Bình Dương phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp gắn với tạo việc làm
- Giáo dục nghề nghiệp
- 06:57 - 27/05/2023
Gắn kết với doanh nghiệp và gắn kết chặt chẽ với thị trường lao động
Theo ông Phạm Văn Tuyên, PGĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương cho biết, hiện nay toàn tỉnh Bình Dương có 86 cơ sở GDNN, gồm 6 trường cao đẳng, 1 phân hiệu Cao đẳng đường sắt phía Nam, 10 trường trung cấp, 18 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 51 doanh nghiệp đăng ký hoạt động GDNN.
Năm 2022, các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyển sinh được 56.590 người tham gia học nghề (trong đó cao đẳng: 1.525 sinh viên, trung cấp: 4.755 học sinh, sơ cấp và dưới 3 tháng 50.310 học viên) vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (39.000 người); Số người học tốt nghiệp là 40.268 người (trong đó cao đẳng: 1.422 sinh viên, trung cấp: 2.990 học sinh, sơ cấp và dưới 3 tháng 35.856 học viên). Kết quả, tuyển sinh, tốt nghiệp và giải quyết việc làm đã góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2022 đạt 82% (tăng 01% so với năm 2021).
Năm 2023 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định thực hiện mục tiêu phát triển GDNN đến năm 2025, để đáp ứng yêu cầu công việc trong bối cảnh khoa học, công nghệ không ngừng phát triển, Sở LĐ-TB&XH xác định tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về GDNN, nâng cao nhận thức của xã hội về GDNN; Làm tốt công tác tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp theo phương châm lấy chất lượng, hiệu quả là mục tiêu hàng đầu; Tăng cường các giải pháp gắn kết với doanh nghiệp và gắn kết chặt chẽ với thị trường lao động; Nâng cao năng lực cho cán bộ nhà giáo và cán bộ quản lý GDNN, năng lực của cơ sở GDNN; Phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng xã hội hóa; Tập trung triển khai Kế hoạch tuyển sinh học nghề, Kế hoạch dạy nghề sơ cấp, dưới 3 tháng trong năm 2023 đến các địa phương; tổ chức các hoạt động thực hiện Đề án Thành phố thông minh - Bình Dương; tổ chức Kỳ thi Kỹ năng nghề cấp tỉnh năm 2023 và chuẩn bị tuyển chọn huấn luyện các thí sinh đạt giải cao để tham gia Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia…
Tuy nhiên, hiện nay một số trường gặp khó khăn như việc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật và ban hành đơn giá học phí cho các ngành nghề đào tạo, việc linh hoạt quy mô tuyển sinh đào tạo, tiêu chuẩn về kỹ năng nghề của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, vấn đề thu học phí đối với học sinh học nghề tham gia học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT…
Kết nối cung – cầu lao động có hiệu quả, tăng cường thu thập thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp
Theo ông Trịnh Tấn Tài, GĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương, trong Quý 1 có 745 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng với 12.864 lao động, đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 21.004 người.
Ngay từ những ngày đầu năm mới 2023, các doanh nghiệp tại Bình Dương đã nhanh chóng trở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi, các DN trên địa bàn tỉnh cũng đang đối mặt với không ít thách thức không chỉ giảm số lượng đơn hàng mà chi phí sản xuất cũng tăng cao, lợi nhuận sụt giảm, sức mua chưa như kỳ vọng…Những khó khăn này đã được dự báo trước và đã thể hiện rõ từ Quý 3,4/2022 và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại….
Tuy nhiên, với những biến động thị trường như hiện nay doanh nghiệp chỉ có những đơn hàng trước 2, 3 tháng hoặc đến giữa năm…Tình hình lao động, việc làm, đơn hàng của các doanh nghiệp trong quý 1 giảm so với cùng kỳ của năm 2022 tuy nhiên đa số các doanh nghiệp vẫn đủ để duy trì các hoạt động sản xuất và không tổ chức làm thêm giờ (chỉ làm việc 8 tiếng giờ hành chính) một số ít trường hợp doanh nghiệp nhằm duy trì việc làm, giữ chân lao động sẽ bố trí làm việc luân phiên, giảm giờ làm nhằm tạo việc làm ổn định cho người lao động.
Về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp của Quý là hơn 13.000 lao động: nếu như trước đây đầu năm nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp khá ồ ạt thì thị trường tuyển dụng từ cuối năm 2022 đến Quý 1/2023 vẫn chưa có tín hiệu khả quan. Doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng đa số là những doanh nghiệp nhỏ và vừa và số lượng không nhiều, từ vài người đến vài chục người và những doanh nghiệp lớn hầu như không có nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông mà còn cắt giảm. Chính vì số lượng người lao đồng cần việc làm nhiều hơn nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp nên một số doanh nghiệp cũng đưa ra những yêu cầu, tiêu chí tuyển dụng lao động khắt khe hơn trước như: người lao động phải có trình độ học vấn 12/12, kèm theo chứng chỉ, hoặc tay nghề ổn định để vào làm việc ngay mà doanh nghiệp không cần đào tạo lại (vì vậy đây cũng là một trong những vấn đề yêu cầu người lao động phải có ý thức trong việc thường xuyên nâng cao trình độ học vấn, tay nghề chuyên môn để có thể đáp ứng được yêu cầu công việc).
Từ những tín hiệu của thị trường cung – cầu lao động trong những tháng đầu năm 2023, dự báo thị trường lao động của Quý tiếp theo sẽ có những khó khăn và thách thức. Dự báo nhu cầu tuyển dụng trong Quý 2/2023 chỉ cần khoảng 8.000 đến 10.000 lao động, trong đó lao động có tay nghề chiếm từ 75 - 80% tập trung ở các lĩnh vực may quần áo, balo túi xách; gỗ nội thất; cơ khí; ngũ kim... do doanh nghiệp vẫn sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, nhất là trong ngành chế biến, chế tạo.
Để đáp ứng kịp thời nhu cầu lao động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động, Sở LĐ-TB&XH tăng cường thực hiện các giải pháp như: Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, gắn kết giữa đào tạo và việc làm, gắn kết giữa các Trường cao đẳng, trung cấp, Cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp nhằm nâng cao các kỹ năng tay nghề cho người lao động kịp thời nắm bắt công nghệ sản xuất mới tại doang nghiệp.
Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh thu thập thông tin việc làm trống của các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng trên địa bàn tỉnh để tuyên truyền đến người lao động. Tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tiếp, trực tuyến kết nối cung - cầu lao động, tổ chức phỏng vấn online hàng ngày hỗ trợ lao động đến đăng ký bảo hiểm thất nghiệp có cơ hội tiếp cận ngay với doanh nghiệp.
Khảo sát nắm bắt tình hình duy trì việc làm, hỗ trợ tư vấn kịp thời cho những doanh nghiệp có cắt giảm lao động về nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên cùng địa bàn; về thủ tục giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Đẩy mạnh công tác kết nối cung – cầu, tiến hành thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu của người lao động bị mất việc để tiến hành các hoạt động kết nối với doanh nghiệp khác hiện đang có nhu cầu tuyển dụng, giúp người lao động mất việc có cơ hội quay trở lại thị trường lao động. Thông qua việc giải quyết chính sách trợ cấp thất nghiệp cho người lao động; Trung tâm tổ chức tốt việc tư vấn, giới thiệu việc làm mới cho người lao động theo nhu cầu tuyển dụng của các Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, hạn chế thấp nhất tình trạng người lao động bị thất nghiệp.