THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:18

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Tập trung triển khai các giải pháp giải quyết thiếu hụt lao động sau đại dịch

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao đổi với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu QH trong giờ giải lao

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao đổi với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu QH trong giờ giải lao

Công tác dự báo thông tin thị trường lao động yếu- Trăn trở của Ngành

Đề  cập đến nhận định của Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) cho rằng, công tác dự báo  thông tin thị trường lao động còn yếu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung  cho biết, đây cũng là vấn đề trăn trở của ngành. Trên thực tế, thị trường đang có 2 vấn đề lớn là đào tạo chưa gắn với nhu cầu của thị trường; chất lượng lao động thấp dẫn đến năng suất lao động thấp, mức độ đào tạo, bằng cấp của lao động thấp so với khu vực. Thực tế này xuất phát từ việc dự báo cung cầu lao động còn yếu.

“Tôi từng làm việc với TPHCM và đặt hàng địa phương thử dự báo nhu cầu cung cầu ngắn hạn trong 4 tháng. Kết quả, số người tham gia vào thị trường lao động ở khu vực còn thiếu, đang cần, có mức lương tốt lập tức thay đổi. Vậy nên nếu không nhanh chóng xây dựng công cụ dự báo cung cầu lao động tốt ở cả ngắn hạn, trung hạn, dài hạn thì thị trường sẽ còn những vấn đề bất cập” – Bộ trưởng nói.

Vấn đề khác là liên kết đào tạo nghề còn lỏng lẻo, theo Bộ trưởng, ở các quốc gia phát triển, sự gắn kết giữa doanh nghiệp với nhà trường đã diễn ra hàng trăm năm. Như  ở Đức, mỗi doanh nghiệp đều phải là một trường nghề, mỗi trường nghề đều có đủ máy móc, thiết bị cho học sinh học. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng, ở các nước phát triển, doanh nghiệp cho rằng đào tạo người lao động là bắt buộc, còn ở Việt Nam, hiện một số doanh nghiệp đã bắt đầu xúc tiến việc này nhưng chủ yếu vẫn là trông chờ kết quả đào tạo nghề của trường lớp. Vậy nên việc liên kết này vẫn chưa đưa lại hiệu quả. Bộ trưởng cho biết, Bộ LĐ-TB&XH  đã yêu cầu các trường nghề lớn hiện nay ký kết cụ thể với doanh nghiệp, từ khâu đặt hàng đào tạo tới chỗ làm để sinh viên chưa ra trường đã biết bản thân mình về đâu

Tư lệnh ngành LĐ-TB&XH trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội

Tư lệnh ngành LĐ-TB&XH trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội

Triển khai các giải pháp kéo người lao động trở lại sản xuất

Các đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình)  Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa Vũng Tàu) và Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) đề cập đến bài toán việc làm đang đặt ra với hàng triệu lao động sau dịch và thực trạng thiếu hụt lao động ở các vùng trọng điểm công nghiệp.

Về giải pháp giải quyết tình trạng này, Bộ trưởng cho biết: Trong Báo cáo số 177 ngày 8/11 gửi Quốc hội ông đã viết rất kỹ (bốn trang) về các giải pháp này, trong đó đề cập sâu vào giải pháp giữ chân người lao động; thứ hai là thu hút người lao động quay trở lại; thứ ba là giải quyết việc làm cho người lao động ở những nơi mà họ đã về mà họ không trở lại nơi cũ và cũng không tìm việc làm mới; thứ tư là giải pháp điều tiết bổ sung trong những trường hợp đặc biệt ở những địa bàn, đối tượng, lĩnh vực cấp thiết.

Trong đó, theo Bộ trưởng, có mấy vấn đề quan trọng nhất: Một là, chúng ta phải lo thật tốt về chính sách, về đời sống, mức lương, thu nhập. Hai là, phải chăm lo an sinh thật tốt, phải có một sàn an sinh tối thiểu để người lao động có thể yên tâm đó là vấn đề nhà trọ, nhà ở, vấn đề sinh hoạt, vấn đề nơi có thể gửi con, chăm sóc con cái. Ba là phải bảo đảm cho an toàn tính mạng, sức khỏe của họ đó là tiêm vaccine.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình)

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình)

Để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH cùng các Bộ, ngành hữu quan đã đưa ra các giải pháp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Đối với giải pháp ngắn hạn, trước hết cần tập trung hỗ trợ các chính sách an sinh xã hội theo Nghị quyết 68 và một số nghị quyết của Chính phủ. Cùng với đó, cần đẩy mạnh điều chỉnh lao động theo ba mô hình: Mô hình thứ nhất là thực hành, sản xuất tại doanh nghiệp, năm học thứ hai, thứ ba tiến hành vừa học vừa làm; Mô hình thứ hai là vừa học lý thuyết vừa làm thực hành tại doanh nghiệp; mô hình thứ ba là tập trung tập nghề theo Bộ Luật Lao động quy định. Về giải pháp dài hạn, cần thiết phải đổi mới đào tạo nghề theo hướng mở, linh hoạt và gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp theo hướng doanh nghiệp là trường học thứ hai. Doanh nghiệp phải có trách nhiệm cùng với nhà nước chăm lo đào tạo, nâng cao kỹ năng cho người lao động.

Về vấn đề lao động gián đoạn, theo Bộ trưởng, để bù đắp lực lượng lao động gián đoạn này, cần thực hiện cả ba giải pháp căn bản: giữ chân lao động, thu hút lao động quay trở lại và điều tiết lao động. Cụ thể, trong trường hợp cần thiết nhất, có thể huy động sinh viên trường nghề để thực hiện các mô hình trên. Ngoài ra, có thể tăng cường bồi dưỡng kỹ năng cấp tốc để có thể sử dụng bộ phận thanh niên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, lực lượng công an nhằm cung cấp, tăng cường có tính chất cấp bách, tạm thời cho một số địa bàn, lĩnh vực, công việc đặc thù cần lực lượng lao động gấp rút. Về dài hạn, cần đào tạo, trách nhiệm doanh nghiệp là cùng với nhà nước chăm lo vấn đề này.

Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam

Trả lời chất vấn của các đại biểu về giải pháp đổi mới giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, đáp ứng yêu cầu phát triển của kinh tế đất nước, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ: Trước hết đổi mới giáo dục nghề nghiệp theo tinh thần chung, bám vào nguyên tắc chung là thực hiện theo Nghị quyết 29 của Trung ương, phải đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nghề nghiệp.

Thứ hai, đổi mới giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, đa dạng.

Thứ ba, gắn kết chặt chẽ giữa Nhà nước, nhà trường với doanh nghiệp, phấn đấu để thực hiện mục tiêu là người dân hay nói cách khác là các bậc cha mẹ ủng hộ cho con cái học nghề. Làm sao để có chính sách, vừa tuyên truyền, xây dựng các thương hiệu tốt của các trường nghề, để học sinh tham gia nhiều hơn. Đồng thời trong quá trình học nghề, sinh viên được học liên thông nếu có nhu cầu. Đối với trường nghề, phải làm sao để khi học sinh ra trường có việc làm và có thu nhập tốt.

Cuối cùng, Bộ sẽ xây dựng một chương trình nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam để đáp ứng yêu cầu hội nhập theo tinh thần của Chỉ thị 14 của Thủ tướng Chính phủ.

Về giải pháp khắc phục những hạn chế an sinh xã hội lâu dài, Bộ trưởng cho biết, chủ trương Nghị quyết Đại hội Đảng XIII nêu rất rõ, chúng ta phấn đấu phát triển kinh tế thì đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội; không đánh đổi tiến bộ, công bằng xã hội để lấy phát triển kinh tế đơn thuần. Vì vậy, hiện nay mặc dù ngân sách còn nhiều khó khăn nhưng Việt Nam là một trong những quốc gia được xếp đứng đầu khối ASEAN về đầu tư ngân sách cho an sinh xã hội. Chúng ta có các chính sách tương đối đồng bộ và hoàn thiện kể cả cho người có công, người yếu thế, người già, người có hoàn cảnh neo đơn, cho trẻ em và các đối tượng khác.

Thời gian tới, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đang tiếp tục hoàn thiện và xây dựng Đề án dự kiến đầu năm 2023 sẽ trình Ban Chấp hành Trung ương về củng cố, nâng cao chất lượng an sinh hay nói cách khác là nâng cao chất lượng các chính sách xã hội của người dân Việt Nam trong thời gian tới. Trong đó có rất nhiều vấn đề liên quan như đời sống, thu nhập cho người nghèo như thế nào, cho người yếu thế ra sao, cho người có công thế nào, về nước sạch và vệ sinh môi trường ra sao,… để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, phân hóa xã hội, để mọi người ai cũng được tham gia và ai cũng được thụ hưởng thành quả xã hội đem lại.

CHÂU GIANG - THANH NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh