Thúc đẩy bình đẳng giới trong phát triển nông nghiệp tại Việt Nam
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 00:28 - 07/10/2016
Đó là cảnh báo của các nhà nghiên cứu nông nghiệp được đưa ra tại Hội thảo “Thúc đẩy bình đẳng giới trong nghiên cứu và phát triển nông nghiệp tại Việt Nam”, diễn ra vào ngày 6 và 7/10 tại Hà Nội, do Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Úc (ACIAR) và Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Nhiệt đới quốc tế (CIAT) tổ chức.
Để giúp các dự án nghiên cứu và phát triển đạt được những tác động mong muốn, Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Úc (ACIAR) và Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT) đã tổ chức hội thảo với mục tiêu nhằm tăng cường áp dụng “lăng kính giới” trong sản xuất, nghiên cứu và phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp ở Việt Nam.
Theo các chuyên gia, nông nghiệp Việt Nam đã và đang có những thay đổi nhanh chóng, trong đó có thể kể đến sự phát triển của thương mại hóa và hội nhập thị trường, nhu cầu ngày càng cao đối với công nghệ tiết kiệm sức lao động, hay vấn đề di cư để tìm kiếm các cơ hội việc làm phi nông nghiệp. Các quá trình này không những tác động đến hình thái nông thôn và cộng đồng, mà còn thách thức vai trò truyền thống của giới. Không xem xét các yếu tố về giới trong quá trình nghiên cứu sẽ ảnh hưởng đến việc áp dụng các tiến bộ khoa học và khiến vấn đề bất bình đẳng giới trầm trọng hơn. Vì vậy, giới là một yếu tố quan trọng trong quá trình Thiết kế, thực hiện và đánh giá các nghiên cứu nông nghiệp phục vụ phát triển để đảm bảo các công nghệ và chính sách đó đến được với phụ nữ, từ đó được áp dụng rộng rãi, và cải thiện sinh kế cho nông dân.
Dựa trên nghiên cứu tài trợ bởi Australia và UN Women về Phụ nữ hoạt động trong nông nghiệp và tăng trưởng toàn diện ở Việt Nam, Giáo sư Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) cho biết: "Phụ nữ chiếm trên 50% tổng số lao động nông nghiệp. Kinh tế thị trường, cải cách ruộng đất và phát triển nông thôn đã giúp tạo ra những điều kiện thuận lợi hơn cho sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam, tuy nhiên, nam giới chứ không phải phụ nữ thường là đối tượng hưởng lợi chính.”
Trong bài phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Đại sứ Australia, ông Layton Pike, nhấn mạnh: “Australia tập trung vào thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trong tất cả các hoạt động của Đại sứ quán tại Việt Nam. Chúng tôi tự hào vì các tổ chức nghiên cứu nông nghiệp Việt Nam và Australia đã có quan hệ hợp tác lâu dài, và tin rằng việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong nông nghiệp sẽ đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước”.
Qua các bài tham luận và thảo luận nhóm tại hội thảo, các đại biểu đại diện cho nhiều tổ chức hàn lâm, nghiên cứu và phát triển trong và ngoài nước đã mở rộng và chia sẻ kiến thức về các khía cạnh giới trong sản xuất nông nghiệp và tác động của chúng đối với nghiên cứu nông nghiệp ở Việt Nam.
Hỗ trợ Việt Nam từ năm 1993 với mức đầu tư trị giá trên 50 triệu đô Úc, ACIAR luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của giới trong các hoạt động của tổ chức, nhằm đảm bảo rằng các công nghệ và chính sách mới đến được với phụ nữ, từ đó được áp dụng rộng rãi, và giúp cải thiện sinh kế cho nông dân. |