THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:22

Cách sơ cứu khi trẻ bị hóc dị vật

 

Theo đó, người lớn tuyệt đối không cho trẻ chơi các đồ chơi có thể nhét vừa vào miệng, nhất là với trẻ còn quá nhỏ. Các loại đồ chơi thường ghi rất rõ dành cho trẻ từ bao nhiêu tuổi, đây là cơ sở rất quan trọng để phụ huynh quyết định chọn đồ chơi phù hợp lứa tuổi trẻ. Khi cho trẻ ăn uống, cần bỏ hạt và nên tách nhỏ trước khi cho trẻ ăn với những loại trái cây trơn, tròn như vải, nhãn… Ngoài ra, trẻ nhỏ khi ăn thường có thói quen vừa ăn vừa chạy nhảy nên rất dễ bị sặc, hóc. Đặc biệt là ở trẻ nhỏ biếng ăn, khi ăn người lớn thường hay pha trò nên trẻ rất dễ bị sặc. Vì thế, hãy tập cho trẻ thói quen khi ăn không cười đùa, chạy nhảy.

Thông thường, khi thấy con hóc, việc người lớn hay làm đầu tiên là đưa tay vào cổ họng trẻ để móc dị vật ra dù có nhìn hay không nhìn thấy dị vật. Việc làm này vô hình chung đã kích thích phản xạ co thắt thanh quản, phản xạ ho đẩy dị vật lên thanh quản gây tắc nghẽn đường thở hoàn toàn và có thể làm trẻ tử vong nhanh chóng (nhất là hóc thạch, miếng thạch hình trụ, trơn, rất dễ bít kín đường thở của trẻ).

Các bước sơ cứu trẻ bị hóc dị vật. 

Như trường hợp một bé trai 8 tháng tuổi ở Cần Thơ bị con bọ cánh cam bay vào miệng. Thấy con ho sặc sụa, người mẹ cuống cuồng dùng tay mình móc miệng bé để lấy ra. Tuy nhiên, hành động này chỉ lấy ra được 1 phần, xác con bọ sau đó vô tình bị đẩy sâu vào khí quản khiến bé trai bị ho, thở rít, tím tái, có dấu hiệu suy hô hấp. Bệnh viện cũng từng cấp cứu một bệnh nhi suýt chết vì chữa hóc bằng mẹo ở Bắc Ninh. Cháu bé không may hóc xương cá rô phi, mẹ cháu bèn cho nuốt cơm cháy để đẩy xương cá xuống dạ dày. Tuy nhiên, nuốt cơm xong, cháu càng đau và sưng vùng cổ nhiều hơn, sốt cao, nhiễm trùng.

Các chuyên gia khuyến cáo, khi nuốt nhầm dị vật nếu không nhớ rõ, cần khai với bác sĩ rõ các triệu chứng bắt đầu và diễn tiến thật chi tiết. Nếu biết rõ nên nhanh chóng đến bệnh viện có đủ điều kiện để được nội soi gắp dị tật ra càng sớm càng tốt, tránh các biến chứng nặng nề. Nội soi tiêu hóa qua đường miệng là phương pháp tốt nhất để chẩn đoán và xử lý dị vật.

Với trẻ dưới 2 tuổi, phát hiện trẻ hóc dị vật cần lập tức cho trẻ nằm sấp dọc trên 1 tay của người lớn (nếu trẻ nặng đặt lên chân), giữ cổ thẳng, để đầu chúc xuống, vỗ giữa lưng trẻ nhiều (chỗ giữa hai xương bả vai), khoảng 5 cái để kích thích ho, dị vật bắn ra theo đường ho.

Sau khi làm xong, nếu trẻ vẫn khó thở, tím tái, cha mẹ cần đặt bé nằm ngửa dọc cánh tay, dùng hai ngón trỏ ấn nhanh, mạnh, đột ngột vào xương ức. Kiểm tra xem bé đã thở, khóc lại chưa, nếu chưa tiếp tục lặp lại động tác này cho đến khi xe cấp cứu tới.

Với trẻ trên 2 tuổi, có thể dùng biện pháp ép bụng (phương pháp Heimlich). Trường hợp trẻ còn tỉnh: Để cho trẻ đứng, người sơ cứu đứng phía sau lưng hoặc quỳ gối, choàng 2 tay ra phía trước ngang thắt lưng. Một tay nắm thành nắm đấm, một tay chồng lên tay còn lại, đặt ngay vào vị trí ở vùng thượng vị, dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh theo hướng từ dưới lên trên 5 cái thật mạnh liên tiếp. Nếu chưa ho dị vật ra có thể lặp lại. Nếu trẻ bị hôn mê, bất tỉnh: Đặt trẻ nằm ngửa, người sơ cứu quỳ gối, tựa hai chân hai bên đùi trẻ. Nắm 2 bàn tay thành nắm đấm, đột ngột ấn vào dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh từ dưới lên trên 5 cái liên tiếp.

Trong tình huống bệnh nhân hôn mê và không thở được, trước tiên phải bắt đầu bằng hà hơi thổi ngạt. Nếu dị vật vẫn chưa ra, trẻ vẫn chưa thở được cần kết hợp hà hơi thổi ngạt và dùng tay ấn cho đến khi dị vật văng ra hoặc bệnh nhân thấy đỡ, tỉnh táo hơn trong khi chờ đợi xe cấp cứu tới.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh