THỨ SÁU, NGÀY 15 THÁNG 11 NĂM 2024 05:14

Bố mẹ hay quát mắng, trẻ có thể bị sang chấn tâm lý

 

Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ rất dễ bị khủng hoảng tâm lý nếu thường xuyên bị bố mẹ hay thầy cô quát mắng. Qua nghiên cứu xã hội học cho thấy, những đứa trẻ coi việc la hét của bố mẹ như một mối đe dọa, chúng có cảm giác như đang mất đi sự an toàn và tự tin. Việc la hét, quát mắng trẻ diễn ra thường xuyên có thể gây ra những vấn đề tâm lý ở trẻ như căng thẳng, lo âu, sợ hãi, mất ngủ, chậm phát triển, ngoài ra cũng sẽ dẫn đến những vấn đề về hành vi, học tập, giao tiếp xã hội, tình cảm hay kỹ năng phản ứng và vượt qua những thử thách trong cuộc sống.

Ngày nay, vẫn còn nhiều phụ huynh có tư tưởng “yêu có roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Vì thế, việc con chưa ngoan bố mẹ mắng là điều đương nhiên. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng hiểu được điều này của người lớn.  Ngược lại, đứa trẻ sẽ cảm thấy bất an khi bị la mắng. Và rất có thể những câu nói tưởng thoáng qua đó sẽ hằn sâu trong tâm trí con, trở thành những kỷ niệm đáng sợ cho các con, để dần dần chúng sẽ cảm thấy sợ mỗi khi ở nhà. Việc la mắng trẻ có thể làm ảnh hưởng đến nhận thức, khiến con cảm thấy tự ti về bản thân, thấy mình không có giá trị. Bên cạnh đó, những lời chỉ trích quá mức còn có thể làm giảm sự ngưỡng mộ và tôn trọng của con trẻ dành cho người lớn.

 

Bố mẹ nên dành nhiều thời gian để trò chuyện, chia sẻ cùng con.

 

 Theo các chuyên gia tâm lý, la hét, quát mắng không phải một công cụ giúp tạo tính kỷ luật hiệu quả. Nó giống như một cách để cha mẹ thể hiện cơn giận dữ và sự mất kiên nhẫn của riêng mình hơn là cách để hướng dẫn hành vi đúng cho con cái. Và đương nhiên phương pháp giáo dục kiểu này không bao giờ giúp chúng ta trở thành những ông bố, bà mẹ tốt.

Nhiều gia đình khi dọa nạt con bằng lời nói hay hình ảnh như: ông ba bị, ngáo ộp, ma quỷ hay chê bai con kém cỏi đã không nghĩ rằng điều đó làm cho đứa trẻ bị tổn thương nặng nề, lâu dần sinh ra tự ti, chán ghét mọi người, và nhất là chán ghét chính người anh/em/chị mà nó bị đem ra so sánh. Đã có những đứa trẻ bị bố mẹ trói trước nhà, bắt bò giữa đường, lột đồ giữa đông người... Những cách hành hạ đau hơn bất kỳ vết thương nào về thân xác.

Bạo lực tinh thần khó phát hiện và xử lý, lại có chiều hướng gia tăng khi kinh tế - xã hội phát triển. Theo các nhà nghiên cứu, trẻ từ 5 -10 tuổi dễ bị tổn thương tinh thần nhất.

Không chỉ quát mắng, một số phụ huynh vẫn có thói bạo lực đối với con. Những trận đòn roi sẽ gây nên nỗi khiếp sợ mà tai hại hơn là để lại trong đầu óc con trẻ những di chứng tinh thần nghiêm trọng. Chính điều này khiến trẻ nảy sinh tư tưởng tự tử, học kém, dễ có hành động bạo lực, hoặc tâm tính thụ động, mắc bệnh đau đầu, đau dạ dày...

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, một trẻ em đã từng bị bạo hành thường sẽ có những biểu hiện tâm lý đặc trưng, dễ dàng đoán biết như: hay tỏ ra giận dữ, gắt gỏng, buồn chán, ăn ngủ bất thường hoặc hay bị ám ảnh là sẽ bị bỏ rơi, hay mơ ác mộng... Theo một số nghiên cứu ở Mỹ, những em bị bắt nạt thường bị cô lập nên không muốn đến trường. Các em rất dễ bị trầm cảm và luôn có cảm giác thấp kém, những điều sẽ gây khó khăn cho cuộc sống của các em ngay cả lúc đã trưởng thành.

Thay vì đánh đập hay quát mắng khi con làm chưa tốt, bố mẹ nên bình tĩnh và tìm cách trò chuyện với con. “Roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời nói”. Chính những chia sẻ, lời khuyên của bố mẹ sẽ mang lại hiệu quả tích cực hơn cho trẻ.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh