CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:33

Bộ trưởng Bộ Xây dựng nói về việc di dời 13 trụ sở Bộ, ngành khỏi nội đô Hà Nội

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị vừa gửi báo cáo về các nhóm vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn đến các vị đại biểu Quốc hội.

Ông Nguyễn Thanh Nghị là một trong 5 thành viên Chính phủ sẽ trả lời chất vấn trực tiếp tại Quốc hội từ chiều 3/11 tới.

Nguồn cung về nhà ở từ các dự án mới được bổ sung không nhiều

Quản lý thị trường bất động sản; việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch, huy động vốn, kinh doanh bất động sản là một trong các nhóm vấn đề được Quốc hội chọn để chất vấn người đứng đầu ngành xây dựng.

Tại báo cáo, Bộ trưởng cho biết, đóng góp trung bình của ngành xây dựng và bất động sản (BĐS) trong GDP các năm gần đây chiếm khoảng 11% tổng thu ngân sách (trong đó ngành BĐS trực tiếp chiếm khoảng 4,5%, đóng góp trung bình khoảng 0,5 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP).

Thu hút nguồn vốn FDI lĩnh vực bất động sản năm 2021 khoảng 2,6 tỷ USD (chiếm 8,6% tổng vốn FDI, đứng thứ 3 trong các lĩnh vực FDI). Đến tháng 9/2022, giá trị vốn hóa ngành BĐS ước tính khoảng 1,7 – 1,8 triệu tỷ đồng.

Dư nợ tín dụng BĐS tính đến 31/8/2022 đạt 777.235 tỷ (tính đến 30/6/2022 là 784.575 tỷ).

"Tuy nhiên, thị trường bất động sản là thị trường phức tạp, liên thông, gắn trực tiếp với thị trường tài chính, tiền tệ và các thị trường khác. Theo kinh nghiệm quốc tế, các cuộc khủng hoảng kinh tế thường bắt nguồn từ khủng hoảng thị trường tài chính, tiền tệ và thị trường bất động sản", Bộ trưởng nhìn nhận.

Theo ông Nghị, trong năm 2021, thị trường bất động sản vẫn có nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh nhưng đã từng bước khắc phục, thích ứng, chuyển trạng thái linh hoạt để duy trì tương đối ổn định, không rơi vào trạng thái đóng băng mà chỉ suy giảm ở một số chỉ số.

Thị trường bất động sản trong 9 tháng đầu năm 2022 tiếp tục gặp khó khăn trong việc huy động các nguồn vốn và khan hiếm về nguồn cung. Nguồn cung về nhà ở từ các dự án mới được bổ sung không nhiều, nguồn cung nhà ở mới trong 9 tháng chủ yếu vẫn đến từ những dự án đã được triển khai và đang được mở bán, Bộ trưởng thông tin. 

Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm, số lượng dự án nhà ở thương mại hoàn thành là 63 dự án với 14.948 căn, bằng khoảng 50,4% số dự án so với cùng kỳ năm 2021. Số lượng dự án nhà ở thương mại được chấp thuận mới là 104 dự án với 49.737 căn, bằng khoảng 51% số dự án so với cùng kỳ năm 2021.

Lũy kế tổng lượng giao dịch (căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền) 9 tháng đầu năm 2022 tăng so cao với cùng kỳ năm 2021 (139.350 giao dịch, tổng lượng giao dịch bằng khoảng 250% so với cùng kỳ năm 2021) nhưng đã có xu hướng chững lại và giảm mạnh vào quý III/2022.

Giá bất động sản vẫn ở mức cao so với khả năng chi trả của đại đa số người dân, Bộ trưởng khẳng định và cho biết: Căn hộ bình dân (có mức giá từ 25 triệu đồng/m2 - 30 triệu đồng/m2) tại các dự án nhà ở thương mại tại khu vực trung tâm của các đô thị hầu như không có căn hộ với mức giá dưới 25 triệu đồng/m2; căn hộ có mức giá này chỉ có tại một số ít các dự án tại khu vực xa trung tâm như các quận/huyện.

Nhìn nhận hạn chế và nguyên nhân, ông Nghị cho rằng cơ cấu sản phẩm bất động sản chưa phù hợp: Phổ biến là bất động sản ở các phân khúc nhà ở trung, cao cấp, bất động sản du lịch có biểu hiện dư thừa (có nhiều phân khúc đã vượt dự báo đến năm 2025).

Trong khi đó, thiếu trầm trọng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và nhà ở thương mại giá phù hợp cho đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình (đối với nhà ở xã hội mới đạt 7,79 triệu m2/12,5 triệu m2 theo yêu cầu).

Cơ cấu nguồn lực cho thị trường bất động sản còn bất hợp lý (chủ yếu từ nguồn vốn tín dụng ngân hàng, vốn huy động qua phát hành trái phiếu và tiền ứng trước của khách hàng, vốn chủ đầu tư chỉ chiếm khoảng 15 - 30% tổng mức đầu tư của dự án). Chưa có các nguồn vốn trung, dài hạn ổn định cho thị trường.

Bên cạnh đó, giá bất động sản, đặc biệt là nhà ở, đất ở liên tục tăng và cao hơn so với thu nhập của người dân. Điều này khiến cho người lao động thu nhập thấp tại các đô thị, công nhân khu công nghiệp càng khó khăn trong việc tiếp cận và tạo lập chỗ ở.

Việc kiểm soát dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản còn chưa chặt chẽ, còn tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp.  Trong Quý III/2022, doanh nghiệp bất động sản khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng và trong huy động vốn qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp, Bộ trưởng báo cáo.

Báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng nêu nhiều giải pháp, trong đó có Kiểm soát hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường chứng khoán, tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá...

Phương án di dời gồm 2 nhóm

Liên quan việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô TP Hà Nội, báo cáo cho biết, ngày 23/1/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 130/QĐTTg về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội, trong đó đã quy định cụ thể trách nhiệm của các Bộ ngành và UBND TP Hà Nội đối với việc di dời trụ sở các Bộ, ngành khỏi nội đô TP Hà Nội.

Thực hiện nhiệm vụ quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan T.Ư của các đoàn thể tại Hà Nội đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Xây dựng đã rà soát 36 cơ quan T.Ư thuộc đối tượng quy hoạch (18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, 8 cơ quan thuộc Chính phủ, 6 cơ quan đoàn thể T.Ư) để xây dựng các phương án quy hoạch cụ thể.

Bộ Xây dựng đã xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ về các phương án quy hoạch. Trong đó, đã xác định số lượng cơ quan cần di dời, địa điểm và phương án quy hoạch chi tiết, tổ chức thực hiện quy hoạch.

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương bố trí hệ thống trụ sở bộ, ngành theo đề xuất của Bộ Xây dựng, trong đó chỉ đạo tập trung phát triển tại khu Tây Hồ Tây (khoảng 35ha) và một phần tại khu vực Mễ Trì.

Phương án di dời gồm 2 nhóm: Nhóm cơ quan đã xây dựng trụ sở tại vị trí mới và cải tạo chỉnh trang tại chỗ gồm 23 cơ quan, trong đó 8 cơ quan đã được bố trí quỹ đất và thực hiện đầu tư xây mới, 15 cơ quan thực hiện cải tạo tại chỗ; nhóm cơ quan đề xuất di dời gồm 13 cơ quan.

Đến nay, Bộ Xây dựng đã hoàn thành tổ chức Cuộc thi tuyển ý tưởng quy hoạch, kiến trúc tổng thể Khu trụ sở làm việc các bộ, ngành T.Ư tại khu vực Tây Hồ Tây.

Trên cơ sở kết quả thi tuyển, Bộ Xây dựng đang chỉ đạo hoàn thiện Đồ án Quy hoạch hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, ngành trung ương, làm cơ sở triển khai đầu tư xây dựng theo quy hoạch được duyệt; có văn bản gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, cơ quan có liên quan về Đồ án Quy hoạch khu trụ sở bộ, ngành tại Tây Hồ Tây và Mễ Trì, Hà Nội;

Đến ngày 16/9/2022 đã nhận đủ văn bản góp ý trong đó đa số đồng thuận với các nội dung chính của Đồ án; một số cơ quan bổ sung, làm rõ nhu cầu sử dụng trong tương lai.

Tiếp thu các ý kiến đóng góp, Đồ án đã được chỉnh sửa, bổ sung các nội dung phù hợp và hiện đang triển khai lấy thêm ý kiến cộng đồng dân cư tại các khu đất thuộc phạm vi ranh giới nghiên cứu lập đồ án quy hoạch (phường Mễ Trì và phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm), phường Xuân La (quận Tây Hồ), phường Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm).

Công tác này dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 11/2022, trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2022 để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Đề cập khó khăn, hạn chế, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng công tác di dời đòi hỏi nhu cầu vốn ngân sách rất lớn.

Nguồn vốn thực hiện công tác di dời và xây dựng cơ sở mới chưa được bố trí, chưa có phương án huy động nguồn lực xây dựng (cơ chế chính sách, sử dụng quỹ đất sau khi di dời, hình thức huy động nguồn lực, phối hợp các cơ quan liên quan).

Ngoài ra các bộ, ngành và địa phương chưa triển khai đúng tiến độ việc lập quy hoạch và xây dựng các đề án di dời theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (danh mục, tiêu chí, lộ trình, biện pháp di dời).

Về giải pháp, Bộ Xây dựng đã báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành T.Ư và TP Hà Nội cần thúc đẩy tiến độ lập các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, xác định danh mục cơ sở cần phải di dời, lộ trình di dời, biện pháp thực hiện và xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ di dời theo nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao.

Các Bộ Y tế, GD&ĐT, LĐ-TB&XH khẩn trương hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thủ đô theo hướng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và cả nước, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; lập danh mục, xây dựng biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở y tế, cơ sở giáo dục Đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội.

Bộ Tài chính tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, UBND TP Hà Nội, UBND các tỉnh trong vùng Thủ đô xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ di dời, bảo đảm phù hợp với mục tiêu của Chính phủ.

Bộ Xây dựng cũng đề nghị TP Hà Nội khẩn trương triển khai thực hiện công tác rà soát, lập nhiệm vụ và đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội theo chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận;

Lập quy hoạch phân khu đô thị, xác định việc sử dụng quỹ đất phù hợp, hiệu quả, tuân thủ định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, quy hoạch vùng có liên quan;

Đáp ứng nhu cầu của người dân, bảo đảm các yêu cầu về không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, bảo vệ và phát huy công trình kiến trúc có giá trị.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh