THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 09:02

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Các chính sách an sinh xã hội đã được triển khai kịp thời, thiết thực và hiệu quả

Hỗ trợ 87 nghìn tỷ cho trên 56 triệu lượt người với những chính sách chưa từng có tiền lệ

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, các chính sách an sinh xã hội thực hiện thời gian qua đã được thể hiện rất cụ thể trong Báo cáo mà Thủ tướng Chính phủ đã trình bày.

Các chính sách ưu đãi đối với người có công, bảo trợ xã hội, người yếu thế, người nghèo đều được quan tâm và có nhiều chính sách hỗ trợ vượt trội. Chúng ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp nhằm chăm sóc, hỗ trợ người dân, người cao tuổi, phụ nữ sinh con và trẻ em bị tác động bởi đại dịch COVID - 19, nhất là trẻ em mồ côi. Nhiều chính sách hỗ trợ chưa từng có tiền lệ đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ quyết định ban hành một cách nhanh nhất, thủ tục hồ sơ đơn giản nhất và triển khai quyết liệt, đem lại hiệu quả thiết thực nhất. Sau Nghị quyết 30 của Chính phủ, chúng ta đã ban hành Nghị quyết 68, Nghị quyết 116 và Quyết định 08. Đến nay đã hỗ trợ 87 nghìn tỷ cho trên 56 triệu lượt người lao động, người dân và trên 730 nghìn người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

“Thông thường hàng năm, ngoài các chính sách thường xuyên thì chúng ta chỉ hỗ trợ đột xuất được khoảng 1 triệu người, nhưng hơn một năm qua chúng ta hỗ trợ tới 87 nghìn tỷ cho trên 56 triệu lượt người lao động và trên 730 nghìn người sử dụng lao động - đây là điều chưa bao giờ có tiền lệ. Ở các nước, thông thường các chính sách này được phát đại trà, nhưng với chúng ta, đối tượng thì đa dạng, lĩnh vực thì rộng lớn, kinh phí đòi hỏi phải triển khai nhanh. Chính những chính sách này đã góp phần rất quan trọng để ổn định lòng dân, thu hút người lao động quay trở lại và lực lượng lao động yên tâm làm việc, góp phần rất quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế”- Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao đổi thêm về một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm sáng 28/10

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao đổi thêm về một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm sáng 28/10

Giảm nghèo bền vững - Một trong ba chương trình hoàn thiện nhanh nhất, sớm nhất và đồng bộ nhất

Về đời sống nhân dân trong thời gian qua, Bộ trưởng khẳng định đã được cải thiện một bước, mặc dù vẫn còn một bộ phận khó khăn. Thu nhập bình quân người lao động quý 3 qua khảo sát của Tổng Cục thống kê  đạt 7,6 triệu đồng, tăng 1,6 triệu so với cùng kỳ năm 2021. Riêng khu vực dịch vụ bình quân đạt trên 8 triệu đồng, tăng 29,4%. Điều này cho thấy cuộc sống và thu nhập của người dân đã dần trở lại bình thường. Thu nhập tăng, đời sống được cải thiện, một số vấn đề về nhà ở, các chính sách an sinh, các nhu cầu thiết yếu cũng đã được các địa phương, các cấp các ngành quan tâm nhiều hơn, thiết thực hơn.

“Riêng về chương trình giảm nghèo bền vững, đây là một trong ba chương trình hoàn thiện nhanh nhất, sớm nhất và đồng bộ nhất. Chúng tôi đã hoàn thành tất cả các văn bản, thể chế và đến nay tất cả các địa phương đều đã phân bổ các chương trình dự án, các chỉ tiêu giảm nghèo về cơ bản đạt được. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã quan tâm và trực tiếp chỉ đạo lĩnh vực này để tạo ra phong trào toàn xã hội chăm lo cho ngươi nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau.”, Bộ trưởng thông tin.

Về vấn đề lao động, nhìn tổng quát cho thấy,  lực lượng lao động phục hồi nhanh. “Nếu cách đây 1 năm, chúng ta rất lo lắng khi đại dịch tấn công vào các khu công nghiệp, khu chế xuất- nơi là thành trì của phát triển kinh tế, rồi dòng người gần 3 triệu người di chuyển từ TP.HCM và các cực tăng trưởng về các địa phương thì đến giờ này có thể khẳng định, chúng ta đã không để đứt gãy chuỗi cung ứng về lao động, chúng ta đã trở lại bình thường, nhanh hơn so với dự báo của các tổ chức quốc tế. Đến nay, quy mô lao động của chúng ta đã đạt 51,9 triệu người, tăng 2,8 triệu người so với cùng kỳ. Tỷ lệ lao động tham gia vào thị trường lao động đạt 68,7%, tỷ lệ thất nghiệp trong quý 3 là 2,28%. Như vậy có thể thấy, chúng ta thuộc các quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp.”- Bộ trưởng nói.  

Về công tác giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định đã có chuyển biến tích cực hơn về cả quy mô lẫn chất lượng. Người học nghề tăng lên, nhận thức xã hội của gia đình, của người học có chuyển biến, đào tạo chất lượng cao được chú trọng hơn. Điều đáng mừng là kỹ năng nghề của người lao động Việt Nam được tăng cường, tỷ lệ lao động có việc làm phù hợp với ngành nghề, trình độ đào tạo được tăng lên, lao động Việt Nam tham gia vào công tác quản lý trong các doanh nghiệp FDI tăng nhanh và chúng ta đã đảm nhận nhiều vị trí, lĩnh vực việc làm phức tạp mà trước đây đều phải do chuyên gia nước ngoài đảm nhận, nhất là các lĩnh vực cơ điện tử, hàn, viễn thông, dầu khí….

“Tại cuộc thi tay nghề thế giới ngày 17/10 vừa qua, Việt Nam đạt 2 Huy chương Bạc và đây là cuộc thi diễn ra tại Đức với gần 100 quốc gia tham gia. Kết quả này là thành tích tốt nhất của Việt Nam từ trước đến nay.”- Bộ trưởng cho biết.

Đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận về tình hình KT-XH sáng 28/10

Đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận về tình hình KT-XH sáng 28/10

Tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Tuy nhiên, Tư lệnh ngành LĐ-TB&XH cũng thừa nhận, nhìn chung về công tác đảm bảo an sinh xã hội và các chính sách xã hội, giảm nghèo bền vững của chúng ta còn nhiều thách thức. Cả nước hiện nay còn 2,4 triệu hộ nghèo và cận nghèo, chiếm trên 9% số hộ gia đình theo tiêu chí mới. Đời sống một bộ phận nhân dân còn khó khăn. Lưới an sinh bao phủ còn thấp, nhất là những vấn đề khó khăn của công nhân, các thiết chế văn hóa- xã hội dành cho người lao động còn hạn chế. Lao động có chứng chỉ bằng cấp còn thấp, chất lượng nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, là tình trạng  thiếu lao động cục bộ, đặc biệt là thiếu nhân lực chất lượng cao dẫn đến  năng suất lao động thấp. Lao động phi chính thức còn chiếm tỷ lệ cao, dịch chuyển lao động, chuyển đổi nhân lực thấp. Kết quả giảm nghèo năm 2022 tuy đạt được chỉ tiêu nhưng ở mức thấp- thấp nhất trong những năm qua. "Đây là vấn đề chúng ta phải nhìn nhận một cách đầy đủ”- Bộ tưởng Đào Ngọc Dung nói

Trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết  sẽ tiếp tục tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư  sớm ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với giáo dục nghề nghiệp và xây dựng thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững phát triển. Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển thị trường lao động động mà nòng cốt là đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, gắn kết cung cầu lao động, góp phần chuyển dịch, nâng cao năng suất lao động. Đầu tư các chương trình đầu tư công, phát triển các trường, trung tâm dạy nghề chất lượng cao, khẩn trương hoàn thiện, tiếp nhận chuyển giao chương trình đào tạo hàng đầu thế giới, phấn đấu vào top ASEAN 4 và một số trường đạt chuẩn quốc tế. Định hướng đưa ra là thực hiện “đào tạo kép” với cơ chế doanh nghiệp, nhà nước và người học cùng tham gia, mỗi doanh nghiệp lớn sẽ là một trường thực hành; nhất quán chủ trương phân luồng sớm, phân luồng mạnh, nâng cao tỷ lệ lao động có chứng chỉ bằng cấp, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục nghề nghiệp, nhất là kỹ năng nghề

Về vấn đề vướng mắc trong việc công nhận học sinh cấp 2, cấp 3 trong các trường nghề, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, vấn đề này các đại biểu Quốc hội đã nêu trong rất nhiều kỳ họp. Gần đây, tại phiên chất vấn tại Quốc hội khóa 14 với Bộ trưởng GD-ĐT cũng đã được đặt ra, Chủ tịch Quốc hội đã có kết luận bằng văn bản nhưng thực tế những vướng mắc hiện vẫn chưa được tháo gỡ.

Bộ trưởng cho biết, hiện cả nước có 63 địa phương đều tiến hành tổ chức cho các trường nghề dạy văn hóa, 625 trường nghề vừa tổ chức học nghề vừa học văn hóa, có trên 400 nghìn học sinh đang theo học chương trình này. Vừa học nghề vừa học văn hóa được xác định là việc phù hợp với luật Giáo dục và đã được Bộ GD-ĐT cho áp dụng nhiều năm qua. Nhưng vừa qua, một  cơ quan quản lý nhà nước đã dùng văn bản để khống chế, yêu cầu các địa phương không được thực hiện việc này.

Theo Bộ trưởng, thông lệ quốc tế, tại các nước như Mỹ, Nhật, Singapore… các trường nghề đều thực hiện mô hình vừa học nghề vừa học văn hóa và khẳng định đó là chủ trương đúng. Phần lớn người học chọn học trường nghề vừa tiếp tục học văn hóa là vì không có nhu cầu học cao hơn hoặc gia đình khó khăn. Việc này giúp các cháu sớm tiếp cận thị trường lao động.

"Tôi đã báo cáo Thủ tướng và tối qua Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ NN&PTNT cùng tập trung tháo gỡ vấn đề này. Tôi cũng đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ Giáo dục  quyết tâm trong kỳ họp nhất định gỡ xong vướng mắc này" - Bộ trưởng cam kết.

Châu Giang

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh