Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Tạo điều kiện cho lao động di cư tiếp cận vốn vay
- Tây Y
- 10:31 - 11/11/2021
Là người thứ hai đăng đàn, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã lên "ghế nóng" trả lời chất vấn tại nghị trường vào 14h30 hôm qua (10/11). Sáng hôm nay (11/11), Bộ trưởng và các thành viên Chính phủ liên quan có thêm gần 1 tiếng đồng hồ để tiếp tục trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Sẽ đưa vào chương trình phục kinh tế - xã hội
Tiếp tục phiên chất vấn đối với Bộ trưởng, sáng nay, trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội Lưu Văn Đức (Đắk Lắk) về khả năng tiếp cận vốn vay, việc làm của lao động di cư, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của đại biểu và đưa vào chương trình phục kinh tế - xã hội tới đây. “Sẽ cố gắng tạo điều kiện cho người lao động, nhất là với những lao động dịch chuyển có thể tiếp cận vốn vay, bao gồm hộ kinh doanh và lao động phi chính thức”, Bộ trưởng khẳng định.
Cho rằng việc tăng cường vốn vay, đặc biệt là vốn vay thông qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội để giải quyết việc làm có hiệu quả khá cao, tỷ lệ nợ xấu lại rất thấp, do đó, ông Dung cho biết Bộ tán thành đề xuất này.
Có thể trong Quyết định 2086/QĐ-TTg về giải quyết đất ở, đất và nước sinh hoạt có thể áp dụng các tiêu chí này thêm để hỗ trợ. “Và trong Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo, có thể căn cứ vào tiêu chí này để hỗ trợ phân bổ thêm nguồn lực cho những đối tượng này”, ông nói.
Mô hình “3 tại chỗ” không áp dụng cho mọi doanh nghiệp
Cũng trong sáng nay, chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu vấn đề áp dụng phương thức "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến" có phù hợp không, tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, Bộ trưởng có chia sẻ gì về gánh nặng này đối với doanh nghiệp?
Trả lời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Không áp dụng mô hình này cho mọi doanh nghiệp mà chỉ nên triển khai với mô hình doanh nghiệp có quy mô vừa, nhỏ. Chỉ nên áp dụng trong thời gian ngắn, bởi chi phí quá lớn là gánh nặng với doanh nghiệp.
Mô hình "3 tại chỗ" trong phòng chống dịch trước khi Việt Nam áp dụng thì Singapore, Indonesia đã áp dụng, sau đó Bắc Ninh và Bắc Giang đã áp dụng mô hình này sau ngày 27/4, trên cơ sở đó một số địa phương áp dụng.
“Nói chung Ban chỉ đạo Trung ương không áp đặt mô hình nào với doanh nghiệp, địa phương trong phòng chống dịch. Nguyên tắc là an toàn thì mới sản xuất và sản xuất phải đảm bảo an toàn. Do đó, việc này do từng địa phương và doanh nghiệp xem xét trên thực tế phòng chống dịch”, Bộ trưởng lưu ý.
“Quá trình đọc kiến nghị tôi thấy, hầu như các mô hình này chỉ phù hợp trong thời gian ngắn và quy mô vừa phải vì chi phí quá lớn”, ông nói thêm.
Lao động về quê tránh dịch - vấn đề liên quan đến rất nhiều bộ, ngành
Trước đó, kết thúc phiên chất vấn chiều qua, trả lời chất vấn của đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) về trách nhiệm của cơ quan nhà nước ở đâu? Có sự lúng túng và bị động không khi nhiều lao động từ các tỉnh, thành phố về quê tránh dịch?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ LĐ-TB&XH có “một phần trách nhiệm” chứ “không phải chịu trách nhiệm chính”, vì vấn đề này liên quan đến cả việc di dân, vấn đề an ninh, trật tự, đi lại… liên quan rất nhiều bộ, ngành...
Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, làn sóng lao động rời bỏ TP. HCM và các tỉnh trọng điểm kinh tế phía Nam về các địa phương không chỉ một lần, mà là ba lần. Và theo số liệu của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, con số này khoảng 3 triệu người.
Đây là ý kiến đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) và những ý kiến của cử tri đã được tổng hợp thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Đoàn đại biểu Quốc hội gửi về Kỳ họp thứ Hai. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, từ nay cho đến kết thúc phiên chất vấn, các thành viên Chính phủ tranh thủ báo cáo giải trình, làm rõ thêm vấn đề này trước Quốc hội và cử tri.
“Chúng ta phải xác định rõ nguyên nhân vì sao, trách nhiệm của các bộ, ngành hữu quan như thế nào, nhất là trách nhiệm của Nhà nước đối với dân”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Theo ông Vương Đình Huệ, vấn đề quan trọng hiện nay là giải pháp giải quyết việc thiếu hụt lao động ở các thị trường này. Thứ hai là giải quyết sinh kế là việc làm cho người lao động đang đi về các tỉnh. Quan trọng hơn nữa là qua việc này chúng ta rút ra được bài học kinh nghiệm gì trong việc phân tích, đánh giá, dự báo.
“Chúng ta có cam kết là không để xảy ra tình trạng này trong tương lai không, nhất là khi tình hình dịch bệnh đang rất khó lường? Chúng ta không được chủ quan, cần phải thảo luận về các nguyên nhân và trách nhiệm giải quyết các vấn đề sắp tới thế nào và cần làm gì để không tái diễn thực trạng trên? Trách nhiệm của chính quyền Trung ương và cả chính quyền địa phương nơi có lao động rời đi, trở về và cách thức tổ chức nhận lại lao động thế nào? Đây là những vấn đề cử tri rất quan tâm”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.