Bình Dương miền đất hứa “an cư lạc nghiệp”
- Dược liệu
- 14:44 - 30/04/2023
Thành phố đáng sống
Thành phố đáng sống là một thành phố thông qua việc quy hoạch tốt nhằm cung cấp một môi trường sống sôi động, hấp dẫn và an toàn cho người dân sống, làm việc và giải trí. Thành phố này cũng có được sự quản trị tốt, một nền kinh tế đầy tính cạnh tranh, chất lượng cuộc sống cao và bền vững về môi trường.
Mở cửa mời gọi, đón nhận nhà đầu tư trong và ngoài nước, người lao động khắp các tỉnh, thành, sau 25 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương hôm nay đã và đang vươn tới đô thị công nghiệp, thành phố thông minh, mảnh đất đáng sống, trọng nghĩa, chí tình. Bất luận là người Bình Dương bản địa hay người mới đến lập nghiệp, cộng đồng người dân tại mảnh đất đáng yêu, đáng mến này hiện tại thực sự chan hòa, cùng chí hướng vươn lên, xây dựng một cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Có thể nói, về phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật Bình Dương là tỉnh đứng đầu khu vực miền Nam. Thời gian qua, tỉnh ưu tiên đầu tư các dự án giao thông mang tính liên kết vùng nhằm kết nối Bình Dương với TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục đầu tư nhiều tuyến đường trọng điểm, huyết mạch để tạo sự kết nối với các đô thị phía Bắc của tỉnh. Đối với phát triển kết cấu hạ tầng xã hội, Bình Dương tiếp tục thu hút đầu tư đối với các dự án công trình văn hóa tầm cỡ quốc gia và quốc tế; đẩy mạnh xã hội hóa để tăng thêm nguồn đầu tư góp phần nâng cao chất lượng của ngành giáo dục, y tế, nhất là đầu tư các cơ sở dịch vụ chất lượng cao, chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Bên cạnh đó, nhằm cải tạo và chỉnh trang đô thị, Bình Dương xây dựng và phát triển nhiều loại hình nhà ở như nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, ký túc xá sinh viên... Tỉnh cũng khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị; song song đó sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống giao thông, bảo đảm kết nối với hệ thống giao thông quốc gia.
Bí thư Tinh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cho biết, suốt 25 năm xây dựng phát triển, Bình Dương đã chuyển mình, vươn lên trở thành một tỉnh có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa cao trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Riêng năm 2022, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề sau đại dịch COVID-19, nhưng kinh tế của tỉnh vẫn đạt mức tăng trưởng dương GRDP tăng 8,29%; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tăng 16,8%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước tăng 12,9%... Mặc dù khó khăn do biến động thị trường toàn cầu nhưng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 35,7 tỷ USD, tăng gần 9% so với năm 2021. Và GDP bình quân đầu người đạt 166 triệu đồng/năm, được Trung ương đánh giá là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất nước. Bình Dương được Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới vinh danh là một trong 7 cộng đồng có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu trên thế giới.
Vùng đất nghĩa tình
“Từ miền xa ta đến nơi đây/ Gặp lại nhau trên mảnh đất này/ Bình Dương ơi thân quen biết mấy/ Bình Dương quê mình đây rồi…”. Với những ca từ chan chứa yêu thương, lời bài hát “Quê hương mình Bình Dương” của nhạc sĩ Phạm Đăng Khương đã làm rung động bao trái tim người yêu nhạc cũng như bao con người chọn Bình Dương là nơi “ an cư, lạc nghiệp”.
Đi qua chặng đường 1/4 thế kỷ xây dựng, phát triển. Chừng đó thời gian, dòng chảy cư dân, lao động khắp các vùng miền trong cả nước quần tụ về Bình Dương với bao ước vọng về cơ hội việc làm, lao động, học tập, gầy dựng cơ nghiệp. Và, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn Bình Dương có khoảng 2,6 triệu dân sinh sống, trong số đó có tới khoảng 1,5 triệu lao động xa quê.
Trên mảnh đất Bình Dương hôm nay, ở từng khu, ấp, tổ dân phố đan xen giọng nói cả ba miền đất nước. Dân số Bình Dương tăng cơ học thuộc hàng cao nhất cả nước, lao động tại vùng đất công nghiệp, dịch vụ sôi động này có thể đến từ miền Tây sông nước, từ đại ngàn Tây nguyên, các tỉnh đồng bằng Trung, Bắc bộ, hoặc họ đến từ miền trung du, vùng núi cao biên giới phía Bắc…
Sức hút lao động, cư dân của Bình Dương là vô cùng lớn, chưa bao giờ dừng lại, đó là thực tế, đặc biệt là trong suốt hành trình hơn 25 năm xây dựng, phát triển đã qua. Có một câu chuyện vui, nhưng là thực tế trong cuộc sống mà hẳn nhiều người đã từng nghe, từng biết liên quan đến sự dịch chuyển lao động trong cả nước về Bình Dương.
Ở vùng quê Hoài Ân – Bình Định của tôi, có đến 80% người con xa quê hương chọn Bình Dương làm nơi “an cư, lập nghiệp”. Rồi nhiều lần tôi đến Bình Dương, tôi cũng bị cảm phục bởi vùng đất này. Con người ở đây rất thật thà, chất phát và quý khách. Điều kiện sống luôn đảm bảo cho người dân từ nơi sống, bệnh viện, trường học cũng như đường xá. Vì vậy, trên mảnh đất Bình Dương hôm nay có sự quần tụ sinh sống, lao động, học tập của cư dân ở khắp mọi miền Tổ quốc. Họ đến, không đơn thuần là tăng nhanh con số dân cư cơ học, không chỉ là số lượng lao động, dòng chảy con người đến với Bình Dương còn mang theo phong tục, tập quán, ngành nghề truyền thống… để bổ sung, hòa quyện cùng nét văn hóa, sinh hoạt của người Bình Dương lâu đời, tạo nên một đời sống văn hóa vô cùng phong phú, đặc sắc, đan xen.
Dòng chảy của lao động trẻ, lao động có trình độ, tay nghề chọn Bình Dương để lao động, sáng tạo, gắn bó, đồng hành. Dòng chảy tri thức, chất xám từ các vùng miền cả nước đổ về, từ các quốc gia mang đến sẽ cùng với người Bình Dương bản địa xây dựng nên một Bình Dương thông minh, hiện đại, nghĩa tình, đa sắc màu văn hóa.
Đặc biệt là trong năm 2021, năm mà người dân, công nhân lao động (CNLĐ) nói chung trên địa bàn tỉnh chịu sự tác động nặng nề từ dịch bệnh, Bình Dương đã phát đi tinh thần hỗ trợ tối đa bằng thực lực của tỉnh nhà. Trách nhiệm đó, nghĩa tình đó không chỉ thể hiện qua con số 3.500 tỷ đồng đã chi theo các nghị quyết, quyết định của Trung ương, của HĐND, UBND tỉnh mà ở đó còn là sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt, chan chứa tình người trong những thời điểm cam go, thử thách nhất, nhất quán tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Sự đối đãi, cách thể hiện, chăm lo của Bình Dương, đặc biệt là trong những tháng cao điểm dịch bệnh năm 2021 hẳn người lao động, công nhân xa quê sẽ cảm nhận, thấu hiểu, trân trọng.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh khu phố 5, phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương là nơi an lành, không có thiên tai do mưa bão, lũ lụt, hạn hán gây ra, nên rất thuận lợi để nuôi trồng, dựng xây mái ấm. Vì vậy, người từ phương xa đến sẽ cảm thấy yên tâm. Yên tâm từ đất lành cho đến con người hiền hòa, nhân hậu. Sống trong cuộc sống đầy thuận lợi như ở Bình Dương, nhiều người đã xem đây là quê hương thứ hai và muốn gắn bó, dựng xây, phát triển nhiều hơn. Đồng thời, họ cũng đã dìu dắt, giúp đỡ nhau để có cuộc sống ấm no, hiện đại và văn minh hơn.
Chia sẻ về các chính sách an sinh xã hội, ông Trịnh Tấn Tài – GĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương cho biết, trong những năm qua, Bình Dương đã chi từ ngân sách nhà nước và huy động nhiều nguồn lực để chăm lo cho công tác an sinh xã hội với mức chi ngày càng cao hơn, tốt hơn và đầy đủ hơn; đặc biệt là người có công với cách mạng, các đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn…..
Các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công” với nhiều hình thức phong phú, thiết thực như: xây dựng, sữa chữa nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm; chăm sóc, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình liệt sĩ già yếu cô đơn được phát huy mạnh mẽ. Hiện tại, Bình Dương là địa phương không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Trung ương.