ý của Ban Bí thư, của Chính phủ, Bộ đang khẩn trương rà soát lại. Có khả năng, ngay trong tháng 6 này, lãnh đạo Bộ có thể xác nhận thêm 400 trường hợp nữa. Như vậy, nếu quyết tâm cao, hy vọng vào dịp 27/7 năm nay sẽ trình Thủ tướng Chính phủ, xác nhận thêm 500 trường hợp liệt sĩ. 

Chia sẻ những khó khăn này, thay mặt các nhà báo nhận kỷ niệm chương, Tổng biên tập báo Đại đoàn kết Hồng Thanh Quang tâm tình: “Ở trên đời mắc nợ lớn nhất là nợ ân tình. Chỉ có nợ tình mới là nợ tốt. Bởi càng trả nợ thì càng "mắc nợ". Và sự "mắc nợ" đó làm cuộc sống tốt đẹp hơn. Diễn giải một cách hình ảnh, công việc chính của Bộ là trả nợ tình”.

“Như Bộ trưởng Đào Ngọc Dung vừa nói, càng giải quyết nhiều trường hợp người có công, càng thấy còn nhiều trường hợp nữa cần phải làm, phải “trả nợ”. Việc “trả nợ” này là mãi mãi, đòi hỏi sự kiên nhẫn, đòi hỏi sự thiện tâm của những người thực hiện nhiệm vụ này - nhiều khi là thầm lặng, của các anh chị, lãnh đạo Bộ LĐ- TB&XH”, nhà báo Hồng Thanh Quang chia sẻ.

 

Nhằm giải quyết căn bản hồ sơ còn tồn đọng, ngày 20/3/2017, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH về quy trình giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng. 

Theo đó, trong năm 2017 sẽ giải quyết đối với những hồ sơ đã lập trước ngày 1/7/2013 nhưng còn thiếu giấy tờ, thủ tục hoặc hồ sơ đã được thiết lập đầy đủ nhưng do thay đổi chính sách nên chưa được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định; đang lưu trữ tại cơ quan LĐ-TB&XH, công an, quân đội cấp tỉnh trở lên. 

Việc giải quyết hồ sơ tồn đọng được thực hiện theo quy trình 7 bước và giải quyết theo từng tình huống cụ thể. Đây được coi là bước đột phá, táo bạo trong giải quyết hồ sơ tồn đọng, đáp ứng lòng mong mỏi nhiều gia đình người có công, được dư luận nhân dân đánh giá cao.

THANH NHUNG - MẠNH DŨNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh