THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:38

Bảo vệ trẻ em tránh bị hóc đồ chơi

 

Câu chuyện về bé trai 9 tháng tuổi ở Bình Phước được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở sau khi nuốt phải đồ chơi loại gắn trên xe tập đi từng xảy ra khiến không ít người bàng hoàng.

Nguời nhà của bé cho biết, trước khi sự việc đau lòng xảy ra thì chiếc nắp đồ chơi đã rơi ra khỏi xe tập đi. Tuy nhiên, gia đình đã không vứt đi mà để lại trong nhà, thật không may, bé lấy chơi rồi nuốt phải nên đã xảy ra tai nạn đáng tiếc trên. Những vụ trẻ nhập viện cấp cứu do nuốt phải đồ chơi không phải là hy hữu bởi vì trẻ con thường hiếu động, nghịch ngợm nên vô tình gặp nạn.

Gia đình anh Nguyễn Hồng V. (TP Hồ Chí Minh) thấy đứa con trai 2 tuổi rưỡi cứ ngồi một góc, ôm cổ khạc như người bị mắc xương. Bé khóc, kêu đau cổ và kể lúc nãy chơi đồ hàng với chị mình, nuốt phải một cái lá bằng nhựa. Anh V. đưa con đến một bệnh viện gần nhà. Bác sĩ chẩn đoán bé có dị vật trong thực quản và gắp ra một chiếc lá khá mềm, đường kính hơn 1 cm, có cấu tạo nhiều nhánh như chiếc xương cá. Trẻ nhỏ và trẻ mới biết đi khám phá thế giới bằng tất cả các bộ phận cảm giác của chúng - kể cả miệng. Và kết quả là chúng đặc biệt thích nuốt các đồ vật như tiền xu, hòn bi, ghim, thuốc viên, khuy áo, các bộ phận của đồ chơi và hột quả.

Lựa chọn đồ chơi cho trẻ đúng độ tuổi. 

Các bác sĩ khuyến cáo, trẻ có thể mắc dị vật đường thở ở khí quản, dị vật này nếu chặn hết đường đi của không khí, trẻ sẽ bị ngạt. Còn nếu dị vật đã đi qua ngã ba khí - phế quản nhưng chưa kịp vào phổi mà mắc lại lưng chừng 1 trong 2 phế quản, trẻ vẫn thở được dù khó khăn hơn. Dị vật tồn tại quá lâu trong cơ thể mà không được phát hiện có thể gây nhiễm trùng và các tổn thương khác. Dị vật đường thở có thể nói là tai nạn nguy hiểm nhất mà đồ chơi có thể gây ra. Nhiều dị vật quá lớn, chèn toàn bộ đường thở có thể khiến trẻ ngộp tức thì và nguy hiểm đến tính mạng. Không chỉ đồ chơi, các vật dụng sinh hoạt gia đình cũng gây nguy hiểm, bởi chúng vốn không phải là đồ chơi, không được sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn. Chẳng hạn, nhiều trẻ cầm cây viết bi ngậm, đầu nút bấm của viết (thường có thể tháo rời) bị sút ra và rơi vào thực quản, khí quản. Trẻ khác thì lại cắn gãy và nuốt luôn đầu nhiệt kế…

Đa số các bé gặp dạng tai nạn này là dưới 4 tuổi. Danh sách dị vật mà các bệnh viện lưu lại khá đa dạng: Hạt cườm, mẩu nhựa, mảnh giấy, mẩu bút chì sáp, miếng xốp, mút đệm, các chi tiết nhỏ đủ hình thù của các loại đồ chơi có thể tháo lắp hoặc dễ gãy rời… Đó là chưa kể nhiều bé bị chấn thương do xe tập đi.

Nhiều gia đình cho trẻ chơi các loại đồ chơi có sử dụng pin, nhiều loại trong số đó có hộc chứa pin rất dễ tháo rời. Sau khi thích thú với những món đồ chơi, nhiều em bé tò mò tháo hộc pin ra và… nuốt thử hoặc bỏ chúng vào tai, mũi. Pin rất nguy hiểm nếu trở thành dị vật, bởi nếu tồn tại trong cơ thể trẻ quá lâu, nó sẽ phân hủy, trong pin lại chứa chì, acid và nhiều chất độc hại khác. Loại pin dễ gây tai nạn nhất là pin dạng nút (như pin đồng hồ) hay pin tiểu. Các bệnh viện đã tiếp nhận nhiều ca nhập viện khi trẻ nuốt, bỏ pin vào mũi đã lâu, có triệu chứng nhiễm độc chì và khi lấy được viên pin ra thì nó đã trong giai đoạn phân hủy. Mặt khác, khi trẻ nuốt phải pin, nếu vào đường thở thì gây ngạt, sặc như các dị vật khác; còn vào đường tiêu hóa tuy ít có biểu hiện cấp tính hơn nhưng cần được lấy ra sớm, bởi pin phân hủy sẽ làm tổn thương đường tiêu hóa.

Không chỉ có dị vật là hạt trái cây mà trẻ còn dễ bị hóc các dị vật khác như các loại thạch, các vật trang trí, trang sức nhỏ… Khi hóc dị vật rất nguy hiểm bởi dị vật chắn vào đường thở khiến nạn nhân nhanh chóng khó thở, suy hô hấp. Điều đáng buồn là nhiều cha mẹ chủ quan bỏ qua những triệu chứng ban đầu ở trẻ. Khi vừa hóc dị vật, trẻ thường khó thở, tím tái, khóc thét nhưng sau đó dị vật trôi xuống khí quản, phế quản thì các dấu hiệu này giảm hoặc hết triệu chứng nên nhiều người nhầm tưởng dị vật đã trôi xuống. Song thực tế có những trường hợp bị khó thở, ho dai dẳng sau đó do dị vật vẫn nằm trong thực quản, đường thở ép vào thanh quản, khí quản. Dị vật gây phản ứng tại chỗ làm bị viêm nhiễm, tiết dịch hoặc có thể gây áp-xe tại chỗ, khiến bệnh nhân bị khó thở, suy hô hấp.

Đã có nhiều trường hợp nhầm tưởng rằng con bị viêm phổi, hen suyễn. Nhiều trẻ được cho dùng kháng sinh kéo dài dẫn đến những biến chứng nặng nề hơn như xẹp phổi, làm mủ trong phổi, hoại tử, áp xe phổi, tràn khí màng phổi...Thậm chí còn để lại những di chứng não nặng nề cho trẻ. Bởi vậy, sau cơn ho sặc sụa của trẻ, dù trẻ đỡ triệu chứng và trở lại bình thường thì cha mẹ cũng cần quan sát, theo dõi. Nếu thấy trẻ húng hắng ho, khò khè cần đưa trẻ tới viện. 

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh