Bí quyết thành công của những doanh nhân bán hàng online
- Huyệt vị
- 23:19 - 19/07/2016
Thu nhập tốt và không gò bó thời gian
Chị Phạm Hồng Ngọc, chủ cửa hàng online ở Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội ví công việc bán hàng ăn trực tuyến như chuyện “đi câu” do đơn hàng hôm ít, hôm nhiều. Ngọc kể: "Sau khi tốt nghiệp phổ thông, trải nghiệm 5 năm làm qua nhiều nghề như PG, bán quần áo, mở quán cà phê, bán mỹ phẩm… nhưng không hiệu quả, Ngọc nhận ra cơ hội khởi nghiệp tốt từ việc bán quà vặt online. Một thời gian trải nghiệm và đúc rút được cả kho bí quyết lận lưng cho riêng mình".
Phạm Hồng Ngọc đang chuẩn bị đồ đạc cho khách hàng.
Các món ăn cô bán ra cũng là những món chính con trai nhỏ thưởng thức hàng ngày. Những mẩu chuyện về quá trình thử nghiệm món ăn mới, những câu nhận xét của con trai khi ăn các món “mẹ Ngọc” làm được đăng tải dần giúp Ngọc đến gần hơn với khách hàng. Kèm với hình ảnh mỗi món ăn được cập nhật hàng ngày, Ngọc không quên công khai hàng loạt nhận xét tích cực của khách hàng. Bởi, theo cô: “Không có lời quảng cáo nào hiệu quả và đáng tin hơn lời khen của chính thực khách”.
Cô chủ trương tận dụng mọi phương tiện truyền thông online để xây dựng thương hiệu của mình. Hai kênh chính được lựa chọn là Facebook, Fanpage và diễn đàn kinh doanh trực tuyến. Riêng với facebook, Ngọc tích cực up ảnh quy trình chế biến món ăn để tạo niềm tin ở khách hàng.
Trải qua gần 2 năm học hỏi, trải nghiệm, nhận mức lãi suất chỉ khoảng 100.000 đồng một ngày, đến nay, Ngọc đã có thu nhập ổn định khoảng 30 triệu đồng mỗi tháng. Bởi, thành công đến với mình không phải kiểu ăn xổi. Để có được ngày hôm nay, mình đã phải nỗ lực rất nhiều. Và khách hàng với mình giờ không chỉ gắn bó trên quan hệ mua-bán mà còn là những người thân, tri kỷ”.
Bán hàng online, mua nhà Hà Nội
Là nhân viên kế toán của một công ty vận tải, Lê Lan (ở Hà Nội) còn được biết đến là một người bán hàng online khá thành công trên các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, theo lời kể của Lan, để đạt được những thành công đó, Lan đã phải bỏ ra rất nhiều công sức, thời gian.
Lan kể: “Những năm trước, phong trào bán hàng online của các chị em công sở phát triển rầm rộ, mình cũng muốn tham gia. Thế nhưng, từ muốn đến làm là cả một quá trình đấu tranh tư tưởng, đến khi mình bắt tay vào làm lại càng thấy khó khăn vì cái gì cũng phức tạp". Đầu tiên, Lan lấy hành, tỏi Lý Sơn để bán, nhưng rồi Lan chuyển sang một vài mặt hàng khác. Nhưng những mặt hàng đó cũng không ổn định, cái nào cũng chỉ được một thời gian ngắn rồi lượng khách cứ ít dần khiến mình chán nản định bỏ cuộc. Sau đó, nghĩ đến cuộc sống khó khăn, 2 vợ chồng ở quê ra Thủ đô lập nghiệp, bao nhiêu việc lớn vẫn chưa làm được nên Lan lại quyết tâm. Một lần về quê chồng ở Bình Giang, Hải Dương, nhìn thấy xưởng chế tạo trang sức bạc, Lan nghĩ quê mình có nghề truyền thống như này tại sao mình không mang bán online? Lan đăng mẫu trên các trang mạng xã hội để mọi người đặt hàng. Khi đã chốt đơn hàng, cô điện về xưởng để đặt và lấy cho khách theo mẫu.
Ban đầu, lượng khách không đông vì mọi người còn nghi ngờ chất lượng và mẫu mã của sản phẩm nhưng Lan vẫn kiên trì. Sau đó, những người mua hàng thấy hàng hóa của Lan đảm bảo, giá thành lại rẻ hơn những chỗ khác nên họ tin tưởng và giới thiệu cho bạn bè. Dần dần, lượng khách đến với Lan ngày một nhiều hơn.
“Bây giờ, thu nhập trung bình mỗi ngày từ việc bán online đã lên đến 200 - 300 nghìn. Thỉnh thoảng có ngày nhiều đơn hàng, doanh thu có thể lên đến cả triệu” – Lan nói. Theo Lan, để có thể duy trì và phát triển được lượng khách mua hàng, người bán hàng, ngoài chiến thuật kinh doanh, sản phẩm chất lượng, giá cả phải chăng thì phải có sự chăm chút đến trang web của mình. Các sản phẩm cần được đăng tải thường xuyên nhưng không được làm phiền bạn bè trên mạng xã hội. Thêm vào đó, người bán hàng phải có sự nhạy cảm, các sản phẩm tung ra mời chào phải bắt kịp với xu hướng và thị hiếu hiện tại. Đồng thời người bán cũng phải có sự tương tác thường xuyên với khách, chăm sóc khách tận tình… Bên cạnh đó, theo Lan, để gia tăng lượng khách mua hàng thì việc phát triển cộng tác viên bán hàng cũng vô cùng quan trọng.
Chàng thanh niên sở hữu chuỗi shop thời trang
Nhờ áp dụng cách kinh doanh thời trang online đúng đắn đã giúp Lê Ngọc Chiến (quê ở Thanh Hóa) sở hữu cho mình một chuỗi shop thời trang nam chỉ sau một vài năm khởi nghiệp bằng hình thức kinh doanh online.
Lê Ngọc Chiến
Vốn là một sinh viên năng động cùng với niềm yêu thích, sự hiểu biết nhất định về lĩnh vực thời trang, Chiến đã khảo sát, thu thập thông tin và phân tích để tìm ra một bản sắc kinh doanh riêng cho mình. Nghĩ là làm, Chiến đã rất mạo hiểm khi huy động cả gia đình đi vay, cùng với vay bạn bè được 300 triệu đồng để khởi nghiệp bằng hình thức kinh doanh thời trang nam online. “Những ngày đầu, công việc khá vất vả, mình phải đảm nhiệm nhiều vị trí, từ vai trò là người lấy hàng, chọn hàng, bán hàng đến việc thiết kế, PR cho cửa hàng, cùng với thời gian học tập dày đặc, 3 tháng đầu, mình gần như không có thời gian cho những mối quan hệ và hoạt động khác” - Chiến tâm sự.
Thành công ngoài mong đợi khi chỉ sau 3 tháng kinh doanh, Chiến đã thu hồi được vốn. Những tháng tiếp theo mở rộng kinh doanh, thuê thêm địa điểm và tuyển thêm nhân viên. Mọi sự chỉ đạo đều được điều khiển từ xa. Chiến lập ra hệ thống quản lý nhân viên bằng cách giao nhiệm vụ cho từng nhóm trưởng. Hiện nay Chiến đã có trong tay 4 cửa hàng thời trang nam hoành tráng với số nhân viên lên đến 40 người, doanh số bán hàng hàng tháng rất cao.
Kinh doanh online là một việc làm không dễ, từ giá cả, mẫu mã cho tới việc chăm chỉ 'update' trên trang cá nhân. Bởi thực tế, nhiều khi khách đặt hàng rồi, tới lúc chuyển hàng lại báo hoãn, không mua hàng nữa. Thực sự đó cũng là một cuộc canh tranh khốc liệt đến từng giờ, từng ngày trên mạng xã hội.