Nghỉ hưu trước 1995 sẽ được điều chỉnh lương hưu từ 1/1/2022
- Tây Y
- 17:11 - 10/11/2021
Chiều nay 10/11, Quốc hội tiến hành chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.
Đại biểu Vương Thị Hương (đoàn Hà Giang) nêu câu hỏi, người nghỉ hưu trước năm 1995 hiện nay đã cao tuổi và đang hưởng mức lương hưu quá thấp, xin Bộ trưởng cho biết, giải quyết vấn đề này như thế nào?
Một vấn đề nữa được đại biểu Hương quan tâm là gần đây báo chí đưa tin trường hợp tại một tỉnh có tới 2000 trường hợp được phát nhầm và nhận nhầm chính sách hỗ trợ cho đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh covid19. “Xin hỏi Bộ trưởng có nắm được vấn đề này không và với trách nhiệm của Bộ đã xử lý, giải quyết như thế nào kết quả ra sao?”
Đánh giá cao trong thời gian qua Bộ LĐ-TB&XH đã tham mưu đề xuất với Chính phủ ban hành nhiều chính sách giúp doanh nghiệp, người lao động khắc phục khó khăn do dịch, Đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội), đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) nêu 2 vấn đề: Đề nghị Bộ trưởng vui lòng cho biết Bộ trưởng đánh giá gì về những gói hỗ trợ đã và đang thực hiện? Bộ có tham mưu gì với Chính phủ để đề xuất những chính sách mới?
Các chính sách này đi vào đời sống và đã giải ngân 60.000 tỷ đồng
Làm rõ câu hỏi của đại biểu Vương Thị Hương (đoàn Hà Giang) về vấn đề điều chỉnh lương hưu trước năm 1995, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trước hết đây là vấn đề mà quốc hội khóa XIV, trong phiên họp cuối cùng cũng đã đề cập.
Về điều chỉnh lương hưu với những người trước năm 1995, khi bàn vấn đề này, đã báo cáo Quốc hội do khó khăn về dịch nên hoãn tăng lương nhưng với vấn đề lương hưu vẫn cho phép điều chỉnh lương hưu, nhất là những người về hưu trước năm 1995 và lương hưu thấp.
Ông Dung nhấn mạnh, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức đánh giá, và đang lấy ý kiến thành viên Chính phủ và tháng 12 sẽ trình Chính phủ về vấn đề này.
Thông tin rõ thêm, Bộ trưởng nhấn mạnh, ban đầu dự kiến điều chỉnh là 1/7/2022 nhưng nay xin với Chính phủ cho phép điều chỉnh từ 1/1/2022 với mức 7,4%, với tổng kinh phí điều chỉnh lương hưu 12.650 tỷ đồng; ngân sách nhà nước bổ sung cho những người trước năm 1995 là 3.648 tỷ đồng; với những người thấp hơn 2,5 triệu đồng/người thì bổ sung bằng mức 2,5 triệu đồng.
Về câu hỏi về đánh giá chính sách đã ban hành, Bộ trưởng cho biết năm 2021 đã ban hành nhiều chính sách về các đối tượng chính sách xã hội và có tham mưu chính sách hỗ trợ và mang tính chất tình thế quyết liệt chỉ đạo.
“Cho đến nay, các chính sách này đi vào đời sống và đã giải ngân 60.000 tỷ đồng trên 40 triệu lượt người và trên 500.000 người sử dụng lao động. Do dịch và hỗ trợ trong thời gian ngắn, rộng nên có một bộ phận chậm được nhận, phát nhận. Cơ bản chính sách đi vào cuộc sống và huy động nguồn lực hỗ trợ người dân”.
Phấn đấu đến ngày 15/11, giải quyết căn bản các gói hỗ trợ
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung trả lời đại biểu Quốc hội Lò Thị Việt Hà (Tuyên Quang): “Trải qua 4 đợt bùng phát dịch, nhất là các tỉnh phía nam, nhiều gói hỗ trợ, nhất là gói 26 nghìn tỷ, được đánh giá hiệu quả, Bộ trưởng cho biết kết quả sau 4 tháng triển khai”? – ông nói, sau 4 tháng, trong chính sách hỗ trợ mà chúng ta thực hiện “cơ bản các chính sách đang đi đúng hướng và được dư luận xã hội, người thụ hưởng đồng ý”.
Các chính sách này, theo Bộ trưởng có 50% chính sách hỗ trợ ngay lập tức; 50% chính sách kéo dài hơn, như: Chính sách vay trả lương để phục hồi sản xuất, cho phép kéo dài hết tháng 3/2022; chính sách hỗ trợ đào tạo cho lực lượng lao động sau giãn cách cho phép kéo dài để làm thủ tục hết tháng 6/2022.
Chính sách cụ thể có hiệu quả ngay, như hỗ trợ bằng Nghị quyết 116 (gosi 38.000 tỷ đồng) cho người tham gia bảo hiểm thất nghiệp và đang bảo lưu chính sách bảo hiểm xã hội từ Bảo hiểm thất nghiệp.
Chỉ 5 ngày đã rà soát và hỗ trợ cho 363.000 doanh nghiệp được hưởng chính sách này. “Có đến 85% số người trong đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ 30.000 tỷ đồng đã được thụ hưởng rồi. Phấn đấu đến ngày 15/11, giải quyết xong căn bản hỗ trợ này”, Bộ trưởng khẳng định.
Về vấn đề đại biểu hỏi, tỉnh phát nhầm hỗ trợ cho hơn 22.000 người, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: “Khi có dư luận báo chí, tôi đã liên hệ với tỉnh Bình Dương và yêu cầu có báo cáo bằng văn bản và đi vào kiểm tra việc phát nhầm. Sau khi xác nhận chỉ có khoảng 1.990 trường hợp bị phát nhầm”.
Theo ông Dung, câu chuyện bắt đầu từ việc Bình Dương bổ sung chính sách riêng hỗ trợ người ở nhà trọ với mức 800.000 đồng/người.
Khi kê khai thì một số trường hợp trong nhà đăng ký kê khai và thấy bất thường và rà soát lại trên cơ sở dữ liệu và thấy nhiều trường hợp trùng tên và dừng việc này và phát hiện số phát nhầm tương ứng 1,6 tỷ đồng và đã thu hòi đầu đủ (tự hoàn trả lại, đã giải quyết xong).