THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:57

Bố mẹ ly hôn, tranh giành nhau quyền nuôi con: Nước mắt trẻ em….

 

Theo số liệu thống kê từ Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, từ năm 2015 – 2017, Tổng đài đã hỗ trợ, can thiệp 84 ca liên quan đến tranh chấp quyền nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em có 41/84 ca được can thiệp, hỗ trợ thành công chiếm tỉ lệ 48,8%.

 Trẻ em luôn cần sự yêu thương, chăm sóc của cả bố lẫn mẹ.

 

Bà Nguyễn Thuận Hải, Trưởng phòng Dịch vụ-Tư vấn (phụ trách Tổng đài 111), Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ truyền thông, Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, nhiều trường hợp sau khi được Tổng đài kết nối, cán bộ làm công tác trẻ em phối hợp với các ban ngành ở địa phương đến tư vấn làm việc và gia đình hòa hợp lại người mẹ được trở về chăm sóc con hoặc đón được con, được thăm con. Mẹ của cháu Q (2015) ở huyện Tiên Du, Bắc Ninhlà một ví dụ. Mẹ cháu Q thường xuyên bị bố cháu bạo hành nên đã bỏ về nhà ngoại ở. Mẹ của Q bị cấm không cho đưa cháu Q đi cùng và cũng không được thăm gặp cháu trong khi cháu vẫn chưa cai sữa. Mẹ cháu Q vô cùng đau khổ, đã gọi đến Tổng đài đề nghị giúp đỡ. Nhận được thông tin, Tổng đài đã kết nối với phòng LĐ-TB&XH huyện Tiên Du để tư vấn cho bố cháu Q. Sau khi được tư vấn, bố cháu Q đã hiểu ra vấn đề và sau đó bố mẹ cháu đã làm lành, mẹ cháu đã về nhà để chăm sóc cháu Q.

Hay như trường hợp chị T ở thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương và anh T ở huyện Chợ Lách, Bến Tre chung sống với nhau cách đây 5 năm và sinh cháu Y. Trong giấy khai sinh của trẻ không có tên cha vì khi chị T sinh con thì anh T không thừa nhận. Tuy nhiên, 5 năm sau anh T quay trở lại và đưa bé về Bến Tre. Chị T lo lắng gọi đến Tổng đài. Nhân viên tư vấn đã kết nối với Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Bến Tre yêu cầu xác minh và hỗ trợ. Sau đó, cháu bé đã được trao trả lại cho mẹ an toàn.

Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp chưa thành công trong quá trình can thiệp, hỗ trợ để trẻ được đoàn tụ cùng gia đình. Nguyên nhân chính là do trẻ không có mặt tại địa phương, không xác định được nơi ở của trẻ, do gia đình không muốn tiếp tục hỗ trợ, can thiệp..

Bà Thuận Hải cho biết về trường hợp chị D quê ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An kết hôn với anh T ở huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ sinh ra cháu T (2013). Do giữa hai anh chị có xảy ra mâu thuẫn nên chị D đã làm đơn xin ly hôn đơn phương với anh T và Tòa án quyết định xử cho chị D được trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc con. Tuy nhiên, trước khi Tòa án nhân dân ra quyết định chính thức, chồng chị đã đưa con đi trốn. Sau khi ly hôn, chị D đã gửi đơn đến Chi cục thi hành án dân sự huyện Thanh Ba, Phú Thọ yêu cầu chồng trao trả lại con theo Quyết định của bản án nhưng chồng chị vẫn không chịu trao trả con. Chị D cũng không biết 2 bố con hiện đang ở đâu. Mặc dù Tổng đài đã kết nối với cán bộ địa phương nhưng vì không biết nơi ở hiện tại của trẻ nên không thể can thiệp được.

Hay như trường hợp chị C ở huyện Bình Giang, Hải Dương gọi điện đến Tổng đài  quốc gia bảo vệ trẻ em trình báo về việc chị bị chồng cấm không được gặp và chăm sóc con. Cháu bé tên O (4 tuổi) là con chị C hiện đang ở với bố tại thị xã Bình Giang, Hải Dương. Sau khi Tổng đài kết nối với phòng LĐ-TB&XH huyện Bình Giang được biết: Hai vợ chồng chị C đã ly thân từ lâu, chị C đi xuất khẩu lao động. Khi chị C về nước và hai vợ chồng đã ra Tòa ly hôn. Tòa quyết định mỗi người nuôi một trẻ và chị C nuôi cháu thứ hai. Chồng chị nghiện bài bạc, chơi bời và luôn đe dọa chị C nếu như chị xuất hiện, do vậy chị không được gặp và chăm sóc cháu O. Hiện tại, bà nội đang chăm sóc cháu, Tòa án đang cho người chồng 15 ngày kháng cáo liên quan đến tội cờ bạc. Do chưa có quyết định của Tòa án nên chưa thể dùng hình thức cưỡng chế để đón trẻ về cho mẹ chăm sóc.

“Có những trường hợp trẻ mới 1,5-2 tháng tuổi đã bị tách mẹ khi bố mẹ xảy ra tranh chấp. Đây là tình trạng rất đáng quan ngại cần đề nghị chính quyền địa phương vào cuộc hỗ trợ nhanh và giải quyết dứt điểm để trẻ được về ở với mẹ đảm bảo sự phát triển về thể chất cũng như tinh thần của tr”, bà Hải cho biết.

Để giải quyết được những vụ tranh chấp quyền nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ, bà Hải cho rằng, cần có những quy định cụ thể hướng dẫn việc giải quyết tranh chấp quyền nuôi dưỡng, chăm sóc con khi cha mẹ trong thời kỳ hôn nhân và ly thân. Đồng thời, nghiêm khắc xử lý các cán bộ không thực hiện đúng trách nhiệm trong việc hỗ trợ người dân để giải quyết tranh chấp quyền nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em. Ở mỗi địa phương, nên khuyến khích thành lập các câu lạc bộ tư vấn về hôn nhân và gia đình để cung cấp các kỹ năng ứng xử cần thiết trong mối quan hệ gia đình, giúp phòng ngừa, hạn chế các nguy cơ xảy ra mâu thuẫn.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh