THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 12:08

Thiếu dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho trẻ em vùng sâu vùng xa

 

Các vấn đề về sức khoẻ tâm thần và tâm lý xã hội ngày càng phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt là ở trẻ em và thanh niên. Mặc dù đã có nhiều tiến bộ nhưng các dịch vụ chăm sóc và ứng phó tại Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về chăm sóc sức khỏe tâm thần. Việc thiếu các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm thần đặc biệt nghiêm trọng ở các tỉnh vùng sâu vùng xa dẫn tới việc không ngăn ngừa được tình trạng tự tử vì những người có biểu hiện rối loạn về sức khỏe tâm thần không được điều trị. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới các ý định và hành động tự sát.

Trẻ em miền núi rất cần được hỗ trợ tâm lý.

 

Ông Friday Nwaigwe, Trưởng Chương trình Vì sự sống còn và phát triển của trẻ em ( UNICEF Việt Nam) cho rằng: "Mọi trẻ em đều có quyền cơ bản là được sống và phát triển tối đa, cũng như quyền đạt được tiêu chuẩn sức khoẻ tối ưu nhất. Các vấn đề về sức khỏe tâm thần xảy ra khi còn nhỏ sẽ làm tốn nhiều chi phí ở tuổi trưởng thành. Nếu không được điều trị, những điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển, thành tựu học tập và tiềm năng của các em, làm cho các em không có được cuộc sống đầy đủ và hữu ích. Trẻ em bị rối loạn tâm thần phải đối mặt với những thách thức lớn do bị kỳ thị, cô lập và phân biệt đối xử, ít có khả năng được tiếp cận với các cơ sở chăm sóc sức khoẻ và giáo dục, điều này đã vi phạm quyền cơ bản của các em".

Báo cáo Nghiên cứu này chỉ ra rằng trong khi các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm thần và tâm lý xã hội được cung cấp thông qua các trung tâm bảo trợ và phúc lợi xã hội, bệnh viện tâm thần và các phòng tư vấn tâm lý trong trường học, chất lượng và độ bao phủ của các dịch vụ này còn hạn chế và thường tập trung vào những rối loạn sức khoẻ tâm thần nặng. Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, bác sỹ, nhân lực bác sỹ về chuyên khoa tâm thần nhi ở Việt Nam cũng rất ít và chưa được chú trọng nên chuyên sâu về chẩn đoán điều trị cho tâm thần nhi hiện nay rất hạn chế.

Phát biểu tại hội thảo công bố nghiên cứu Sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh niên tại một số tỉnh/thành phố ở Việt Nam, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan đánh giá cao việc chia sẻ kết quả của báo cáo này và nhấn mạnh rằng: “Những phát hiện này cung cấp bằng chứng thực tế nhằm giúp các ngành và các địa phương xây dựng và triển khai hệ thống dịch vụ toàn diện để đáp ứng nhu cầu hỗ trợ về sức khoẻ tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh niên ở Việt Nam”.

Báo cáo nghiên cứu Sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh niên tại một số tỉnh/thành phố ở Việt Nam đưa ra một số khuyến nghị, trong đó có khuyến nghị về tầm quan trọng của việc Chính phủ Việt Nam tăng cường và nâng cao số lượng cũng như chất lượng nguồn nhân lực cho chăm sóc sức khoẻ tâm thần trong khu vực công và số lượng và loại hình dịch vụ, đặc biệt các dịch vụ liên quan đến vấn đề sức khoẻ tâm thần thể nhẹ hơn. Nghiên cứu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức về nhu cầu giải quyết tình trạng tâm lý xã hội của trẻ em và thanh niên, tất cả những điều đó sẽ không thể thực hiện nếu không có khung chính sách, phân bổ ngân sách nhà nước phù hợp và sự hợp tác giữa các bộ, ngành khác nhau.

Dựa vào một loạt cuộc phỏng vấn với các nhà cung cấp dịch vụ, người trưởng thành, trẻ em/thanh thiếu niên, Báo cáo nghiên cứu này nhấn mạnh tầm quan trọng của yếu tố bảo vệ gồm môi trường gia đình gắn kết, mạng lưới xã hội và bạn bè tốt, giáo viên hỗ trợ và tấm gương để noi theo. Điều kiện kinh tế hộ gia đình tốt hơn cũng như sự có sẵn của các dịch vụ cũng giúp giảm bớt gánh nặng lên trẻ em, qua đó giảm bớt những căng thẳng tiềm ẩn.

Nghiên cứu này khẳng định: Tự tử và nỗ lực tự tử đặc biệt ở trẻ em và thanh niên là một vấn đề ở Việt Nam, và báo cáo này cũng xem xét những nhận thức chủ yếu quanh vấn đề này. Mặc dù tỷ lệ tự tử ở thanh thiếu niên Việt Nam tương đối thấp so với các nước trong khu vực, tuy nhiên tỉ lệ tự tử ở Việt Nam đang gia tăng và cần phải có hành động để giải quyết vấn đề này. Những người được phỏng vấn có xu hướng cho rằng trẻ em gái nhạy cảm với vấn đề tự tử hơn trẻ em trai. Ngoài ra, ở Điện Biên, lá ngón có độc dường như khiến việc tự tử dễ dàng hơn, đặc biệt đối với những em gái người Mông do các em sống gần nơi có lá ngón. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu có rất ít số liệu để chứng minh điều này, do đó cần phải thận trọng trước khi khái quát hóa vấn đề tự tử ở nhóm dân tộc cụ thể hoặc giữa trẻ em trai và trẻ em gái.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh