CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:20

Đại biểu Quốc hội lo ngại tình trạng một bộ phận “sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy”

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Chúng ta đang phải đối mặt với tình trạng một bộ phận sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Chúng ta đang phải đối mặt với tình trạng một bộ phận sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, sáng 22/10, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023…

Quyết liệt phân cấp phân quyền

Các đại biểu Quốc hội cho rằng, mặc dù gặp nhiều khó khăn, song tình hình kinh tế - xã hội trong 9 tháng phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm trong điều kiện gặp nhiều khó khăn.

Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 8,83%; an sinh xã hội được đảm bảo... Với những kết quả đạt được sẽ là điều kiện để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kinh tế- xã hội của nhiệm kỳ 2020- 2025.

Chia sẻ với các đại biểu Quốc hội, tại tổ Thanh Hóa, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nêu, như các đại biểu đã nói, điều băn khoăn nhất hiện nay là nguồn lực để phát triển thì có, đầu tư công, rồi Chương trình phục hồi Kinh tế Xã hội, và các chương trình mục tiêu… đều có cả, nhưng đầu tư chậm, chưa hiệu quả. “Đây là vấn đề rất trăn trở”, ông Dung nói.

“Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức rất nhiều cuộc họp, nhiều cuộc làm việc, để tháo gỡ khó khăn này. Khó khăn thì có nhiều nguyên nhân, do chúng ta, khâu tổ chức thực hiện, do con người. Có những nguyên nhân mà chúng ta chưa dám nói thẳng với nhau, chưa dám tháo gỡ.

Đại biểu Lại Thế Nguyên (đoàn Thanh Hóa): Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư đạt thấp do phân bổ vốn chậm, thủ tục hành chính mất nhiều thời gian

Đại biểu Lại Thế Nguyên (đoàn Thanh Hóa): Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư đạt thấp do phân bổ vốn chậm, thủ tục hành chính mất nhiều thời gian

Ông Dung nhấn mạnh, tại sao mấy năm trước đây các doanh nghiệp, nhà đầu tư mặn mà với các công trình nhưng bây giờ các cơ quan thẩm định cũng không dám thẩm định, các nhà đầu tư cũng không dám tham gia đầu tư?

Lý giải chuyện này, Lãnh đạo Bộ Lao động cho rằng, nguyên nhân thứ nhất nằm ở rủi ro pháp lý, một phần do khâu tổ chức thực hiện. Thứ nữa là do giá cả leo thang, đưa ra thông báo giá không phù hợp thực tiễn nên các nhà đầu tư chưa làm đã lỗ, càng làm càng lỗ. Vì thế theo ông Dung, dứt khoát phải thay đổi, phải thay đổi được tư duy, cởi trói được cái này.

Một nguyên nhân nữa được Bộ trưởng Đào Ngọc Dung “gọi tên”, đó là vấn đề phân cấp phân quyền. Ông cho hay, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt phân cấp phân quyền, đi liền với đó là cá thể hóa trách nhiệm.

“Thế nhưng rõ ràng ở đâu đó phân cấp, phân quyền chưa đến nơi đến chốn. Thậm chí có những nơi, những việc, tạm gọi là “chia quyền” cho nhau, do đó không trôi chảy”, ông thẳng thắn và chia sẻ thêm, chúng ta cũng đang phải đối mặt với tình trạng một bộ phận sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy. Việc khó là không ký, việc khó là không nhận. Có nhiều nguyên nhân nhưng “sợ rủi ro, sợ trách nhiệm” là có thật.

Và hệ lụy do chậm giải quyết đã ảnh hưởng tới lĩnh vực y tế cơ sở, y tế dự phòng, thuốc men, bệnh viện. Trong đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, hiện Luật Đấu thầu đang bộc lộ nhiều hạn chế, yêu cầu phải thực hiện qua rất nhiều cửa, thủ tục, chi phí, kìm hãm sự phát triển.

“Rồi thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp,… chưa lành mạnh, ổn định…, có nhiều nguyên nhân như các đại biểu Quốc hội vừa phát biểu”, ông nói.

Đại biểu Nguyễn Trí Thức (TP.HCM)

Đại biểu Nguyễn Trí Thức (TP.HCM)

Việc phân bổ, chuyển mục đích sử dụng đất chưa phù hợp

Ngoài ra, ông Dung cũng nêu, còn một vấn đề nữa mà các tỉnh đều đang gặp phải nhưng “tôi thấy không có tỉnh nào nói, đó là đất đai nông trường lên đến hàng triệu km2, người dân đang được phát canh thu tô, làm nhà mấy chục năm nhưng không được cấp sổ đỏ, không có đất sản xuất”.

“Đi cuộc nào tiếp xúc cử tri cũng phản ánh chuyện này. Tôi đề nghị Quốc hội vào cuộc, chỉ có Quốc hội mới tháo gỡ được, không ai tháo gỡ được khó khăn này. Mà nếu không tháo gỡ được chuyện này thì còn khó khăn cho người dân”, Bộ trưởng Đào Ngọ Dung nhấn mạnh.

Đồng thuận, ông Lại Thế Nguyên, (Trưởng đoàn Thanh Hóa) nêu, việc phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất, nhất là chuyển mục đích sử dụng đất 2 lúa sang làm đất công nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đất phát triển đô thị chưa phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương, nên các địa phương lúng túng trong thu hút đầu tư.

Vẫn theo ông Nguyên, tuy đạt được những kết quả rất phấn khởi, nhưng trên tinh thần thẳng thắn, cầu thị, không chủ quan, thỏa mãn, thì còn nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc cần tập trung tháo gỡ.

Đại biểu nêu rõ: Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư đạt thấp do phân bổ vốn chậm, thủ tục hành chính mất nhiều thời gian; công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc; giá vật tư tăng cao trong khi cơ quan có thẩm quyền công bố giá không sát với thực tế.

Ông Lại Thế Nguyên cũng nêu thêm một số khó khăn, vướng mắc, như: Hiện nay, những vướng mắc, nhất là sự chồng chéo trong quy định giữa luật đấu thầu với luật đất đai chậm được tháo gỡ, ảnh hưởng lớn đến tiến độ của các dự án. Cơ cấu tăng thu ngân sách tương đối thấp, tỷ trọng thu từ đất còn lớn so với các khu vực sản xuất. Mặc dù Chính phủ mới bổ sung 27.850 biên chế giáo viên, tuy nhiên tình trạng thừa, thiếu giáo viên hiện vẫn đang là vấn đề nan giải…

Toàn cảnh thảo luận tại Tổ 11 (Đoàn ĐBQH Thanh Hóa, Tuyên Quang, Cà Mau)

Toàn cảnh thảo luận tại Tổ 11 (Đoàn ĐBQH Thanh Hóa, Tuyên Quang, Cà Mau)

Chậm xử lý sẽ có nguy cơ tạo nên “hệ lụy khôn lường”

Còn đại biểu Nguyễn Tri Thức (Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM) cũng trăn trở về tình trạng bác sĩ bệnh viện công chuyển sang tư vì đây “chắc chắn đều là tinh hoa ngành y”. 

Theo ông Thức, nếu không có giải pháp khắc phục thì người nghèo vào bệnh viện không có cơ hội tiếp cận bác sĩ giỏi. Điều này tạo ra sự bất bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Từ đó, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng, trong giai đoạn cấp bách này, Thường vụ Quốc hội cần ra nghị quyết giải quyết tức thì các vấn đề của ngành y trong khi chờ sửa các luật.

Chung mối lo lắng, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nói: “Những vướng mắc trong mua sắm thuốc men, hóa chất, vật tư y tế được xử lý còn quá chậm. Điều này, ảnh hưởng đến sự chăm sóc sức khỏe nhân dân, có nguy cơ tạo nên hệ lụy khôn lường, các bệnh viện không có thuốc.

“Hiện nay có rất nhiều câu hỏi là trước dịch mua thuốc, vật tư trang thiết bị không vấn đề gì nhưng hết dịch mua lại khó do những thông tư, nghị định vừa mới ra đời đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc mua sắm”, bác sỹ Nguyễn Lân Hiếu trăn trở.

Hình thức đấu thầu thuốc hóa chất, vật tư tiêu hao hiệu quả nhất lúc này theo ông Hiếu là quay lại “cái cũ”, tức là giao lại trực tiếp cho đơn vị sử dụng chứ đấu thầu tập trung tất cả các nơi đều khó khăn.

“Bộ khó đằng bộ, sở khó đằng sở nên cần giao lại cho các đơn vị sử dụng trực tiếp đấu thầu, chịu trách nhiệm cá nhân”, ông Lân Hiếu nêu ý kiến và nói thêm, bệnh viện là người sử dụng trực tiếp nên sẽ hiểu rõ nhất nhu cầu, số lượng, chất lượng những mặt hàng cần mua. 

Ngoài ra, theo ông Hiếu, các thông tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cần quy định rõ ràng, cụ thể để các bệnh viện có tiêu chuẩn, tiêu chí đưa ra trong hồ sơ mời thầu, để lựa chọn được hàng hóa tốt nhất.

Đề nghị tăng lương cơ sở từ 1/1/2023

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) nêu, cử tri băn khoăn với tình trạng 40.000 công chức, viên chức xin nghỉ việc, chuyển việc trong 2,5 năm qua, trong đó, công chức, viên chức ngành giáo dục và y tế xin chuyển việc, nghỉ việc nhiều nhất.

Theo đại biểu Khánh, lý do chính vẫn là áp lực công việc và thu nhập thấp. Ông nêu ví dụ một bác sĩ học chuyên khoa ở Hà Nội đi làm thêm buổi tối cũng được trả mấy trăm nghìn đồng mỗi ca. Trong khi đó, lương của bác sĩ ở Lai Châu chỉ theo ngạch, bậc lương công chức viên chức.

Đại biểu cho biết, cử tri kiến nghị rất nhiều về việc tăng lương. Trong đó, sớm tăng lương cơ sở để từng bước tháo gỡ khó khăn. Còn những vấn đề như môi trường làm việc, cơ hội thăng tiến sẽ thực hiện từng bước một.

Còn đại biểu Quốc hội Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) cho hay, cử tri có nguyện vọng được thực hiện sớm hơn 6 tháng. Thay vì 1/7/2023, cử tri mong muốn được thực hiện tăng lương cơ sở từ 1/1/2023.

“Cử tri kiến nghị tăng lương cơ sở là rất quý nhưng làm sao để bình ổn giá cũng quan trọng. Nếu như giá cả ổn định thì vấn đề tăng lương cơ sở mới có giá trị”, ông Thái nói nói thêm.

Thanh Nhung (Ảnh: Mạnh Dũng)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh