Ban hành nhiều chính sách, đã “đi” rất bài bản đến tất cả các đối tượng xã hội
- Tây Y
- 21:41 - 10/11/2021
Chiều nay 10/11, từ 14h30’, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.
Giải ngân 60.000 tỷ đồng hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu): “Bộ LĐ-TB&XH có kế hoạch gì để phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để thống nhất việc tổ chức triển khai có hiệu quả hơn nữa các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID một cách chu đáo và tốt nhất”.
Đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc), đại biểu Lò Thị Việt Hà (Tuyên Quang) nêu 2 vấn đề: đề nghị Bộ trưởng đánh giá gì về những gói hỗ trợ đã và đang thực hiện? Bộ có tham mưu gì với Chính phủ để đề xuất những chính sách mới?
Làm rõ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết cho biết, Việt Nam được xếp hàng đầu về đầu tư cho an sinh xã hội, mặc dù ngân sách nhà nước còn khó khăn.
Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng đề án củng cố, nâng cao chất lượng các chính sách xã hội của Việt Nam thời gian tới, trong đó liên quan đến thu nhập cho người nghèo… để từng bước thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và ai cũng được hưởng chính sách an sinh xã hội.
Về câu hỏi của đại biểu Trần Văn Tiến, đoàn Vĩnh Phúc đánh giá về các hiệu quả của chính sách qua ban hành thế nào, Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh: “Tôi báo cáo lại, năm 2021 chúng ta đã ban hành rất nhiều chính sách liên quan đến các đối tượng xã hội, từ bảo trợ, người có công, trẻ em, rồi chuẩn bị một số các chính sách liên quan đến người nghèo; hay như tôi vừa nói đến chính sách của người nghỉ hưu…, chúng ta đã “đi” rất bài bản đến tất cả các đối tượng chính sách xã hội”.
Còn gần đây, sau khi dịch bùng phát, Bộ trưởng cho biết, có tham mưu báo cáo với cấp có thẩm quyền, báo cáo với Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có trực tiếp chỉ đạo, ban hành khẩn trương một số chính sách để hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, nhằm giảm bớt khó khăn, bớt đi gánh nặng và chia sẻ các doanh nghiệp cùng phát triển.
"Tôi có thể nói rằng hầu hết là những chính sách có tính chất tình thế, mang tính chất giải quyết có tính chất tức thời để hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động"
Những chính sách này thời gian vừa qua, theo ông Dung, được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội “đốc thúc” ngành LĐ-TB&XH rất quyết liệt, do đó, Bộ LĐ-TB&XH cùng Bộ Tài chính, Ngân hàng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm ngày, làm đêm để cùng một lúc ban hành 3 chính sách hỗ trợ an sinh xã hội như vừa qua, (nhất là Nghị quyết 68, Nghị quyết 116, Nghị quyết 126 liên quan).
“Cho đến nay cơ bản các chính sách này, theo chúng tôi nhận định là đã đi vào cuộc sống”, Bộ trưởng Dung nói.
Theo đó, ông Đào Ngọc Dung khẳng định, qua 3 nhóm chính sách triển khai, đến giờ này, đã giải ngân khoảng 60.000 tỷ đồng, hỗ trợ cho trên 40 triệu lượt người và trên 500.000 người sử dụng lao động. Về cơ bản việc triển khai này là “công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn”.
Quan trọng hơn, Bộ trưởng cho rằng, cùng với chính sách này của trung ương ban hành thì các địa phương làm cơ sở để ban hành rất nhiều chính sách và huy động rất nhiều nguồn lực xã hội để hỗ trợ cho người dân.
Tham mưu, đề xuất một số chính sách mới
Quan tâm đến lao động nữ, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) băn khoăn, bài toán này càng trở nên nan giải, nhất là bối cảnh đại dịch, áp lực gia đình, con cái, áp lực tài chính, theo đó mất đi cơ hội tìm kiếm việc làm và thăng tiến, nguy cơ bất bình đẳng giới càng gia tăng sau đại dịch.
“Để giải quyết vấn đề nêu trên, Bộ trưởng cho biết những giải pháp nào để hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm cho lao động nữ trong thời gian tới?”, bà Tâm chất vấn.
Về vấn đề lao động nữ, trong đại dịch COVID, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ, phụ nữ và trẻ em là 2 đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt là phụ nữ nuôi con nhỏ. “Do đó trong Nghị quyết 68 có những chính sách dành riêng cho phụ nữ, cụ thể là phụ nữ mang thai, phụ nữ nuôi con nhỏ”, ông nói.
Cũng theo ông Dung, gần đây trong phiên làm việc giữa Thủ tướng Chính phủ với Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam, “chúng tôi được Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm 2022 xây dựng một chính sách riêng dành cho phụ nữ. Vì vậy trong chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động, trong 7 nhóm giải pháp đã có một nhóm giải pháp dành riêng cho lao động là phụ nữ”, Bộ trưởng Bộ Lao động nhấn mạnh.
Cho biết cụ thể, ông Dung nêu, thứ nhất là hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp có thể giảm tới 3 lần so với bình thường. Thứ hai là trong chương trình bình đẳng giới sẽ phối hợp với UNDP, ILO sẽ xây dựng một đề án trong chiến lược 10 năm tới về phát triển và đảm bảo quyền bình đẳng giới, nhất là tiếp cận các quyền cũng như các cam kết quốc tế mà chúng ta đã cam kết.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Văn Tiến: “Bộ có tham mưu gì với Chính phủ để đề xuất những chính sách mới?”, tư lệnh ngành LĐ-TB&XH cho biết, vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp, thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trực tiếp cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì chính sách này.
“Tuy nhiên, trong khuôn khổ chúng tôi được giao 4 vấn đề. Thứ nhất là 5 nội dung liên quan đến hỗ trợ cho doanh nghiệp trong Nghị quyết 105, cho đến nay chúng tôi đã hoàn thành được 4 nhiệm vụ. Cụ thể là, tham mưu triển khai chính sách; tham mưu cho Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 09 về huy động, phát huy, quản lý và sử dụng lực lượng chuyên gia, người lao động có trình độ cao, người nước ngoài công tác và lao động tại Việt Nam.
Thứ hai là sửa đổi Nghị định 152 về giảm bớt các thủ tục để thu hút lao động; Thứ ba là giải quyết việc hỗ trợ tạm dừng đóng, hoãn đóng, chậm đóng một số loại bảo hiểm xã hội để hỗ trợ cho doanh nghiệp; ban hành chương trình phục hồi phát triển lao động để hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động. Ba là đào tạo, đào tạo lại lao động.
Thứ tư, là đề xuất các chính sách liên quan an sinh phúc lợi, đặc biệt là chăm lo cho an sinh xã hội của công nhân đô thị, khu công nghiệp. “Về vấn đề này chúng tôi sẽ báo cáo kỹ trong chương trình phục hồi”, Bộ trưởng Dung nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) nêu việc hỗ trợ đối với nghệ sĩ cử tri băn khoăn vì nhiều người trong số họ có thu nhập rất cao mà vẫn được hỗ trợ. Xin Bộ trưởng cho biết ý kiến của mình về việc này và đã được khắc phục chưa?
Trả lời các nội dung chất vấn trên, về câu hỏi liên quan đến số các văn nghệ sĩ dư luận xã hội không đồng tình xung quanh chuyện hỗ trợ chính sách và cho rằng thu nhập cao mà vẫn hỗ trợ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, trong quá trình triển khai xây dựng Nghị quyết 68, Bộ VH-TT&DL có đề nghị hỗ trợ 2 đối tượng hướng dẫn viên du lịch và văn nghệ sĩ hạng 4, “tức người có mức lương từ 1,86, phần lớn còn trẻ, mới vào nghề”.
Theo khảo sát của Bộ VH-TT&DL, có khoảng 2.000 nghệ sĩ trẻ. Chính phủ qua thảo luận đã đồng ý với chính sách này bởi đời sống của họ khó khăn. “Số này đưa ra Chính phủ cũng có thảo luận và đồng ý về chính sách vì thấy phù hợp, bởi 3 lẽ: Họ hưởng mức lương thấp, có thời gian phải giãn cách, dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên, và gặp khó khăn do dịch”, Bộ trưởng cho hay.
“Hiện các địa phương đã hỗ trợ tổng cộng 1.590 trường hợp. Trong tổ chức thực hiện, có địa phương khi xét 33 trường hợp, có 3 nghệ sĩ đúng đối tượng nhưng có cuộc sống khá giả”, tư lệnh ngành LĐ-TB&XH nói và khẳng định chính sách hỗ trợ là đúng nhưng quá trình thực hiện, có nội dung cần rút kinh nghiệm.