THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 04:52

Sau ba lần “lỗi hẹn”, thời điểm này đã “chín muồi” để cải cách tiền lương

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại Tổ

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại Tổ

Sáng ngày 22/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023.

Thị trường lao động phục hồi nhanh, đời sống người dân cải thiện

Thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung (đại biểu Quốc hội đoàn Thanh Hóa) khẳng định, năm 2022, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, tập thể Chính phủ, các thành viên chính phủ nỗ lực cao nhất trong bối cảnh chịu tác động nhiều chiều từ thế giới, và trong nước.

Tán thành ý kiến của đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) phát biểu trước đó, rằng trong báo cáo đánh giá chưa nêu được hết cải cách tích cực nhất, có tính cách mạng nhất trong các giải pháp của Chính phủ, đó là việc ban hành kịp thời Nghị quyết 108. Bộ trưởng cũng lấy làm tiếc, báo cáo đã nói hơi mờ nhạt, trong khi đây thực sự là “một quyết sách mang tính chất lịch sử, để chuyển hướng cho nền kinh tế”; đảm bảo chăm sóc sức khỏe, đời sống tinh thần người dân, người lao động; đồng thời, mở của để sản xuất, du lịch… đem lại những kết quả tích cực về Kinh tế - Xã hội.

Cụ thể, theo Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, có 4 thành tựu rất rõ ràng. Đó là tốc độ tăng trưởng của chúng ta trong bối cảnh như vừa qua là một kỳ tích. Thứ hai, là kiềm chế được lạm phát, trong khi thế giới rơi vào bão lạm phát thì chúng ta giữ được một tỷ lệ cho phép, “đó là điều đáng mừng”; Thứ ba, các cân đối lớn đều được đảm bảo.

Thứ tư, là tỷ lệ thất nghiệp của người dân, người lao động và các cân đối lớn trong lĩnh vực xây dựng một thị trường lao động - một trong 5 thị trường của kinh tế, cũng được đảm bảo.

Đi liền với đó, bày tỏ sự vui mừng khi đời sống người dân cũng cải thiện một bước, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, trong quý III vừa rồi thu nhập bình quân của người lao động lên tới 7,6 triệu đồng/ tháng, tăng khoảng 1,6 triệu đồng/ tháng so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng quý III so với quý II cũng tăng trưởng rất nhanh.

Toàn cảnh thảo luận tổ

Toàn cảnh thảo luận tổ

 

Cải cách tiền lương: Người lao động mong chờ

Về điều chỉnh chính sách tiền lương, và cải cách chính sách tiền lương, “chúng ta mơ ước từ lâu rồi, và đã ba lần lỗi hẹn với cán bộ công chức viên chức về cải cách chính sách tiền lương”.

Năm 2018, Trung ương Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương, và Nghị quyết 28 về cải cách chính sách BHXH. “Người dân, người lao động rất hồ hởi, rất chờ đợi, nhưng như tôi nói chúng ta đã “3 lần lỗi hẹn” rồi”, ông Dung nhắc lại, theo dự kiến, sẽ thực hiện trong năm 2021, nhưng vì dịch, nên tạm dừng.

“Đến thời điểm này đã chín muồi để cải cách chính sách tiền lương. Người lao động mong chờ điều này từ lâu rồi. Nếu cải cách chính sách tiền lương theo như lộ trình Nghị quyết 27 thì cần khoảng 248 nghìn tỷ, vì chúng ta cân đối nhiều chiều, nhiều cân đối khác nhau, do đó điều chỉnh mức lương cơ sở, theo tôi đây là giải pháp có thể chấp nhận được trong giai đoạn hiện nay”, ông nhấn mạnh.

Cho rằng cải cách tiền lương người lao động “cần lắm rồi”, Bộ trưởng nêu thực tế, kỹ sư ra trường lương khởi điểm 3,5 triệu đồng, viên chức 2,2 triệu đồng, trong khi đó mức lương tối thiểu vùng thấp nhất cũng đã 3,6 triệu và vừa qua điều chỉnh đã lên 4,2 triệu.

“Thu nhập bình quân theo sự khảo sát của chúng tôi tại TP. HCM bình quân để một người dân của TP sống được là 6,5 triệu, trong khi kỹ sư ra trường chỉ 3,5 triệu đồng thì sống thế nào, chưa kể còn gia đình, con cái… Mức lương của công chức hiện nay thấp hơn mức lương tối thiểu, thì rõ ràng phải cải cách, phải điều chỉnh”, do đó, ông Đào Ngọc Dung khẳng định “việc điều chỉnh này theo tôi là thật sự cần thiết rồi”.

Đi liền với nó, theo Bộ trưởng ngoài điều chỉnh mức lương cơ cở, thì còn các đối tượng khác. Có 3 đối tượng kèm theo, gồm: Hưu trí, (trong số này có 2 đối tượng người nghỉ hưu trước 1/1/2022, và nghỉ hưu trước 1995); Lực lượng thứ 2 là khoảng 2,3 triệu người nghỉ hưu được hưởng từ BHXH; Và thứ 3 là Người có công và các lực lượng khác.

Đặc biệt, lãnh đạo Bộ Lao động nêu, nhưng còn một đối tượng nữa trong báo cáo không nhắc đến, đó là cải cách chính sách tiền lương khu vực doanh nghiệp. Hiện nay khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp ngoài nhà nước đang sử dụng chủ yếu là lương tối thiểu vùng. Ông Dung cho rằng, “nếu không cải cách chính sách tiền lương doanh nghiệp thì sẽ kìm hãm sự phát triển”.

3 năm qua, Bộ LĐ-TB&XH đã làm thí điểm ở 3 Tập đoàn rồi, cho thấy hoàn toàn chín muồi để thực hiện, vì thế theo Bộ trưởng, ông nêu ý kiến để Quốc hội xem xét vấn đề này. “Vì cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp không ảnh hưởng đến ngân sách Nhà nước, mà lại giải phóng được sự phát triển cho doanh nghiệp, thì tại sao chúng ta lại không làm”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu quan điểm.

Về phụ cấp cho nhân viên Y tế và Giáo dục, Bộ trưởng khẳng định hoàn toàn ủng hộ và cần làm sớm có phụ cấp cho nhân viên Y tế ở khối Y tế dự phòng và y tế cơ sở.

“Còn các đối tượng y tế ở các bệnh viện lớn, bệnh viên công thì không nhất thiết vì có thể dùng Nghị định 56, Nghị định 60 về "tính đúng, tính đủ" là lo được rồi. Chỉ dùng ngân sách để hỗ trợ cho y tế dự phòng, và y tế cơ sở”, Bộ trưởng Dung nói.

Đồng thời, Bộ trưởng bày tỏ sự trăn trở đối với giáo viên mần non, giáo viên trung học phổ thông, trung học cơ sở. “Đây là những đối tượng tôi đề nghị quan tâm hơn, và phải làm sớm hơn, làm nhanh hơn và thậm chí là mức cao hơn cho họ. Đây là vấn đề nhức nhối lắm, ngoài việc thiếu giáo viên, rồi đời sống khó khăn, nếu không cứ đời sống thế này, giáo viên mầm non bỏ việc hết”, ông Dung nói.

Chuyển đổi số nhanh, phải tập trung đào tạo nhân lực

Tham gia thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023... bên cạnh việc điểm lại các kết quả nổi bật thời gian qua, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nêu 4 vấn đề mà ông quan tâm và cho rằng cần phải chú trọng, đó là ổn định được kinh tế vĩ mô, kìm chế được lạm phát. Để làm tốt hai việc này, theo ông, phải đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng, dầu mỏ, khí đốt, xăng dầu…

Thứ hai, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình phục hồi càng sớm bao nhiêu càng thúc đẩy tăng trưởng bấy nhiêu; Thứ ba, là nhất thiết phải đảm bảo ổn định công ăn việc làm, đời sống cho người lao động, thị trường lao động,

Và đặc biệt, vấn đề thứ tư, Bộ trưởng nêu, hiện chúng ta đang nói nhiều đến “chuyển đổi số”, “chuyển đổi xanh”, chưa kể một thời gian dài, cuộc họp nào, hội nghị nào  cũng nói đến đó là CMCN 4.0, nhưng để các giải pháp thì lại chưa bàn sâu.

“Do đó, tôi đề nghị phải xác định cùng với “chuyển đổi số”, “chuyển đổi xanh” thì phải xác định trước hết cần chuyển đổi nhanh về nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao”, ông Đào Ngọc Dung nói và nhấn mạnh, “Tại sao tôi nói điều này?”, vì để đạt tất cả các mục tiêu chuyển đổi số thì nhân lực là mấu chốt, và hiện chúng ta đang thiếu khoảng 1 triệu nhân lực am hiểu công nghệ thông tin.

Như vậy, muốn chuyển đổi số nhanh thì phải tập trung đào tạo nhân lực, phải chuyển sang giáo dục chất lượng cao, tập trung vào giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp để phát triển nhanh và bền vững lực lượng này.

Để minh chứng, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH viện dẫn, vào ngày 17/10/2012 vừa qua, tại cuộc thi tay nghề thế giới, Việt Nam lần đầu tiên cùng lúc đạt 2 Huy Chương bạc. Có được các kết quả này trong các năm qua, là nhờ sự đầu tư đúng hướng trong lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp. Hiện chúng ta đang được sự hỗ trợ của nước Đức trong Giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao.

“Đây là một hướng chuyển đổi rất nhanh. Trong 3 năm vừa qua, tại sao nhiều ngành nghề, lĩnh vực khó Việt Nam đã đảm nhận được, là vì Giáo dục nghề nghiệp đang sử dụng 34 bộ giáo trình chương trình đào tạo của Đức, và Astrailia đang hỗ trợ chúng ta”, ông Dung nói và khẳng định, có được chất lượng nhân lực cao, phải là quá trình đào tạo bền vững như vậy, chứ không phải ngày 1, ngày 2 mà “ăn” được ngay.

Thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay, theo tinh thần Nghị quyết 27 của trung ương thì từ năm 2021 sẽ thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Nhưng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét rất kỹ lưỡng, thận trọng và quyết định lùi thời điểm cải cách tiền lương trong thời hạn nhất định.

Nếu điều kiện đất nước năm 2023 có sự phát triển kinh tế - xã hội tốt và năm 2024 nếu tăng trưởng kinh tế vĩ mô ổn định, bền vững, không bị tác động bởi các yếu tố khách quan như năm 2020, 2021, 2022 thì có thể triển khai được chính sách cải cách tiền lương”, Bà Trà phát biểu.

Thành Công - Quý Đức

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh